“Cẩm nang” phòng, chống trộm ngày cận Tết

Thứ Hai, 01/02/2021, 07:44
Năm nào cũng vậy, vào cận Tết, số vụ trộm ở TP Hồ Chí Minh đều tăng cao so với thời điểm bình thường. Từ khuyến báo của cơ quan Công an cũng như qua thực tế các băng nhóm trộm cắp bị triệt phá, chúng tôi đã đút kết lại phương thức, thủ đoạn cũng như cách phòng, chống trộm để mọi người nâng cao cảnh giác.

Câu chuyện về một người phụ nữ bị dàn cảnh trộm 10 triệu đồng tại một giao lộ ở quận 11 vào ngày 21/1 vừa qua gây chú ý dư luận trong thời gian gần đây. Chú ý không phải bởi phương thức gây án (đã quá cũ) hay số tiền bị mất (khá ít so với các vụ dàn cảnh trộm trước đây) mà chính là thủ đoạn trộm này đã quay trở lại sau nhiều năm vắng bóng.

Thời điểm “hoàng kim” của loại tội phạm này từ khoảng cách đây 5 năm trở về trước. Khi đó, các Đội nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh gần như tháng nào cũng triệt phá một vài vụ dàn cảnh va quệt xe trộm tiền. Từ khuyến cáo của cơ quan Công an, người dân cảnh giác, chuyện dàn cảnh trộm tiền gần như không xảy ra trong suốt nhiều năm liền.

Có lẽ do người dân lơ là, chủ quan nên băng nhóm dàn cảnh rục rịch hoạt động trở lại và đã gây ra ít nhất 3 vụ trong 3 tháng trở lại đây. Từ thực tiễn cho thấy, nếu như các băng nhóm cướp giật trên đường phố thường chọn “con mồi” là phụ nữ thì băng nhóm dàn cảnh trộm tài sản hầu hết nạn nhân là nam giới. Còn trường hợp người phụ nữ bị trộm ở quận 11 cho đến thời điểm này được xem là cá biệt. Lý do “quý ông” thường hay bỏ tiền, ví da vào túi quần khi lưu thông trên đường. Mà chuyện móc túi đối với bọn tội phạm thì dễ như trở bàn tay.

Còn về địa điểm gây án, tất cả đều diễn ra tại giao lộ nơi có đèn tín hiệu giao thông. Thời điểm “vàng” mà bọn tội phạm ra tay là khi vừa hiện lên đèn vàng. Trong vài giây đó chúng ra tay rất nhanh rồi vượt luôn đèn đỏ nên nếu có người đuổi theo thì cũng khó thực hiện. Đó là chưa kể nhóm cản địa đã “bày binh bố trận” nên nạn nhân chỉ có thể đứng nhìn.

Để triệt phá một băng dàn cảnh trộm tài sản là rất khó khăn, đòi hỏi cơ quan Công an phải bỏ thời gian công sức hằng tháng trời để đeo bám. Trong khi đó, để phòng loại tội phạm này thì đơn giản là khi mang theo số tiền lớn thì người đi đường chỉ cần bỏ tiền vào cốp xe là đã vô hiệu hóa được.

Đối với trộm “nhập nha” được phân thành 2 loại, trộm tài sản là vòng vàng, tiền bạc (chủ yếu để trong két sắt) và trộm xe gắn máy. Đối với trộm két sắt, kẻ trộm điều nghiêng rất kỹ, theo dõi chi li từng giờ giấc sinh họat cũng như thói quen của gia chủ nên chỉ cần sơ hở là gặp họa ngay. Điểm đáng lưu ý, loại trộm này đa phần là người quen và biết rõ gia chủ có tài sản cất giấu trong nhà.

Đàm Viết Khôi (SN 1986; ngụ quận Tân Bình) một “siêu trộm” cùng đồng bọn thực hiện 25 vụ nhập nha khẳng định, nếu chủ nhà tin tưởng vào khóa cửa (dù có tân tiến đến mấy) thì nhầm to vì với bộ đồ nghề chuyên nghiệp Khôi có thể mở bất cứ ổ khóa nào. Cũng theo khôi, “dân trong nghề” như y thường chọn đột nhập vào nhà không có người giữ dù có khóa bao nhiêu lớp cửa đi nữa.

