Bệnh nhân thiệt vì Bệnh viện Bưu điện tiết kiệm chi phí!

Thứ Tư, 11/09/2013, 15:30
“Từ bữa phát hiện ra bệnh, vợ chồng em chỉ lo đưa nhau về thành phố chạy chữa. Bất cứ phụ nữ nào cũng đều rất sốc khi nghe mình mắc bệnh này. Phát hiện bệnh muộn thế mà chỉ do không có bác sĩ đọc kết quả để BV tiết kiệm chi phí. Nghe mà đau lòng quá! Những CBCNV tụi em vẫn không thể hiểu được tại sao BV lại chỉ nghĩ tới việc tiết kiệm mà không nghĩ tới sức khỏe của bệnh nhân?”, chị N.T.T. , 40 tuổi, ngụ tại thị xã Phan Rang - Ninh Thuận bức xúc.

Ngay khi bài báo "Những dấu hiệu “khuất tất” cần làm rõ tai tại BV Đa khoa Bưu điện TP HCM" trên Báo CAND, chúng tôi tiếp tục nhận được những thông tin ủng hộ từ nhiều bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Bưu điện tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chúng tôi đã được trực tiếp gặp gỡ một trong hai bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung (CTC) hiện đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Các bệnh nhân này cũng chính là các CBCNV ngành Bưu điện thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, lâu nay được chăm sóc sức khỏe tại BV Đa khoa Bưu điện khu vực TP Hồ Chí Minh.

“Một tháng rưỡi nay em đã trải qua xạ trị nhiều lần, đau đớn bệnh tật em chịu được nhưng đau hơn, nhức lòng hơn khi mà biết mình bị bệnh muộn chỉ vì BV tiết kiệm chi phí, không kiếm được bác sĩ đọc kết quả xét nghiệm”… Mở đầu câu chuyện trao đổi với PV Báo CAND trưa 10/9 sau sự việc phát hiện bệnh muộn của mình, chị N.T.T. (tên nhân vật đã thay đổi - PV), 40 tuổi, ngụ tại thị xã Phan Rang - Ninh Thuận đã nói như vậy.

Chúng tôi đã tìm gặp được chị T. ngay tại khuôn viên BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh trong cảnh tay xách nách mang nào quần áo, thuốc men, nhễ nhại mồ hôi vì phải chen lấn do BV Ung bướu quá đông bệnh nhân. Hôm nay cũng là ngày cuối chị N.T.T. hoàn tất 6 kỳ xạ trị điều trị bệnh ung thư CTC theo chỉ định của bác sĩ. Sáng 10/9, chị vừa được thực hiện siêu âm và làm một số xét nghiệm khác trước khi các bác sĩ khoa Ngoại 1- BV Ung bướu sẽ hội chẩn quyết định phẫu thuật điều trị. Do nhà ở tỉnh, chị T phải trọ nhà em họ tại khu vực Phan Văn Trị - Gò Vấp. Vợ chồng chị T. có 2 cháu nhỏ (đứa 13 tuổi, đứa mới lên 8). Do phải điều trị bệnh tại BV trung tâm thành phố buộc lòng phải gửi con cho người em gái trông nom.

“Từ bữa phát hiện ra bệnh, vợ chồng em chỉ lo đưa nhau về thành phố chạy chữa. Bất cứ phụ nữ nào cũng đều rất sốc khi nghe mình mắc bệnh này. Phát hiện bệnh muộn thế mà chỉ do không có bác sĩ đọc kết quả để BV tiết kiệm chi phí. Nghe mà đau lòng quá! Những CBCNV tụi em vẫn không thể hiểu được tại sao BV lại chỉ nghĩ tới việc tiết kiệm mà không nghĩ tới sức khỏe của bệnh nhân?”, chị T. bức xúc.

Bệnh viện Đa khoa Bưu điện tại TP HCM.

Theo lời chị T., thông thường mỗi năm chị em CNV thuộc hệ thống Bưu điện Ninh Thuận được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông cho khám sức khỏe định kỳ kiểm tra từ tháng 5 tới tháng 8. Qui trình thông thường, BV Bưu điện TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức 2 xe (một chở trang thiết bị, máy móc khám bệnh, một chở nhân sự) về Bưu điện tỉnh. CBNV sẽ được thăm khám tổng quát ngay tại hội trường của cơ sở Bưu điện Ninh Thuận như “BV dã chiến”. Tại đây họ được khám các bệnh thông thường như tai mũi họng, hô hấp, răng hàm mặt, và phụ nữ được khám bệnh phụ khoa.

