Kết thúc vụ cá độ của 6 cầu thủ CLB bóng đá Đồng Nai:

Báo động sự xuống cấp của một bộ phận cầu thủ

Thứ Năm, 02/04/2015, 08:34
Ngày 1/4, Cục Cảnh sát hình sự- Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra vụ đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá trên mạng Internet do Phạm Hữu Phát, Đội trưởng Câu lạc bộ Bóng đá Đồng Nai (gọi tắt là CLB Đồng Nai), thuộc Công ty Cổ phần Bóng đá Đồng Nai và đồng bọn tham gia. Đây là một vụ án từng gây xôn xao dư luận, khiến nhiều người phẫn nộ bởi sự thiếu trung thực của các đối tượng trên sân cỏ nước nhà.
>> Phát hiện 6 cầu thủ Đồng Nai cá độ có hệ thống ở V.League

Sự dàn xếp của liên minh “ma quỷ”

Theo kết luận điều tra, trước trận lượt về vòng 21, CLB Đồng Nai có 22 điểm, xếp thứ 6/12, đã chắc xuất trụ hạng. Cầu thủ Phạm Hữu Phát, Đội trưởng CLB Đồng Nai đã nảy sinh ý định thực hiện việc dàn xếp tỷ số trận đấu để bán độ, kiếm tiền. Ngày 10/7/2014, Phát gạ bán thông tin biết trước tỷ số trận bóng đá giữa CLB Đồng Nai với Đội than Quảng Ninh sẽ diễn ra vào lúc 17h ngày 20/7/2014 với Trần Văn Ba (tức Hoàng)- kẻ môi giới cá độ bóng đá.

Sau đó, hai bên gặp nhau, thỏa thuận Phát sẽ dàn xếp tỷ số để bán thông tin kết quả trước khi trận đấu diễn ra với số tiền 400 triệu đồng, nếu bán được Phát hứa sẽ cho Ba 50 triệu đồng. Đồng ý với kế hoạch của Phát, Ba kể với bạn là Đỗ Hoàng Hà và liên hệ với Trần Đình Hải (tức Hải Tóc) và Đồng Văn Vĩnh để móc nối bán cho Nguyễn Phúc Thuận (tức Thuận trâu bò).

Thuận từng có 1 tiền án về tội đánh bạc, đồng ý mua thông tin tỷ số trận đấu với giá 200 triệu đồng. Khoảng 18h ngày 16-7, Thuận giao cho Hải, Vĩnh 200 triệu đồng đến quán cà phê đối diện nhà thờ Trưng Vương, TP Biên Hòa giao cho Ba. Nhưng vốn dân tổ chức cá độ chuyên nghiệp, theo hướng dẫn của Thuận, Vĩnh yêu cầu Ba và Hà viết giấy vay nợ 800 triệu đồng (là số tiền đảm bảo không bị Ba lật kèo, gồm tiền gốc và phạt nợ gấp 3 lần).

Ngoài việc bán thông tin cá độ cho Nguyễn Phúc Thuận, trong thời gian này, Ba còn bán độ cho một đối tượng tên Duy, trú tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh với số tiền 200 triệu đồng. Từ ngày 14/7 đến 16/7, Duy đã 3 lần giao cho Ba tổng số tiền 150 triệu đồng.

Trước khi trận đấu bóng đá giữa CLB Đồng Nai và Đội than Quảng Ninh diễn ra, 19h ngày 16/7, tại nhà của Ba, anh ta đã giao cho Phạm Hữu Phát 325 triệu đồng. Phát nhờ mẹ đẻ cất hộ 275 triệu đồng, còn 50 triệu đồng chi tiêu cá nhân.

Sau khi Đội bóng CLB Đồng Nai đến khách sạn Thảo Ly, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) để thi đấu, Phát dự kiến cá độ bằng cách đánh “Tài – Xỉu” trận này. Tuy nhiên, một mình Phát không thể thực hiện việc dàn xếp tỷ số nên anh ta đến phòng 208 của khách sạn Thảo Ly gặp các cầu thủ Nguyễn Thành Long Giang, Đinh Kiên Trung, Nguyễn Đức Thiện bàn bạc dàn xếp tỷ số trận đá bóng diễn ra ngày 20/7, mục đích để đặt cược cá độ bóng đá trên mạng Internet. Họ rủ thêm Hà Niệm Tiến, cầu thủ hậu vệ biên trái đá chính trận này. Cả nhóm thống nhất dàn xếp tỷ số và đặt cược cá độ 200 triệu đồng đánh “Tài hiệp một” (tức là tổng số bàn thắng cách biệt từ 2 bàn trở lên). Nếu thắng hoặc thua thì số tiền được – mất chia đều cho những người tham gia. Sau đó, Phát gọi điện thoại cho Ba đồng ý việc “Đánh trận hiệp một” (tức Đồng Nai thua ở hiệp một với tỷ số cách biệt trên một bàn).

Vào thời điểm này, Trung giới thiệu người bạn tên Nguyễn Văn Tương có thể nhờ cá độ được cho cả nhóm. Từ 2h30 đến 11h30 ngày 20-7, Tương đã 4 lần thông báo cho Trung biết việc đã đặt cược cá độ với tổng số tiền 210 triệu đồng, tỷ lệ 1 ăn 0,7 (đặt cược 1 triệu đồng nếu thắng sẽ được 700 nghìn đồng và thua sẽ mất số tiền đặt cược). Khi đội bóng chuẩn bị đá, Nguyễn Thành Long Giang rủ thêm cầu thủ Phan Lưu Thế Sơn tham gia việc dàn xếp tỷ số.

