Về đường dây thi thuê vào trường Đại học do cơ quan An ninh điều tra khám phá:

Bài học đối với phụ huynh và học sinh trước mùa tuyển sinh 2014

Thứ Năm, 03/04/2014, 09:46
Khi vụ việc bị phát giác, các thí sinh trúng tuyển nhờ thi thuê và gia đình sẽ “mất cả chì lẫn chài”, thậm chí còn có khả năng bị xử lý pháp luật về hành vi đồng phạm “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đó là bài học đau xót cho những gia đình cũng như con em họ khi không chịu rèn luyện nhưng lại muốn dùng tiền mua tri thức giả…

Báo CAND đưa thông tin về việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã triệt phá một đường dây tổ chức thi thuê vào các trường đại học, trong đó có cả trường trong Công an. Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng trong đường dây đã móc nối, tổ chức cho 19 trường hợp thi đỗ và đã vào học tại một số trường. Mỗi suất thi hộ có giá hàng trăm triệu đồng, cá biệt có trường hợp đã phải nộp cho các đối tượng tổ chức thi hộ số tiền 550 triệu đồng nếu trúng tuyển.

Khi vụ việc bị phát giác, các thí sinh này và gia đình sẽ “mất cả chì lẫn chài”, thậm chí còn có khả năng bị xử lý pháp luật về hành vi đồng phạm “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đó là bài học đau xót cho những gia đình cũng như con em họ khi không chịu rèn luyện nhưng lại muốn dùng tiền mua tri thức giả…

Dùng tiền mua tri thức - trước sau cũng lộ rõ sự thật

Có thể khẳng định luôn rằng, tất cả các thí sinh mà gia đình có nhu cầu dùng tiền để lo cho họ vào các trường đại học đều là những người học không chắc chắn. Thậm chí, trong vụ án này, còn có những thí sinh học kém. Thế nhưng, vì sĩ diện của gia đình, vì nghĩ rằng dùng tiền có thể lo cho tương lai của con, các gia đình của các thí sinh đó đã “bập” vào đường dây tổ chức thi hộ do Nguyễn Văn Phượng cầm đầu.

Qua điều tra cho thấy, cách thức tổ chức thi hộ của Phượng và đồng bọn rất tinh vi. Ngay từ đầu, các đối tượng đã photoshop ảnh của các thí sinh theo kiểu vừa giống thí sinh, vừa giống người thi hộ, gửi về cho các gia đình dán vào hồ sơ đăng ký dự thi theo mẫu chung. Khi các thí sinh đem hồ sơ kèm ảnh hao hao giống mình ấy đến các nơi đăng ký nhưng vẫn không bị phát hiện nên họ thấy khá yên tâm. Thêm vào đó, chúng lại thỏa thuận cách nhận tiền của các gia đình như sau: chỉ cần đặt cọc trước 10 đến 30 triệu đồng/ trường hợp, đến khi thí sinh trúng tuyển và được vào học chính thức thì mới thu hết toàn bộ kinh phí.

Một số bị can trong vụ án.

Thông thường, Nguyễn Văn Phượng thu từ 200 đến 250 triệu đồng mỗi trường hợp, nhưng đa số các trường hợp đều phải qua các trung gian và bị nâng giá lên cao, cá biệt một số trường hợp đã phải nộp cho các gia đình đến 550 triệu đồng. Đối với các gia đình có các thí sinh thi hộ, lúc đầu nộp một vài chục triệu thì tâm lý như kiểu “đánh cược”, mất thì thôi. Khi có kết quả báo trúng tuyển của con họ, “bỗng dưng” những đứa con học không tốt ấy lại được vào học tại các trường danh giá, dù số tiền phải nộp không hề nhỏ, nhưng họ cũng cố gắng thu xếp.

Thế nhưng, những gia đình và các thí sinh nhờ thi hộ này không nghĩ được kết cục của chuyện “cáo lòi đuôi”. Thế mới có câu chuyện khôi hài, thí sinh Lê T., trú tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) được các đối tượng thi hộ cho quá xuất sắc nên đỗ thủ khoa của một trường đại học. Khi được mời lên vinh danh, tân sinh viên này ngại ngùng, không dám lên nên gây nghi ngờ cho mọi người. Hơn nữa, thủ khoa gì mà học quá kém, hết năm thứ nhất đã tụt xuống tốp 4 người cuối… Cùng với sự nghi ngờ này, khi kiểm tra hồ sơ sinh viên, nhà trường đã phát hiện cậu ta nhờ đường dây của Nguyễn Văn Phượng thi hộ. Chính sức học của họ đã nói lên sự thật…

Khi đường dây thi thuê này bị cơ quan An ninh điều tra phanh phui, có gia đình được các đối tượng tổ chức thi thuê trả lại tiền với hy vọng họ sẽ không tố giác, nhưng có trường hợp đã mất trắng số tiền đã nộp. Hơn nữa, sau khi cơ quan An ninh điều tra có văn bản thông báo kết quả điều tra, các trường đại học có đối tượng được thi hộ đã ra quyết định buộc thôi học đối với số sinh viên này. Do các đối tượng này đã thành khẩn khai báo về hành vi vi phạm pháp luật của bản thân và các đối tượng liên quan nên cơ quan Công an thấy không cần thiết phải xử lý về hình sự.

