Bác kháng cáo của Phạm Công Danh trong phiên xử phúc thẩm sai phạm tại VNCB giai đoạn 2

Thứ Ba, 25/12/2018, 15:11
Ngày 25-12, sau nhiều ngày xét xử và nghị án vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại 6.126 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng xây dựng Việt Nam (VNCB, tiền thân là ngân hàng Đại Tín, nay là ngân hàng CB), HĐXX TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên án.


Theo đó, HĐXX đã bác kháng cáo của ông Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT VNCB), Phan Thành Mai (47 tuổi, nguyên TGĐ VNCB), Mai Hữu Khương (35 tuổi, nguyên thành viên HĐQT, giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (35 tuổi, nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) khi cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét nguyên nhân hành vi phạm tội của các bị cáo xuất phát từ hành vi phạm tội của bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao ngân hàng Đại Tín), chưa xem xét tình trạng yếu kém của ngân hàng Đại Tín. 

Các bị cáo tại toà

Đồng ý với quan điểm của VKS trong phần tranh luận, HĐXX nhận định tình trạng yếu kém của ngân hàng Đại Tín là có thực, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc VNCB âm vốn chủ sở hữu hơn 18.000 tỷ đồng.

Tại tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai cho rằng việc phân tách vụ án thành 2 giai đoạn gây bất lợi cho các bị cáo. Về ý kiến này, theo HĐXX, quá trình điều tra vụ án cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tuy cùng gây thiệt hại cho VNCB. 

Tuy nhiên, ở giai đoạn 1 các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ xử lý hành vi “cố ý làm trái...”, “vi phạm quy định về cho vay...” liên quan đến việc rút tiền của VNCB; còn giai đoạn 2 xử lý việc sử dụng tiền gửi trái pháp luật liên quan đến việc vay vốn từ 3 ngân hàng khác. “Đây là 2 vụ án độc lập, xử lý các hành vi độc lập nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của các bị cáo này...”, HĐXX nêu quan điểm. 

Về kháng cáo của ông Phạm Công Danh đề nghị thu hồi thêm hàng loạt khoản tiền khác, HĐXX nhận định những khoản tiền ông Danh yêu cầu thu hồi đã được xem xét trong giai đoạn 1 của vụ án nên không có căn cứ xem xét tiếp.

Đối với nhóm các bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo, HĐXX cho rằng các bị cáo này đã có hành vi giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh thực hiện hành vi phạm tội nên phải liên đới chịu trách nhiệm. Bản án sơ thẩm đã xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo. 

Hình phạt đối với các bị cáo đã là rất nhẹ so với hậu quả các bị cáo gây ra nên không có cơ sở để giảm nhẹ. Riêng kháng cáo của bị cáo Trần Hiệp (52 tuổi, nguyên thành viên HĐQT VNCB, giám đốc công ty Phong Hiệp) và Lê Đài (44 tuổi, nguyên TGĐ công ty địa ốc Bảo Gia), HĐXX xét cả hai đang bệnh nặng, vai trò hạn chế, gia đình có công cách mạng, từ đó chấp nhận kháng cáo, chuyển hình phạt từ 3 năm tù giam sang tù treo.

Đối với kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh không cho 4 bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh được hưởng án treo. 

Theo HĐXX, trong vụ án này các bị cáo phạm tội có vai trò hạn chế, gia đình các bị cáo có công với cách mạng, hiện nay các bị cáo là lao động chính nên toà án cấp sơ thẩm cho các bị cáo được hưởng án treo là đúng quy định của pháp luật. Với lập luận nêu trên, HĐXX đã bác kháng nghị của VKS.

Về kháng nghị của VKS liên quan đến số tiền 4.500 tỷ, HĐXX xác định số tiền này đã nộp vào VNCB để tăng vốn điều lệ. Sau khi tiền vào ngân hàng không có chứng cứ hay tài liệu nào chứng minh Phạm Công Danh đã sử dụng số tiền này vào mục đích riêng nên ngân hàng CB phải chịu trách nhiệm. 

Từ đó, HĐXX xác định đây là tài sản của Phạm Công Danh cần thu hồi để khắc phục hậu quả vụ án. Nhưng do HĐXX đã tuyên thu hồi 2.371 tỷ đồng được xem là vật chứng của vụ án từ CB, nên nên CB chỉ cần phải trả lại hơn 2.100 tỷ đồng cho Phạm Công Danh. Song, do bị cáo Danh đang còn phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án ở cả 2 giai đoạn của vụ án nên cần giữ lại số tiền hơn 2.100 tỷ đồng.

Đối với kháng cáo của ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) về việc toà án cấp sơ thẩm tuyên thu hồi 1.633 tỷ đồng. HĐXX nhận định, quyết định tuyên thu hồi số tiền trên của toà án cấp sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật nên chấp nhận kháng cáo của ngân hàng BIDV, theo đó BIDV không phải trả lại cho CB số tiền 1.633 tỷ đồng.

Theo HĐXX, mặc dù Phạm Công Danh lấy 1.633 tỷ đồng từ hành vi phạm tội trong vụ án để tất toán các khoản vay khác của Tập đoàn Thiên Thanh tại BIDV chi nhánh Hải Vân, BIDV Sở giao dịch 2 nhưng 1.633 tỷ đồng này đã hòa vào tổng dòng tiền chung của BIDV năm 2012, 2013, trước khi vụ án VNCB bị khởi tố và không còn lưu lại BIDV. 

Ngoài ra, BIDV là ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nắm giữ 95% vốn điều lệ, hiện tại NHNN đang chỉ đạo BIDV hoàn thiện phương án cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài do đó án sơ thẩm tuyên thu hồi và buộc BIDV phải trả 1.633 tỷ đồng cho ngân hàng CB là không đúng, ảnh hưởng đến giao dịch của BIDV, ảnh hưởng đến nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, gây thiệt hại cho nhà nước. Từ đó, cấp phúc thẩm thẩm đã sửa bản án sơ thẩm về nội dung này.

Đối với kháng cáo của các đơn vị và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án như ngân hàng Đại Dương, ngân hàng CB, đại gia Trần Quí Thanh..., HĐXX nhận định, quá trình giải quyết vụ án, toà án cấp sơ thẩm đã xem xét toàn bộ nên bác kháng cáo của những người này, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

A.Huy - Hồng Sơn
.
.
.