“Kỳ án” thi hành án dân sự:

Bài cuối: Sửa luật để thi hành án có hiệu quả

Thứ Hai, 21/10/2013, 11:36
Ngày 9/10, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THA dân sự. Quy chế phối hợp này sẽ góp phần quan trọng đảm bảo việc THA DS đúng trình tự, thủ tục và thời hạn luật định. Nhưng trong thực tiễn, THA DS còn không ít nhiều vướng mắc do quy định của Luật THA DS chưa hợp lý, nên đã có nhiều ý kiến đề xuất điều chỉnh một số quy định để nâng cao hiệu quả THA cũng như thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật trong công tác THA.
>> “Kỳ án” thi hành án dân sự

Còn nhiều vướng mắc

Trở lại vụ việc của doanh nghiệp Bình Minh ở huyện An Lão, Hải Phòng bị trả lại đơn yêu cầu THA. Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh bức xúc nói, do không tìm hiểu kỹ đối tác nên ông mới bị mất tiền oan. Tòa đã phân xử Công ty Ánh Bình Minh phải trả lại tiền cho ông Út. Mặc dù tài sản của Công ty Ánh Bình Minh vẫn có, bản thân ông Nguyễn Thế Nguyên, đại diện doanh nghiệp này cũng có tài sản, nhưng trên giấy tờ lại là tài sản riêng nên cơ quan THA không có căn cứ để THA.

Trả lại đơn yêu cầu THA, có nghĩa là cơ quan THA đã bất lực trước sự trốn tránh nghĩa vụ THA của Công ty Ánh Bình Minh. Thế nhưng, điều bất hợp lý hơn nữa là quy định trong Điều 51, Luật THA DS: “Khi người phải THA có điều kiện thi hành thì người được THA có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này, kể từ ngày phát hiện người phải THA có điều kiện thi hành”.

Để được tiếp tục THA, người được THA phải chứng minh người bị THA có tài sản THA. Đối với người được THA, đây là điều kiện vô cùng khó khăn, bởi ngay đến các cơ quan chức năng có điều kiện, có quyền xác minh tài sản THA còn gặp khó khăn. Thế nên, đối với các cá nhân được THA, việc chứng minh điều kiện THA của người bị THA khó khăn chẳng khác gì… “lên trời”.

Có ý kiến cho rằng, Điều 44 Luật THA DS quy định, việc xác minh điều kiện THA phải lập thành biên bản, có xác nhận của Tổ trưởng tổ dân phố, UBND cấp xã, Công an xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh cũng chưa hợp lý. Quy định này tạo ra cách hiểu là nếu thiếu một trong ba chữ ký xác nhận của người có trách nhiệm nêu trên thì biên bản xác minh điều kiện THA không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, Tổ trưởng Tổ dân phố tuy nắm rõ điều kiện của người phải THA, nhưng thường đi làm vắng, nên khó liên hệ, mặt khác họ sợ trách nhiệm và ngại va chạm. Trong khi đó, Nhà nước cũng không có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và không có cơ chế quy trách nhiệm đối với họ, nên họ thường không nhiệt tình hợp tác. Điều này khiến cơ quan THA gặp không ít khó khăn khi xác minh điều kiện THA của người phải THA.

Phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế, giải quyết án tồn đọng

Để tăng cường sự phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao trong công tác THA DS và những việc liên quan đến công tác THA DS, ngày 9/10 vừa qua, bốn Bộ, ngành đã ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THA dân sự. Quy chế này quy định nguyên tắc, phương thức, nội dung phối hợp liên ngành, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác THA. Đặc biệt, trong quy chế có Điều 7, quy định “Phối hợp trong giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định; trả lời kiến nghị; thụ lý và giải quyết yêu cầu của cơ quan THA DS”. Hay như điều 15, “Phối hợp trong thống kê, đánh giá, chỉ đạo giải quyết việc thi hành các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành”…

Ông Nguyễn Thanh Thủy, ông Chu Quang Tiến, ông Lê Tuấn Sơn.

Bên cạnh đó, vấn đề kê biên, xử lý tài sản của người phải THA gắn liền với tài sản của người khác cũng đang gặp vướng mắc. Ví như đối với việc xử lý nhà ở của người phải THA được xây dựng trên đất của người khác, nhiều trường hợp, người phải THA chỉ có tài sản duy nhất là ngôi nhà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhưng nằm trên đất mượn, cơ quan THA DS đã tiến hành kê biên ngôi nhà để đảm bảo THA, nhưng hầu như không thể xử lý tiếp được.

Phối hợp giải quyết vướng mắc là điều vô cùng quan trọng trong công tác THADS, góp phần tích cực trong giải quyết tình trạng tồn đọng trong THA. Tuy nhiên, đối với một số vướng mắc, cần phải có điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Chúng tôi ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này:

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục THA DS: Những vướng mắc trong công tác THA hiện nay có khá nhiều. Trong đó,  quy định chưa hợp lý về điều kiện để miễn giảm thu nộp ngân sách đã tạo ra một phần án tồn đọng. Bên cạnh đó là quy định định giá, bán đấu giá tài sản chưa phù hợp thực tế dẫn đến quá trình xử lý tài sản kéo dài. Theo pháp lệnh THA cũ, sau hai lần giảm giá tài sản mà không có người mua thì sẽ giao lại tài sản cho người được THA nếu người được THA nhận. Nhưng quy định trong Luật THA DS là sẽ giảm giá liên tục cho tới mức giá tài sản bằng chi phí cưỡng chế thì mới dừng. Đây là bất hợp lý trong Luật THA DS. Đặc biệt, đối với tội không THA trong Bộ luật Hình sự hiện chưa rõ ràng. Khi người bị THA không chấp hành xử lý về hành chính thì phải bị xử lý về hành vi.

Trước mắt, đối với trường hợp khó khăn trong công tác THA ở cấp cơ sở thì cơ quan THA phải báo cáo Ban chỉ đạo THA DS ở địa phương để có hướng giải quyết, tránh gây tồn đọng, khiếu nại kéo dài.

Ông Lê Tuấn Sơn, Phó Cục trưởng Cục THA DS Hải Phòng: Đối với vụ việc THA liên quan đến Công ty Bình Minh và Ánh Bình Minh ở huyện An Lão, Hải Phòng, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm đề xuất khởi tố hành vi không THA sau khi đã xử lý vi phạm hành chính. Nhưng quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng chưa đủ căn cứ khởi tố thì chúng tôi cũng không thể làm khác được. Vụ việc này rút ra bài học cho các công dân và doanh nghiệp, trước khi tiến hành một giao dịch dân sự thì phải tính toán kỹ khả năng của đối tác.

Ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục THA DS Hà Nội: Toàn TP Hà Nội hiện có tổng số 6.539/33.313 việc tồn đọng (trong đó có cả một số việc do hai bên đương sự đề nghị hoãn THA). Có nhiều nguyên nhân khiến việc THA tồn đọng như: doanh nghiệp mất tích, khó khăn trong những vụ án đòi con… Nhưng còn một nguyên nhân khác là do Bản án không hợp lý. Để đạt được mục đích cải cách tư pháp, giải quyết khó khăn THA đối với án tuyên không hợp lý, nên có hướng xử lý như sau: Nếu đã xác định rõ tài sản THA thì Tòa án mới kê biên. Nếu không xác định chính xác tài sản THA thì Tòa án chỉ xác định nghĩa vụ bồi thường và các khoản THA. Cơ quan THA sẽ có trách nhiệm kê biên và xác định tài sản. Nếu thực hiện được theo hướng này thì sẽ tránh được khó khăn THA do bản án tuyên không hợp lý

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.