Chuyện chống tội phạm mạng ở cố đô:

Bài cuối: Cần kỹ năng để tự bảo vệ

Thứ Sáu, 08/05/2015, 07:53
Tuy mới thành lập được vừa tròn 2 năm nhưng những chiến sĩ trẻ của Đội Phòng chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều chiến công vang dội, với bề dày thành tích hơn 20 vụ án về công nghệ cao đã được triệt phá, trong đó có những vụ quy mô rất lớn làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
>> Chuyện chống tội phạm mạng ở cố đô
Tuy nhiên, điều trăn trở của các anh là vẫn chưa thể bắt giữ hết được các đối tượng sử dụng CNC để phạm tội, bởi chúng đang hoạt động ngày càng tinh vi, dùng những thủ đoạn phức tạp mới để “móc” túi tiền người dân và doanh nghiệp… Thủ đoạn chung của bọn chúng là sử dụng phần mềm “gián điệp” để chiếm đoạt tài sản.

1. Giữa tháng 4 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được đơn trình báo của Công ty TNHH Laguna với nội dung, công ty này có ký kết hợp đồng qua Email với Công ty Sports Turf Solutions Pte Ltd, có địa chỉ tại Singapore, để mua 20 chiếc xe điện dùng trong sân golf loại 2 chỗ ngồi hiệu Ezgo, với tổng trị giá hợp đồng là 89.000USD, tương đương 1,8 tỷ đồng Việt Nam. Công ty Laguna đã thanh toán số tiền nêu trên cho Công ty Sports Turf Solutions Pte Ltd, tại Singapore nhưng đến nay vẫn không nhận được hàng, vì công ty tại Singapore chưa giao chứng từ gốc.

Cùng thời gian trên, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng nhận được đơn trình báo của Công ty Cape Minerals Fze (UAE) do ông Puneet làm Giám đốc, về việc bị chiếm giữ tài sản. Nội dung đơn tố giác ngắn gọn chỉ là việc Công ty UAE đã ký 2 hợp đồng qua Email với Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khoáng sản Thừa Thiên - Huế (Công ty Humexco), có trụ sở tại 53 Nguyễn Gia Thiều, TP Huế, với tổng giá trị 2 hợp đồng mua bán là 46.300USD.

Cuối năm 2014, Công ty UAE đã thanh toán hợp đồng vào tài khoản chỉ định theo hợp đồng với Công ty Humexco nhưng vẫn không nhận được hàng. Khi Công ty UAE liên lạc với Công ty Humexco thì được biết công ty này chưa nhận được tiền thanh toán liên quan đến 2 hợp đồng nêu trên.

Nhận được đơn trình báo của các doanh nghiệp, Đội PCTP sử dụng CNC thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vào cuộc và được biết đã có đối tượng sử dụng phần mềm “gián điệp”, đứng giữa hai doanh nghiệp, xâm nhập máy tính của một trong hai công ty, rồi thay đổi số tài khoản ghi trong hợp đồng được gửi qua Email giữa hai công ty này. Điều này giải thích cho việc, công ty tại Việt Nam đã trả tiền cho bên bán ở nước ngoài nhưng vẫn không nhận được hàng, vì chính công ty tại nước ngoài cũng chưa nhận được tiền của bên mua tại Việt Nam và ngược lại.

Ảnh minh họa.

2. Cũng giống với thủ đoạn mà các đối tượng đã sử dụng trong 2 vụ việc nêu trên, các đối tượng trong đường dây của Trần Thị Kim Cúc (34 tuổi, trú tại phường Xuân Phú, TP Huế cầm đầu) đã sử dụng phần mềm “gián điệp”, xâm nhập vào máy tính cá nhân của người dùng Internet, rồi hack nick chat trên Yahoo của người dùng, qua đó chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Vụ án được làm rõ, từ năm 2012, Cúc và nam thanh niên tên là Hoàng Bảo Anh, 26 tuổi, trú tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông (sinh viên đã tốt nghiệp một trường về công nghệ thông tin trên địa bàn TP Hồ Chí Minh) đã bàn bạc tạo ra trang web với mục đích lấy cắp nick, mật khẩu Yahoo của người khác. Sau đó, Bảo Anh với kiến thức về công nghệ thông tin đã lập trang web có địa chỉ "http://360myblogvn.com" gần giống với tên miền đăng nhập nick chat, để “bẫy”, đánh cắp tài khoản và mật khẩu của người dùng Yahoo.

Sau khi lấy được thông tin, đối tượng sẽ thay đổi mật khẩu nick chat, để chủ nick chat không thể đăng nhập vào nick của mình nữa. Từ thông tin này, Cúc và Bảo Anh đã bán nick chat cho nhiều đối tượng để các đối tượng này vào nói chuyện với bạn bè của người chủ cũ nick chat đó, sau đó nhờ bạn bè của chủ nick chat cũ mua thẻ điện thoại nạp gửi vào nick chat cho chúng.

Trong khi bạn của người chủ cũ cứ tưởng mình đang nói chuyện và giúp bạn mình. Khi các đối tượng lừa lấy được số thẻ điện thoại, chúng sẽ bán lại cho Cúc với giá trị của thẻ chỉ còn 77% đến 80%, để Cúc tiếp tục bán thẻ điện thoại và ăn chiết khấu chênh lệch trên mỗi thẻ điện thoại tiêu thụ được. Ví dụ như việc, các đối tượng “lừa” bạn của chủ nick chat cũ gửi tiền thông qua thẻ điện thoại qua nick chat được 100 triệu đồng.

Cúc sẽ mua lại chỉ từ 77 triệu đến 80 triệu trên 100 triệu tiền thẻ, rồi tiếp tục bán thẻ điện thoại cho người tiêu dùng. Sau khi trừ các khoản phí khác với nhà mạng, Cúc sẽ hưởng lợi từ 6 đến 7 triệu đồng trên 100 triệu tiền thẻ. Tại cơ quan Công an, Cúc đã thừa nhận số tiền 6,1 tỷ đồng tiền mã thẻ điện thoại đã mua của các đối tượng chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trong gần 3 năm.

Từ những vụ việc nêu trên, cơ quan Công an cảnh báo với người dùng Email, Yahoo, Facebook, Zalo… cần thận trọng khi đăng nhập các tài khoản của mình trên mạng Internet. Cần kiểm tra tên miền của trang web đó có đáng tin cậy, sau đó mới đánh ký tự mật khẩu để tránh bị các đối tượng dùng phần mềm “gián điệp” đánh cắp thông tin, lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, trang bị cho máy tính những phần mềm bảo mật đang bán trên thị trường, để tạo hệ thống bảo vệ, cảnh báo khi có sự xâm nhập lạ từ phía ngoài. Cơ quan Công an cảnh báo các doanh nghiệp, cá nhân khi ký kết hợp đồng qua Email cần có liên hệ xác thực thông tin của các bên để tránh tình trạng có đối tượng hack mail để chiếm đoạt tài sản…
Trần Xuân
.
.
.