Song từ 3 năm nay, Phòng Kế hoạch Bưu điện Ninh Thuận nơi chị T. làm việc có 38 chị em qua mỗi lần khám định kỳ, kể cả xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Papsmear-Pap) đều không phát hiện bất thường, trong đó có chị. Sự việc trở nên lo lắng khi tình cờ vào khoảng tháng 3/2013, chị T. tới phòng mạch khám bệnh phụ khoa tại địa phương để thực hiện tháo vòng tránh thai. Phát hiện chị T. có dấu hiệu cần phải kiểm tra thêm, bác sĩ hỏi chị có cần làm xét nghiệm Pap sẽ giúp gửi mẫu bệnh phẩm xuống BV Từ Dũ nơi chuyên khoa. Lúc đầu chị T. định từ chối làm vì kết quả khám, xét nghiệm Pap tại BV Bưu điện TP Hồ Chí Minh vào tháng 8/2012 vừa cho kết quả bình thường. Tuy nhiên chị cũng đồng ý. Thực hiện kỹ thuật Pap lại. “Sau 2 tuần kết quả được gửi về thông báo em bị ung thư CTC 1B giai đoạn 2. Em… sốc nặng”.

Được biết, ngay sau đó chị N.T.T. báo với cơ quan về tình trạng bệnh tật. Các chị em khác trong phòng cũng đi khám kiểm tra lại bệnh phụ khoa ở một số nơi khác nhau. Chị được Phòng Y tế cơ quan đưa qua BV địa phương khám và làm hồ sơ chuyển lên BV Ung bướu, gửi nhờ cả BV Từ Dũ phối hợp điều trị. Từ tháng 4/2013 tới nay, chị T. xin phép tạm nghỉ làm việc lên thành phố để chữa trị. “Năm học mới đã tới nhưng bệnh tật, em cũng phải ở lại thành phố, không về đưa các cháu tới khai trường được.  Nhà cửa con cái nhờ vào cô em gái ”.

Liên quan tới việc BV Bưu điện TP Hồ Chí Minh sử dụng kỹ thuật viên thay bác sĩ đọc kết quả giải phẫu bệnh, ngày 10/9, TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế (SYT) TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, nếu chỉ lấy lý do “tiết kiệm chi phí” mà BV không có bác sĩ đọc kết quả giải phẫu bệnh là khó có thể chấp nhận vì như vậy đã vi phạm rất lớn tới “qui chế khám chữa bệnh” do Bộ Y tế đưa ra. Theo BS Trạng, việc đọc các tiêu bản tế bào phải do bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh đọc, chứ không thể là KTV đọc, ảnh hưởng tới chất lượng chữa bệnh cũng như chỉ định của bác sĩ điều trị.

Được biết, trong báo cáo của BV Đa khoa Bưu điện với Phòng Thanh tra SYT TP Hồ Chí Minh ngày 9/9, BV này cho rằng: KTV xét nghiệm có nhiệm vụ “thực hiện các xét nghiệm được phân công, cụ thể ở đây là KTV Bùi Lương Hiền”, và cũng cho rằng KTV này đã được đào tạo chính quy kỹ thuật xét nghiệm Pap, từ năm 1991 với 20 năm kinh nghiệm, được cấp giấy chứng nhận của một BV có uy tín. Trước đây BV có thuê BS Nguyễn Thị Ánh Tuyết (BV ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh) đọc kết quả và thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư CTC (Pap) tuy nhiên do BS Tuyết không phải là BS chuyên ngành “giải phẫu bệnh” nên BV tạm ngưng hợp đồng; các xét nghiệm bất thường đều đưa qua bộ môn “giải phẫu bệnh” của trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh để xử lý”…

Tuy nhiên, một bác sĩ đầu ngành của TP Hồ Chí Minh cho biết, hành nghề là phải làm theo Luật Khám chữa bệnh, dù làm ở đâu cũng phải có chứng chỉ hành nghề, không có ai thay được bác sĩ chẩn bệnh. “KTV thậm chí có học lên tiến sĩ thì cũng là người phụ việc cho bác sĩ mà thôi vì luật chỉ yêu cầu những xét nghiệm này phải do bác sĩ đọc, ký tên và chịu trách nhiệm. Trong Quy chế BV hay Luật Khám chữa bệnh cũng đều nói rõ, công việc đọc kết quả giải phẫu bệnh do bác sĩ làm và cá nhân khác không làm được vì nó liên quan đến chẩn đoán. Thậm chí KTV được đọc nhưng bác sĩ vẫn là người ký tên”.

BS Minh Trạng cũng cho biết thêm, BV Bưu điện TP Hồ Chí Minh thuộc quản lý của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông nhưng do nằm trên địa bàn TP nên vấn đề chuyên môn, SYT TP Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm. Thanh tra SYT hiện cũng đã có báo cáo cụ thể các thông tin khác liên quan tới hoạt động khám chữa bệnh tại BV Bưu điện lên thanh tra Bộ Y tế, đồng thời sẽ tiến hành thanh tra BV này trong thời gian sớm nhất

Nhóm PV
.
.
.