Còn với thân nhân của các đối tượng này, những người trực tiếp móc nối với đường dây tổ chức thi thuê, trước hết, phải khẳng định rằng, họ đã vi phạm pháp luật với vai trò đồng phạm. Thế nhưng, căn cứ tính chất, mức độ phạm tội cùng thái độ khai báo thành khẩn, cơ quan An ninh điều tra đã đề nghị và Viện KSND Tối cao đã ra quyết định trả tự do cho 3 đối tượng là thân nhân của ba đối tượng thi hộ, dù họ có hành vi đồng phạm. Nhưng đây chính là bài học đắt giá không chỉ của 3 ông bố của ba đối tượng thi hộ này, mà của tất cả những ông bố, bà mẹ cố tình dùng tiền để cho con gian lận trong việc thi cử vào các trường cao đẳng, đại học…

Trong các trường hợp nhờ thi hộ, có gia đình đã từng bị đối tượng biết được “bí mật” cách trúng tuyển của con họ, gọi điện dọa tố cáo để tống tiền gia đình, buộc gia đình phải thỏa hiệp với các yêu cầu của chúng.

Thủ đoạn lôi kéo, mua chuộc các sinh viên giỏi làm “gà” thi hộ

Trong vụ án này, Nguyễn Văn Phượng và đồng bọn đã lôi kéo, dụ dỗ được 13 đối tượng làm “gà” thi hộ. Đáng tiếc này tất cả các đối tượng này đều là các sinh viên, từng là sinh viên rất giỏi của các trường đại học có tiếng trên địa bàn TP Hà Nội. Nhưng vì tuổi đời còn trẻ, lại thiếu kinh nghiệm sống nên các sinh viên và cựu sinh viên này đã mắc vào các bẫy mua chuộc, lôi kéo rất tinh vi của các đối tượng tổ chức đường dây. Chẳng hạn như đối tượng Phạm H., gia đình ở vùng biển rất khó khăn, cả 2 anh em đều học rất giỏi và thi đỗ vào đại học. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên người anh phải tìm cách làm thêm để nuôi em ăn học.

Trong lúc ấy, các đối tượng trong đường dây của Phượng biết H. học giỏi nên lân la làm quen. Mỗi tháng, chúng rất hào phóng, chu cấp cho H. khoảng 3 triệu đồng để chi phí cho 2 anh em. Lý do chúng đưa tiền được nói rất đơn giản: “Khi nào anh cần làm bài vở thì em giúp”. Đến gần kỳ thi cao đẳng, đại học, các đối tượng mới đề cập đến chuyện đi thi hộ. Đã trót nhận tiền chu cấp của chúng một thời gian dài, vả lại nghe các đối tượng đưa ra kế hoạch thi hộ đảm bảo an toàn, không bị lộ, H. đành tặc lưỡi nghe theo.

Cũng như H, sinh viên Nguyễn C. bị rơi vào “bẫy tiền” của bọn Phượng như thế. C rất nghiện games, tự nhiên được các anh lớn đến làm quen, mỗi tháng chu cấp cho 3 triệu đồng để thuê nhà và chơi games với yêu cầu: “Khi nào anh cần thì chú giúp anh”. Cuối cùng, sau vài tháng, việc các anh cần chính là đi thi hộ nên C không thể từ chối vì đã trót nhận và tiêu mất khá nhiều tiền của họ. Trước kỳ thi, các đối tượng tổ chức gom tất cả các “gà” thi hộ vào một nơi, ở tập trung và luyện lại kiến thức. Chúng thỏa thuận, mỗi trường hợp thi hộ thành công, các “gà” sẽ được trả từ 60 đến 100 triệu đồng. Nhưng sau đó, chúng trừ đầu, trừ đuôi (tiền chu cấp trước, tiền ăn ở, thậm chí cả tiền… mua giáo trình ôn lại), số tiền các “gà” được nhận chỉ còn khoảng 20 triệu đồng.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, đối với các đối tượng thi hộ đã xác định rõ nhân thân, lai lịch và đã triệu tập lấy lời khai, do thành khẩn khai báo và tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra trong quá trình xác minh các đối tượng trong đường dây thi hộ nên không xem xét xử lý về hình sự. Cơ quan điều tra sẽ có văn bản thông báo tới chính quyền địa phương và gia đình có biện pháp quản lý giáo dục và đề nghị đưa vào danh sách nhân chứng bắt buộc tại Tòa án.

Trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan An ninh điều tra đã thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của các đối tượng đến các cơ sở đào tạo nói chung, trong ngành Công an nói riêng để rút kinh nghiệm cho công tác tuyển sinh. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là khi mùa tuyển sinh năm 2014 đang đến gần.

Theo lãnh đạo Cục Đào tạo của Tổng cục XDLL- CAND, trong công tác tuyển sinh vào cơ sở đào tạo của Công an nhân dân năm nay, đã có nhiều điểm điều chỉnh mới để phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời phòng, chống việc gian lận thi cử. Một trong những điểm mới ấy, đó là ảnh của các thí sinh dán trong hồ sơ dự thi phải do cán bộ Công an của đơn vị tuyển sinh trực tiếp tiến hành chụp, dán và đóng dấu giáp lai vào hồ sơ tuyển.

T. Hòa - Minh Khoa
.
.
.