Vụ chai nước có ruồi:

Bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Võ Văn Minh

Thứ Năm, 08/09/2016, 18:04
Ngày 8-9, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án "chai nước có ruồi" đối với bị cáo Võ Văn Minh về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Có 6 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Minh trong vụ án này.

 


Theo nội dung vụ án, Võ Văn Minh cùng vợ bán bún riêu và nước giải khát tại ngã ba An Cư, xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Ngày 3-12-2014, tại quán của mình, Minh phát hiện chai nước Number One loại 350ml của Công ty Tân Hiệp Phát có ruồi nên nảy sinh ý định dùng chai nước này để yêu cầu công ty giao tiền cho mình.

Đến ngày 5-12-2014, Minh điện thoại cho Công ty Tân Hiệp Phát yêu cầu đưa 1 tỉ đồng để đổi lấy sự im lặng. Nếu không sẽ đưa vụ việc lên chương trình 60 giây của HTV, đăng tải lên báo và in 5.000 tờ rơi nêu nội dung chai Number One có ruồi nhằm hạ uy tín công ty.

Đại diện công ty ba lần đến thương lượng với Minh nhưng người này vẫn không thay đổi ý định. Lo sợ uy tín bị ảnh hưởng, Công ty Tân Hiệp Phát thỏa thuận sẽ đưa cho ông Minh 500 triệu đồng. Ngày 27-1-2015, bà Trần Ngọc Bích (giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) phân công ba cán bộ của mình đem 500 triệu đồng đến một quán cà phê trên địa bàn xã Hậu Thành, huyện Cái Bè giao cho Minh. Ngay khi nhận tiền (có ký giấy biên nhận) từ phía đại diện của Công ty Tân Hiệp Phát, Minh bị Công an bắt giữ.

Bị cáo Minh tại phiên tòa

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên phạt Võ Văn Minh mức án 7 năm tù về tội "cưỡng đoạt tài sản". Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Minh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên tại phiên toà xét xử phúc thẩm, Minh thay đổi nội dung kháng cáo sang "kêu oan".

Trình bày trước toà, Minh cho rằng: khi phát hiện chai nước có ruồi, bị cáo đã liên hệ với công ty và đại diện công ty đã đồng ý với số tiền bị cáo đưa ra để đổi lấy sự "im lặng" nhưng không hiểu sau lúc giao tiền lại kêu Công an bắt bị cáo. Minh cho rằng giao dịch giữa bị cáo và công ty Tân Hiệp Phát là quan hệ dân sự nên bị cáo không có tội.

Toà hỏi Minh biết lý do vì sao chai nước trị giá 10.000 đồng nhưng công ty đồng ý bỏ ra 500 triệu đồng? Minh khai, vì biết Tân Hiệp Phát là một thương hiệu lớn. HĐXX cho rằng, đứng về góc độ người tiêu dùng, khi phát hiện chai nước có ruồi đáng lý ra bị cáo phải báo sự việc cho hội bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ người tiêu dùng còn đằng này lại đồng ý nhận tiền mua lấy sự im lặng về mặt đạo đức đúng hay sai? Bị cáo Minh im lặng...

Trả lời câu hỏi HĐXX: "Ai là người có lợi khi bị cáo nhận tiền đổi lấy sự im lặng?" Minh cho rằng bị cáo được lợi nhưng người được lợi nhất là công ty vì Tân Hiệp Phát. "Sự thỏa thuận giữa bị cáo với công ty là thỏa thuận mua sự im lặng hay mua chai nước về uống?". Minh khai "mua sự im lặng".

Liên quan đến chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát, tại toà người đại diện công ty này khẳng định quy trình của công ty là khép kín nên không thể có sản phẩm "có ruồi". Trả lời câu hỏi của luật sư Tân Hiệp Phát có chủ trương dùng tiền để đổi lại sự im lặng khi sản phẩm có lỗi hay không? Đại diện Tân Hiệp Phát khẳng định là "không".

Thực hành quyền kiểm sát xét xử tại toà, đại diện VKS khẳng định hành vi của bị cáo Minh đủ yếu tố cấu thành tội phạm và mức án 7 năm toà sơ thẩm tuyên là có chiếu cố. Tại toà bị cáo kêu oan nhưng không có căn cứ nên đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo của bị cáo.

Bào chữa cho bị cáo, các luật sư cho rằng dấu hiệu của tội "cưỡng đoạt tài sản" là bị cáo phải có một trong hai hành vi khách quan là "dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực" hoặc "có thủ đoạn, hành vi khác" thì mới cấu thành tội phạm. Đằng này, sau khi nhận thông tin từ Minh, Tân Hiệp Phát đã nhiều lần chủ động gặp gỡ bị cáo để trao đổi.

Các luật sư cho rằng hành vi đòi tiền của bị cáo Minh diễn ra công khai thông qua sự thương lượng và thỏa thuận với Tân Hiệp Phát, hoàn toàn không có yếu tố đe dọa như kết luận của VKS và bản án sơ thẩm. Mặt khác việc đòi tiền xuất phát từ sự không hiểu biết pháp luật của bị cáo Minh nên tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể...

Từ đó, các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Minh không phạm tội "cưỡng đoạt..." như án sơ thẩm đã tuyên. Trong trường hợp đề nghị trên không được chấp nhận, luật sư đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại để làm rõ hành vi thỏa thuận của những người làm việc cho Tân Hiệp Phát để đánh giá khách quan lại vụ án.

Tuy nhiên, sau 1 ngày xét xử, đồng quan điểm với VKS, HĐXX đã bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Minh và lời bào chữa của các luật sư, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, tuyên y án 7 năm tù.

A.Huy
.
.
.