Nếu không thể đột nhập vào cửa chính (do có người qua lại) thì trộm có thể đột nhập từ lỗ thông gió, trổ mái tôn nhưng phổ biến nhất là từ cửa sổ. Nếu gia chủ thường xuyên vắng nhà vào thời điểm cố định nào đó trong ngày thì trộm sẽ lợi dụng để tổ chức đột nhập. Cho nên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân không nên để tiền, vàng trong két sắt mà cần để ở một nơi nào khác trong nhà vì khi đột nhập kẻ trộm luôn tìm đến két sắt.

Đối với trộm “nhập nha” lấy xe gắn máy - loại trộm phổ biến nhất hiện nay, để nâng “tay nghề”, các “siêu trộm” thường xuyên mua các loại ổ khóa thuộc dạng tân tiến nhất để mang về nghiên cứu, tìm cách vô hiệu hóa. Chính vì vậy mà kẻ trộm có thể mở bất kỳ loại ổ khóa nào chỉ trong vài giây. Về thời gian, vào ban ngày trộm thường thực hiện vào tầm từ 12h-13h, lúc mọi người đang ngủ trưa. Vì chủ quan, gia chủ để xe trước sân nhà hoặc phía trong nhà nhưng không khóa cửa, không người trông giữ nên trộm dễ dàng mở khóa cổng, khóa xe lấy cắp.

Với các loại xe có khóa từ cũng chẳng ăn thua, trộm mở được tất cả chỉ lâu hơn so với bình thường. Còn xe có cài thiết bị chống trộm (xe không nổ máy hoặc bật công tắc sẽ hú còi) trộm cũng lấy nốt, sau đó đẩy đi. Để phòng bị mất xe vào giữa trưa, gia chủ phải dẫn xe vào nhà, chốt cửa phía bên trong như ban đêm mới an toàn được.

Vào ban đêm, mục tiêu của trộm là các căn hộ cho thuê, xe của người thuê để cùng một chỗ, chỉ có khóa cửa, không người trông coi hoặc gia chủ để xe dưới tầng trệt nhưng lại ngủ trên lầu. Kẽ hở của những căn hộ này là do có nhiều người ở, đi làm giờ giấc khác nhau nên mỗi người có 1 chìa khóa riêng để tự mở cửa nhà. Muốn vậy thì buộc phải chừa một khoảng trống ở cửa để thò tay vào mở khóa, mà chính lỗ trống này đã giúp trộm dễ dàng bẻ khóa.

Mặt khác, khá nhiều nhà mà trộm đột nhập có cửa kính trong suốt, bên ngoài có thể nhìn vào thấy rõ xe để ở bên trong. Do vậy muốn phòng trộm dạng này phải thay đổi cửa kín đáo và bố trí người chốt, khóa cửa phía bên trong trước khi đi ngủ.

Đối tượng trộm cắp trong cơ quan, doanh nghiệp đều thuộc dạng chuyên nghiệp, đột nhập vào trụ sở vào thời điểm nhân viên, người lao động đi ăn cơm trưa hoặc vào ban đêm khi nhân viên bảo vệ mệt mỏi, lơ là, mất cảnh giác. Ngoài ra, các đối tượng còn móc nối với người bên trong cơ quan nên rất dễ dàng trộm cắp tài sản.

Để phòng ngừa, Công an thành phố  khuyến cáo lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp nhà trường cần trang bị camera có độ phân giải cao ở những nơi có khả năng xảy ra trộm để có chứng cứ hỗ trợ cơ quan Công an trong quá trình điều tra. Quản lý chặt chẽ cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc để tránh cấu kết với bên ngoài; cần chú ý đến những nhân viên đã nghỉ hoặc bị đuổi việc bất ngờ quay lại công ty.

Mã Hải
.
.
.