Ai là người đã quyết định nhập gần 7.000 lít dầu chứa chất siêu độc PCB vào Việt Nam?

Thứ Ba, 19/08/2014, 23:28
Như Báo CAND đã đưa tin về vụ gần 7.000 lít dầu trong máy biến thế chứa chất siêu độc PCB đang để tại cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh đã gần 7 năm nay mà chưa xử lý… Đây là một phần tang vật trong vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Tập đoàn Vinashin) gây thiệt hại hơn 910 tỷ đồng cho Nhà nước, đang được dư luận quan tâm.

Theo đó, 9 bị can trong vụ án này do Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Vinashin cầm đầu và 8 đồng phạm nguyên là lãnh đạo Tập đoàn này đã phải ra hầu tòa, nhận án tù với các mức án nghiêm khắc khác nhau. Trong số 9 bị án nêu trên thì có 2 bị án là đối tượng liên quan trực tiếp đến lượng dầu PCB siêu độc kể trên.

Đó là Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh Vinashin (Công ty Hoàng Anh), án phúc thẩm đã tuyên 16 năm tù giam; còn Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long (Công ty Cửu Long), án sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù giam.

Gần 7.000 lít dầu trong máy biến thế chứa lượng hóa chất siêu độc PCB, đã được ông Dương, đại diện pháp luật Công ty Cửu Long nhập về từ Hàn Quốc để lắp đặt xây dựng dự án nhiệt điện Sông Hồng tại tỉnh Nam Định. Tại thời điểm từ năm 2006 đến năm 2007, dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng không nằm trong quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia, chưa lập hồ sơ tổng thầu, nhưng ông Tuyên vẫn chuyển 201 tỷ đồng, là tiền vay ngắn hạn tại Ban tài chính thuộc Tập đoàn Vinashin sang Công ty Cửu Long để đặt cọc, và cho ông Dương vay để nhập máy móc, thiết bị từ nhà máy nhiệt điện cũ của Hàn Quốc đã ngừng hoạt động từ nhiều năm.

Khi dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ông Dương còn ký hợp đồng mua bán thép khống và hóa đơn Giá trị gia tăng khống để giúp ông Tuyên  làm giả hồ sơ giải ngân, rút 42,8 tỷ đồng từ nguồn vốn TPQT (trái phiếu quốc tế) được Tập đoàn Vinashin duyệt cho vay vào mục đích đóng tàu, nhưng lại sử dụng đầu tư vào dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.

Ông Dương biết ông Tuyên chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý để được phép đầu tư, xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, nhưng vẫn ký thỏa thuận làm tổng thầu và nhận tiền đặt cọc để mua sắm thiết bị cho dự án nêu trên. Qua đó, đã vay 20 tỷ đồng của Ban Tài chính Tập đoàn Vinashin đưa vào dự án trên…

Ngày 14/5/2006, ông Tuyên và ông Dương đã ký biên bản thỏa thuận với nội dung: Công ty Hoàng Anh thuê Công ty Cửu Long xây dựng Nhà máy nhiệt điện công suất 185MW trị giá 55 triệu USD, theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Công ty Hoàng Anh đã đặt cọc 48 tỷ đồng và 2 bên thống nhất, ông Nguyễn Văn Tuyên, khi đó là Giám đốc Công ty Hoàng Anh sẽ chịu trách nhiệm lập hồ sơ dự án để xin phép đầu tư, xin cấp đất thực hiện dự án; còn ông Nguyễn Tuấn Dương (Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cửu Long) chịu trách nhiệm về thiết bị công nghệ, xây lắp, chạy thử và phối hợp làm các thủ tục xin phép đầu tư…

Máy biến thế có chứa chất siêu độc PCB ở cảng Cái Lân (Quảng Ninh) đã đóng trong các container nhưng vẫn tiềm ẩn nguy hại. (ảnh CTV).

