Thuê côn đồ đòi nợ theo kiểu 'xã hội đen':

Bài học cho những ai coi thường pháp luật

Thứ Tư, 29/04/2015, 12:38
Cuối tháng 4, TAND TP Hà Nội đã xét xử nhiều vụ thuê côn đồ đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Các vụ án đều xuất phát từ việc sau khi chủ nợ cho vay tiền song vì các lý do khác nhau nên họ chưa đòi nợ được, bức xúc vì việc này mà các chủ nợ đã thuê côn đồ dằn mặt con nợ để đòi tiền.

Hậu quả từ cách hành xử trái pháp luật đã khiến các chủ nợ phải vào tù. Đây là cái giá quá đắt mà các chủ nợ phải trả cho sự coi thường pháp luật.

1. Bà Phạm Thúy Ngân, 63 tuổi, sống tại Liên bang Nga. Trong thời gian ở Nga, bà Ngân thường xuyên đưa tiền cho anh Trần Quang Khánh, 49 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (cũng sống tại Nga) để anh Khánh cho nhiều người kinh doanh tại chợ Vòm (Nga) vay ngắn hạn.

Trong thời gian hợp tác làm ăn, anh Khánh dần trả cho bà Ngân cả tiền gốc lẫn tiền lãi nhưng vẫn còn nợ lại 180.000 USD. Bà Ngân nhiều lần đòi nhưng anh Khánh không trả. Sau khi anh Khánh về ở hẳn tại Việt Nam, bà Ngân cho rằng, anh Khánh cố ý trốn nợ nên trong lần về nước, bà Ngân tìm gặp Ngô Văn Long, 53 tuổi, ở phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhờ đứng ra đòi nợ tiền hộ. 

Theo thỏa thuận giữa bà Ngân và Long, số tiền đòi được sẽ chia đôi. Thực hiện hợp đồng đòi nợ cho bà Ngân, Long gọi Đào Xuân Nam, 33 tuổi, ở huyện An Lão, Hải Phòng cùng một số đối tượng xã hội đã dùng dao đánh chém anh Khánh gây thương tích nặng 47% sức khỏe.

Sau khi vụ án xảy ra, Cảnh sát Liên bang Nga bắt được bà Ngân và đã trao trả cho cơ quan chức năng Việt Nam để xử lý. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bà Ngân 36 tháng tù, cho hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích. Trước khi bà Ngân bị bắt, Long và đồng bọn đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt từ 12 tháng tù đến 9 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Bà Ngân và ông Khánh.

2. Phan Tùng Khánh, 37 tuổi, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Khánh là đối tượng trong băng nhóm của Nguyễn Quang Đông, quản lý quán karaoke X6, phố Trần Thái Tông, Hà Nội chỉ đạo vụ hai nhóm xã hội bắn, chém nhau trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) xảy ra cách đây 5 năm. Sau khi gây án, Khánh đã bỏ trốn khỏi địa phương nơi cư trú cho dến cuối năm 2014, Khánh ra đầu thú. 

Theo cáo trạng, Nguyễn Bích Thủy, 35 tuổi, ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội mang cầm cố chiếc xe ôtô Honda Civic BKS 30L-9049 cho vợ chồng Bạch Thành Phong, 39 tuổi, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội để vay số tiền 350 triệu đồng. Đến hẹn, Phong đòi tiền nhiều lần nhưng Thủy không trả.

Sau đó, Phong cùng hai đối tượng không rõ lai lịch đến quán karaoke X6 phố Trần Thái Tông tìm Thủy. Tại đây, Phong cùng hai đối tượng đã chửi nhau và xô xát với anh họ Thủy là Nguyễn Quang Đông, quản lý quán karaoke X6. Sau khi gọi điện thông báo cho Thủy, Đông tiếp tục gọi điện kể lại sự việc cho Khánh và bảo Khánh tìm người đánh trả thù Phong. Khánh lập tức điện thoại cho nhiều đối tượng bảo đi đánh nhóm Phong.

Nhóm bạn Khánh đã mang theo dao, đao, kiếm, súng và đi ôtô tập trung tại quán karaoke X6 phố Trần Thái Tông để chờ lệnh Khánh. Khánh lấy số hung khí trên chia cho đồng bọn và cùng nhóm đối tượng đi bốn xe ôtô đến Đại lộ Thăng Long. Trong lúc “mai phục” ở đây, Đông phát hiện xe ôtô của Phong đi ngược chiều nên đã báo Khánh và đồng bọn đuổi theo.

Đến địa phận huyện Quốc Oai (Hà Nội), nhóm Đông đuổi kịp nên đã cho xe ôtô đâm thẳng vào ôtô của Phong. Sau đó, Đông cùng đồng bọn tiếp tục dùng súng, đao, kiếm, gạch đá tấn công xe ôtô của Phong. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Khánh 11 năm tù về tội giết người. Trước đó, đồng bọn của Phong tùy theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt 9 tháng đến 20 năm tù.

Hai vụ án thuê côn đồ đòi nợ kiểu “xã hội đen” nêu trên chỉ là điển hình trong số nhiều vụ án kiểu này xảy ra thời gian gần đây. Theo đánh giá của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội, các loại tội phạm liên quan đến đòi nợ và đòi nợ thuê xảy ra gần đây có tính chất manh động, côn đồ gây nhức nhối trong xã hội. Hành vi này là nguyên nhân làm gia tăng các vụ án nghiêm trọng như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật để đòi nợ thuê.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong trường hợp bên cho vay và bên vay không giải quyết được quan hệ vay mượn, hãy gửi đơn đến Tòa án để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, tránh để xảy ra tình trạng đòi nợ theo kiểu ép nợ, xiết nợ. Điều đó sẽ khiến chủ nợ và những người “giúp việc” đắc lực cho chủ nợ vi phạm pháp luật và phải trả giá đắt.

Nguyễn Phương
.
.
.