Bi kịch 9 năm xa xứ và tự sự người đàn bà có hành vi giết chồng

Thứ Tư, 19/02/2014, 09:49
“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, những con người vốn là người thân của nhau... nhưng rồi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày, không được giải quyết một cách triệt để đã để lại những hậu quả đau lòng. Những vụ án mạng thương tâm liên tiếp xảy ra trong những tháng đầu năm 2014 do những người thân trong gia đình gây ra như vợ sát hại chồng, cha giết con… gây hoang mang trong dư luận và báo động về sự xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay.

Trớ trêu thay, vụ trọng án đau lòng ấy lại xảy ra đúng vào một ngày đặc biệt, ngày Valentine (14/2), khi các cặp tình nhân trên thế giới trao cho nhau những bông hồng đỏ và thỏi sôcôla ngọt ngào thể hiện tình yêu say đắm… Người đàn bà gây ra vụ án thương tâm ấy có cái tên thật buồn, Đỗ Thị Đượm (44 tuổi). Chỉ vì mâu thuẫn tức thời, khoảng 11h ngày 14/2, chị đã gây ra cái chết cho người chồng nhiều năm má ấp, môi kề, anh Nguyễn Đình Luân. Vì sao nên cơ sự này?

Để trả lời câu hỏi trên, một ngày sau khi vụ trọng án xảy ra, chúng tôi tìm về Ninh Giang (Hải Dương) gặp chị Đượm. Cho đến khi gặp tôi, chị Đượm vẫn chưa biết rằng anh Luân đã qua đời. Chị nói với tôi nhưng cũng như đang tự nhủ với chính mình: “Sự việc đã xảy ra rồi. Tôi cầu mong anh ấy tai qua, nạn khỏi để vợ chồng cùng nhau làm lại từ đầu. Cả hai cùng bỏ qua cho nhau…”. Tôi cũng là một người phụ nữ, có lẽ vì thế mà tôi đồng cảm hơn với nỗi đau của chị Đượm. Trong vụ án này, chị là người có tội, điều đó pháp luật sẽ phán xét một cách nghiêm minh. Nhưng cái tội của chị có lẽ cũng xuất phát từ việc chị quá thương chồng và yêu con, muốn chồng và con có được một cuộc sống sung sướng hơn.

Người đàn bà đó không hiểu rằng, có những thứ không thể mua được bằng tiền, đó là hạnh phúc. Dù rằng quan niệm về hạnh phúc của mỗi người là khác nhau. Và bi kịch của chị Đượm cũng bắt nguồn từ suy nghĩ sai lầm đó. Giá như chị Đượm biết yêu bản thân  hơn…

Đỗ Thị Đượm tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Ninh Giang.

Chị Đỗ Thị Đượm và anh Nguyễn Đình Luân vốn là chỗ bạn cùng học thuở tóc còn để chỏm. Anh Luân thường xuyên bỏ học bị lưu ban nên sau đó phải học sau chị Đượm một lớp. So với bạn bè cùng trang lứa, chị Đượm không đẹp nhưng bù lại rất nhanh nhẹn, tháo vát. Theo lời kể của chị Đượm thì dạo đó, anh Luân được mệnh danh là “công tử”, lại nổi tiếng nghịch ngợm nên Đượm chẳng mấy khi để mắt tới. Nhưng số phận đưa đẩy, chị lại đồng ý làm vợ anh, chỉ sau một câu hỏi: “Em đã có bạn trai chưa”. Từ ngày lập gia đình, Đượm chưa có được một ngày hạnh phúc. Bố mẹ Luân trước đó có làm ăn buôn bán nhưng khi chị về làm dâu thì cảnh nhà sa sút.

