Liên quan đến vụ đình chỉ điều tra 7 thanh niên ở Sóc Trăng:

Bài học sâu sắc cho cơ quan điều tra

Thứ Tư, 28/05/2014, 09:59
Liên quan đến vụ 7 thanh niên bị giam oan sai 7 tháng về hành vi “Giết người” và “Che giấu tội phạm” ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, chiều 27/5, Đại tá Phan Hữu Thúy, Chánh Văn phòng, kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Vừa qua, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã trao Quyết định đình chỉ điều tra và kết luận các đối tượng Trần Hol, Trần Cua, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Khâu Sóc, Trần Văn Đở không phạm tội “Giết người” và Nguyễn Thị Bé Diễm không phạm tội “Che giấu tội phạm”.

Trước đó, lúc 8h25 ngày 6/7/2013, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng nhận được thông tin từ Công an huyện Trần Đề về vụ giết người chưa rõ nguyên nhân phát hiện lúc 4h25, ngày 6/7/2013 trên đường lộ đan thuộc ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Nạn nhân là ông Lý Văn Dũng (SN 1970, ngụ tại ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề,  huyện Trần Đề). Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an Sóc Trăng phối hợp với Công an huyện Trần Đề tiến hành điều tra nhiều nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có nhóm của Trần Hol.

Ngày 10/7/2013 tiến hành mời các đối tượng Trần Hol, Trần Cua, Thạch Sô Phách về Công an huyện Trần Đề làm việc, ban đầu các đối tượng này không thừa nhận. Ngày 11/7/2013, có nguồn tin từ một người dân ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, cung cấp cho cơ quan điều tra với nội dung: Khoảng 0h ngày 5/7/2013, người này phát hiện 2 đối tượng cầm dao Thái Lan bỏ vào cốp xe rồi chở nhau đi. Từ tin báo này, cơ quan CSĐT Công an Sóc Trăng tập trung vào nhóm của Trần Hol để làm rõ. Đến ngày 12/7/2013, các đối tượng trên đã khai nhận có tham gia đánh bị hại Lý Văn Dũng và khai ra các đối tượng có liên quan gồm Thạch Mươl, Khâu Sóc, Trần Văn Đở, Nguyễn Thị Bé Diễm. Bốn đối tượng này lúc đầu không nhận có tham gia đánh anh Dũng nhưng sau đó cũng đã thừa nhận.

Trên cơ sở thừa nhận có các hành vi đánh anh Dũng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định tạm giữ 7 đối tượng 9 ngày, từ ngày 14/7/2013 đến 22/7/2013. Ngày 21/7/2013, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tam giam đối với tất cả các bị can trên về hành vi “Giết người”, riêng Diễm bị khởi tố về hành vi “Không tố giác tội phạm”.

Hai anh Thạch Sô Phách và Trần Hol là 2 trong 7 thanh niên được cơ quan CSĐT đình chỉ điều tra và kết luận không phạm tội giết người.

Trong thời gian điều tra các bị can trên thì đến ngày 18/11/2013, Lê Mỹ Duyên (SN 2000, ngụ phường Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá, Kiên Giang) đã đến Công an xã huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đầu thú về hành vi giết chết nạn nhân Lý Văn Dũng. Lúc đầu, Duyên khai nhận chỉ thực hiện một mình không có người khác tham gia. Sau đó, Duyên khai ra đồng bọn là Phan Thị Kim Xuyến (SN 1998, ngụ ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cùng tham gia giết nạn nhân Dũng với mục đích cướp tài sản. Ngày 21/11/2013, Xuyến đến cơ quan Công an đầu thú hành vi phạm tội của mình. Cơ quan CSĐT Sóc Trăng tạm giữ Xuyến và sau đó khởi tố bị can này vào ngày 29/11/2013. Riêng Duyên do chưa đủ 14 tuổi nên cơ quan điều tra đã tiến hành các thủ tục đưa vào Trường Giáo dưỡng…

Sau khi Xuyến và Duyên tự thú, cơ quan CSĐT đã tiến hành xác minh và kiến nghị Viện KSND tỉnh Sóc Trăng hủy bỏ biện pháp tạm giam, ra quyết định cho bảo lãnh đối với Thạch Mươl, Trần Cua, Khâu Sóc, Trần Hol, Trần Văn Đở, Thạch Sô Phách. Ngày 21/5/2014, sau khi thống nhất với Viện KSND tỉnh, cơ quan CSĐT Công an Sóc Trăng đã ra quyết định đình chỉ điều tra với 7 người nói trên.

Đại tá Phan Hữu Thúy cho biết: Vừa qua, một số tờ báo có đăng trình bày của một số đối tượng cho rằng họ bị Công an đánh nên mới khai nhận đánh nạn nhân. Để làm rõ thông tin này, Đảng ủy Công an tỉnh đã họp và ra Nghị quyết giao Giám đốc Công an tỉnh thành lập đoàn thanh tra để làm rõ có hay không việc mớm cung, bức cung, dùng nhục hình, đánh đập với 7 người nói trên, làm rõ động cơ, mục đích. Qua thanh tra chưa phát hiện động cơ cá nhân, không có tiêu cực và không có cơ sở cho rằng có hành vi bạo lực, đánh đập đối với nhóm 7 người nói trên. Tuy nhiên, qua thanh tra, cơ quan chức năng của ngành phát hiện một số sai sót, như: Công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi còn nhiều thiếu sót; chưa sử dụng hết các biện pháp công tác của lực lượng Công an, còn quá tin vào lời khai của nhân chứng và các đối tượng; không đối chiếu, so sánh củng cố với các chứng cứ khác; thời gian đầu việc đánh giá chứng cứ còn lưỡng lự, chưa quyết đoán. Công tác chỉ đạo án chưa sâu sát. Cụ thể, còn tin theo cấp dưới báo cáo, không thực hiện hết các biện pháp điều tra theo qui trình phải làm. Nôn nóng, muốn điều tra làm rõ vụ án…

Từ đó dẫn tới việc bắt, khởi tố, tạm giam các đối tượng trên là vội vàng, dẫn đến oan sai. Cũng theo Đại tá Phan Hữu Thúy, qua vụ việc trên, Thanh tra Công an tỉnh kiến nghị tổ chức kiểm điểm tất cả các CBCS liên quan tham gia điều tra vụ án. Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã và đang chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiện các chi bộ, đơn vị đang tổ chức kiểm điểm, xác định vai trò, trách nhiệm, hành vi sai phạm của từng đồng chí với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, không bao che, giấu giếm, xử lý một cách nghiêm minh, đúng pháp luật.

Từ vụ việc trên, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an tỉnh, nhất là khối điều tra, cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, coi đây là bài học sâu sắc, để không vấp phải về sau…

Văn Đức - C.X.
.
.
.