Một số bị can trong vụ án.

Bán danh ba đồng

Qua công tác nghiệp vụ, Cục Cảnh sát hình sự đã phát hiện ra liên minh ma quỷ giữa nhóm cầu thủ CLB Đồng Nai với những đối tượng chuyên tổ chức cá độ bóng đá. Theo chỉ đạo của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, lực lượng của Cảnh sát hình sự chia làm 2 mũi, một mũi có mặt ngay tại Đồng Nai để giám sát các đối tượng tham gia tổ chức cá độ ở bên ngoài, một mũi khác bí mật có mặt tại sân vận động Cẩm Phả.

Đúng 17h ngày 20/7, trận đấu bóng đá giữa Đội than Quảng Ninh và CLB Đồng Nai đã diễn ra trên sân vận động Cẩm Phả. Qúa trình thi đấu, nhóm cầu thủ cá độ do Đội trưởng Phạm Hữu Phát cầm đầu đã chơi không đúng với khả năng, sức lực. Kết quả, hiệp một trận đấu, Than Quảng Ninh thắng CLB Đồng Nai với tỷ số 3-1, đúng như thỏa thuận của các đối tượng trong nhóm cầu thủ và nhóm đối tượng ngoài xã hội mua thông tin kết quả trận đấu để thực hiện cá độ. Ngay sau khi hiệp một kết thúc, mũi Cảnh sát hình sự tại Đồng Nai đã tiến hành bắt giữ 4 đối tượng: Ba, Thuận, Hải, Hà. Vào thời điểm này, Thuận chưa kịp thắng độ vì nhà cái bên Campuchia bị mất mạng, không cho đặt nữa. Và ngay sau khi kết thúc trận đấu Than Quảng Ninh thắng CLB Đồng Nai với tỷ số 5-2, khi Phát và đồng bọn chưa kịp ăn mừng, vừa về đến khách sạn Thảo Ly thì bị cơ quan Cảnh sát điều tra triệu tập, bắt giữ.

Ngoài hành vi cá độ bóng đá nêu trên, cơ quan điều tra còn làm rõ, các bị can Phạm Hữu Phát, Nguyễn Long Thành Giang, Đinh Kiên Trung, Nguyễn Đức Thiện đã thực hiện việc cá độ trận CLB Thanh Hóa đá với Đội CLB Đồng Nai vào ngày 3-5-2014 trên sân vận động Thanh Hóa. Để việc cá độ thuận lợi, Phát cùng Giang, Trung, Thiện cũng thỏa thuận dàn xếp tỉ số bằng cách đá giữ chân cho Thanh Hóa thắng CLB Đồng Nai 3-0. Trong trận này, 3 cầu thủ kia được 10 triệu đồng, còn Phát được 30 triệu đồng.

Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án, đề nghị truy tố 11 bị can về các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc”. Riêng Đội trường Phạm Hữu Phát bị khởi tố với cả 2 tội danh trên. Điều đáng nói trong vụ án, đó chính là việc 6 cầu thủ của CLB Đồng Nai bị đề nghị truy tố. Phạm Hữu Phát là một cầu thủ được coi là tài năng, đã từng là “nhạc trưởng” dẫn dắt U21 Đồng Nai đến chức vô địch ở Pleiku cách đây 4 năm, có đủ không gian để chứng tỏ tài năng ở sân chơi V-League (từ K.Khánh Hoà, đến Hải Phòng và trước khi bị bắt là Đồng Nai), thì Long Giang cũng có ít nhất 1 chức vô địch giải đấu này, 2 lần được bầu chọn là “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam”, còn Thế Sơn từng là trung vệ số 1 của U19 Việt Nam… 

Thế nhưng, các cầu thủ này lại rơi vào vòng xoáy của tiền bạc, của trò cá độ bóng đá để “bán danh ba đồng”. Một điều tra viên vụ án cho biết, hoàn cảnh kinh tế của các cầu thủ này không khó khăn, mức lương, thưởng của họ tại CLB Đồng Nai khá cao so với mức sống hiện tại của đa số người dân. Thế nhưng, đối với một số cầu thủ, họ ham chơi, nhu cầu tiền bạc vì thế cũng cao hơn. Như trong vụ này, khi nhận được 325 triệu đồng từ nhóm mua tỉ số, Phát đã chi tiêu cá nhân hết ngay 50 triệu đồng. 

Và trong giới cầu thủ bóng đá, không ít người ham mê cá độ, có thể lúc đầu họ chỉ chơi 1-2 triệu đồng/ trận, nhưng việc chơi cá độ dần dần “ăn vào máu”, họ tìm cách dàn xếp tỉ số để vừa được tiền bán tỉ số, vừa cá độ “chắc thắng 100%”. Thế là trượt ngã. Họ vì lợi ích vật chất mà bán rẻ bản thân và làm xấu đến hình ảnh bóng đá nước nhà. Vụ án thêm một lần nữa báo động về sự xuống cấp đạo đức của các cầu thủ. Cũng thêm bài học cho những người làm công tác quản lý bóng đá, ngoài việc chú trọng đến chuyên môn, cần phải đặt vấn đề giáo dục nhân cách, đạo đức cho cầu thủ ngay từ khi còn trẻ.

T. Hòa- M. Hiền
.
.
.