Gần 7 năm đầu, vợ chồng chị chẳng có chỗ trú thân, có lúc thì ở nhờ nhà một người quen, sau đó thì ở gần một cây đa ở làng, trong căn nhà cấp 4 thấp lè tè. Anh Luân không có việc làm ổn định nên những ngày đó thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào sự tần tảo của Đượm. Một người quen của vợ chồng Đượm thương tình đã giúp cho anh học nghề lò rèn, sau đó thì làm nghề mổ trâu. Tiếng là như vậy nhưng chẳng mấy khi anh đưa tiền cho vợ. Cũng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên khi cậu con trai lớn được 7 tuổi, chị mới tính sinh thêm người con thứ hai.

Nhìn cảnh chị vác bụng chửa vượt mặt, từ gà chưa gáy sáng đã trở dậy đi bán lòng trâu, lòng bò, ai cũng ái ngại nhưng vì hoàn cảnh chị lại phải gắng gượng. Nhà có thêm người, lại thêm khó khăn… thương mẹ con chị vất vả, trời nắng như nung ở trong căn nhà cấp bốn, lợp mái proximăng, chị gái chị Đượm thương tình cho mượn căn nhà vừa xây. Chị Đượm ở một thời gian thì người chị này gợi ý bán cho căn nhà với giá rẻ. Đối với vợ chồng Đượm thì đây là điều nằm ngoài mơ ước của họ. Vậy là họ vay mượn họ hàng rồi  ngân hàng để mua căn nhà trên… Nằm trong căn nhà khang trang nhưng chẳng mấy khi chị Đượm thấy yên lòng vì khoản nợ hằng tháng vẫn hằng ngày thúc ép.

Dạo đó, tại Hải Dương có phong trào đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Bàn đi tính lại, Đượm và Luân thống nhất với nhau để chị sang Đài Loan kiếm sống. Những ngày đầu xa xứ, nỗi nhớ thương con và gia đình khiến chị trằn trọc chẳng thể chợp mắt. Trong những ngày đó, những lá thư động viên của người chồng là nghị lực giúp chị vượt lên tất cả. Theo lời của chị Đượm thì thời gian đầu công việc của chị là trồng lúa và làm việc nhà, cường độ làm việc cũng vô cùng vất vả. Chị biết chồng chị ở nhà cùng lúc vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ cũng chẳng sung sướng gì nên có đồng nào là gom góp gửi về cho chồng.

Thời gian sau đó, chị nghe thông tin anh Luân đưa một người đàn bà trẻ, đẹp về nhà sinh sống. Sau đó, thì chị nhận được thư của anh bắt chị phải chia tay… Khi biết tin ấy, chị Đượm nằm liệt giường. Chẳng có điều gì khiến người ta suy sụp bằng tinh thần. Suốt một tuần không ăn, không ngủ người chị gày rộc… Khi đó, gia đình chủ nhà động viên, giúp chị vượt qua cú sốc tinh thần để tiếp tục sống và nuôi con. Những ngày đó, chị lấy công việc làm vui… gom góp những đồng tiền có được gửi về cho chồng nuôi con và trang trải các khoản nợ nần. Thời gian sau này, có lần anh Luân bị tai nạn cũng gọi điện thoại yêu cầu chị về nước nhưng vì tiếc công, tiếc của, chị Đượm lại ở lại… Sai lầm của chị Đượm có lẽ cũng vì điều này.

Năm 2012, sau 9 năm làm việc ở nước ngoài, Đượm về nước rồi lại chuẩn bị làm thủ tục sang Đài Loan lao động. Nhưng lần này thì Luân tỏ thái độ rõ rệt, nếu chị Đượm đi lao động sẽ lấy vợ hai… Sự việc này, sau đó cũng có sự can thiệp của gia đình hai bên nên chị Đượm đồng ý ở lại nhà. Sống cuộc sống vợ chồng chẳng có được một ngày hạnh phúc. Không hiểu vì lý do gì, thông tin chị có con riêng ở Đài Loan đồn thổi khắp mọi nơi. Luân vì tức giận chuyện này nên cũng thường xuyên nói bóng, nói gió vợ. Có lần, chị nói đùa với cậu con trai rằng nếu làm ăn được, 10 năm nữa sẽ sang Đài Loan tham quan. Khi nghe câu nói ấy, Luân cười khẩy: Mười năm nữa thì con nó cũng quên cả mặt mẹ…”.

9 năm đằng đẵng xa nhau, nhưng khi đã về ở với nhau, cả hai nên bỏ qua những chuyện quá khứ. Anh Luân hãy nghĩ đến việc chị thân gái một mình nơi đất khách quê người để gánh vác việc gia đình, còn chị hãy nghĩ đến anh trong cảnh gà trống nuôi con… Những mâu thuẫn âm ỷ, không được giải quyết triệt để đã để lại những hậu quả thật nặng nề. Anh Luân vì tức giận nên thường tìm cớ “đánh chó, chửi mèo”. Ngay cả chuyện thật đơn giản là con trai anh đưa về một người bạn gái thấp, bé, anh không ưng thuận cũng kiếm cớ chửi chị Đượm, thậm chí còn xúc phạm cả những người thân trong gia đình nhà vợ bằng những câu nói cũng không dễ nghe như không cho lấy con gái họ nhà lùn…

Về phần Đượm cũng không lựa chọn thời điểm thích hợp hoặc lựa chọn những người bạn bè, người có uy tín trong dòng họ để trao đổi với Luân, bày tỏ quan điểm của mình. Mỗi người trong số họ lại theo đuổi một suy nghĩ của mình. Như ngọn lửa âm ỷ, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào trưa 14/2. Hôm đó, Đượm mổ vịt để chờ đón cậu con trai lớn từ Hà Nội về thăm nhà. Trong lúc đang mổ vịt thì xảy ra xô xát… Nhát dao oan nghiệt của Đượm trong lúc bị chồng bóp cổ đã cướp đi sinh mạng của Luân.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Mai Thế Oanh, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Hải Dương chia sẻ: Những vụ án do nguyên nhân xã hội xảy ra cho thấy văn hóa ứng xử, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Thời phong kiến, con người bị ràng buộc bởi lễ giáo, tôn ti trật tự, niềm tin sợ làm điều ác sẽ bị “quả báo” nhưng trong xã hội hiện đại, chuẩn mực đạo đức và nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp có phần bị xem nhẹ. Hơn nữa, hiểu biết pháp luật của nhiều người dân còn kém nên xử sự theo bản năng, không biết kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn thế nào. Họ cũng không có thói quen nhờ luật sư, tìm đến dịch vụ tư vấn tâm lý nên xảy ra tình trạng không ít trường hợp khi đã phạm tội mới tìm hiểu luật.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, một chuyên gia tâm lý cho biết: Những khó khăn trong đời sống kinh tế mỗi gia đình và cộng đồng, vướng mắc tình cảm của mỗi người, những ảnh hưởng tiêu cực với bầu không khí xã hội trong thời kỳ mở cửa… cũng là nguyên nhân gây ra các vụ trọng án bắt nguồn từ gia đình. Đôi khi không phải là nguyên cớ trực tiếp nhưng do người gây án chịu áp lực “cộng dồn” những uất ức tích tụ nên “giận cá chém thớt”, trút gửi lên họ. Cái khó nữa là tình trạng phạm tội tiềm ẩn, bất ngờ gây án nên không có “kịch bản” đối phó trước, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Trong các vụ án đau lòng từ mâu thuẫn gia đình này, người thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ ngây thơ, vô tội.

Theo số liệu thống kê mỗi năm xảy ra khoảng 1.200 vụ giết người, trong đó 90% là do các nguyên nhân xã hội, 18-20% người thân trong gia đình giết nhau, khoảng 5.000 vụ cố ý gây thương tích và cũng là các nguyên nhân xã hội. Chỉ vì một phút nóng giận, thiếu kiềm chế, họ đã đang tâm cướp đi sinh mạng của chính những người thân trong gia đình mình, để lại những hậu quả cho gia đình và xã hội. Những cảnh vợ mất chồng, cha mất con… thật đau xót

Xuân Mai
.
.
.