Ngày 15/6/2006, ông Tuyên ký công văn trình Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin. Tiếp theo, tập đoàn Vinashin đã ký công văn gửi Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nam Định về việc Công ty Hoàng Anh là chủ Dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Nam Định có ý kiến với Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương).

Từ tháng 1/2007 đến tháng 2/2008, số máy móc, thiết bị nhiệt điện cũ do Công ty Cửu Long mua của Hàn Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam qua cảng Cái Lân (Quảng Ninh) và cảng Hải Phòng. Đáng chú ý, trong số thiết bị máy móc nhập khẩu này có một số máy biến thế nhập về cảng Cái Lân (Quảng Ninh) đã bị cơ quan chức năng giữ lại vì có một máy biến thế đã được sản xuất từ năm 1960, nghi có chứa chất độc PCB. Chất độc này thuộc diện phải quản lý khi vận chuyển.

Trước đó, trong một diễn biến khác, Bộ Công nghiệp đã có công văn gửi Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định về việc thẩm tra hồ sơ Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, và khẳng định, không có cơ sở pháp lý để phê duyệt Dự án này, vì thiết bị đưa vào dự án đã lạc hậu. Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Nam Định đình chỉ việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng. Do vậy, Tập đoàn Vinashin phải đình chỉ thực hiện dự án này. Hậu quả, của dự án nêu trên đã gây thiệt hại lớn đến tài sản nhà nước.

Như vậy, ông Nguyễn Văn Tuyên và ông Nguyễn Tuấn Dương chính là những người trực tiếp liên quan, phải chịu trách nhiệm khi để lô hàng gần 7.000 lít dầu có chứa chất siêu độc PCB vào Việt Nam.

Được biết, liên quan đến Dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hồng không được phê duyệt, cơ quan tố tụng đang xem xét các hành vi có dấu hiệu sai phạm của Ban tài chính Tập đoàn Vinashin, trong việc duyệt cho Công ty Hoàng Anh và Công ty Cửu Long vay vốn, sử dụng vào Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng; trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua máy móc, thiết bị cũ cho dự án này của Công ty Cửu Long và cá nhân ông Nguyễn Tuấn Dương, sẽ được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Chất siêu độc PCB: Polychlorinated Biphenyls là hợp chất thơm của halogen, thuộc nhóm hóa chất hữu cơ độc hại bền vững trong môi trường với bốn đặc tính chính là độc tính cao (chỉ sau dioxin), khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, khả năng di chuyển và phát tán xa, khả năng tích tụ sinh học cao. PCB được sử dụng làm phụ gia trong dầu của các thiết bị điện. PCB có thể gây ngộ độc cấp tính như nổi mụn, cháy da, bỏng mắt. Về lâu dài, PCB dù ở nồng độ nhỏ cũng phá hủy gan, rối loạn sinh sản, biến đổi gene, gây ung thư, quái thai, dị dạng, tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ. PCB là hóa chất độc hại thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh theo phụ lục 2, nghị định 26/2011/NĐ-CP. Ở Việt Nam có một đơn vị ở Kiên Giang là có đủ công nghệ tiêu hủy PCB.

Năm 1968 tại Nhật Bản, khoảng 14.000 người bị ngộ độc hóa chất sau khi ăn phải dầu ăn chiết xuất từ cám của hãng Kanemi Soko. Dầu ăn này đã bị phơi nhiễm PCB thông qua bộ phận trao đổi nhiệt của dây chuyền sản xuất. 1.853 người bị phơi nhiễm rất nặng, gây ra các chứng bệnh mãn tính suốt đời. Nhiều gia đình ở vùng Fukuoka và Nagasaki mang các triệu chứng kỳ quái tập thể như chân tay run rẩy, da nổi chàm.

Năm 1979, một vụ ngộ độc tương tự xảy ra ở Đài Loan (Trung Quốc) khiến khoảng 2.000 người bị ngộ độc sau khi ăn phải dầu cám bị nhiễm PCB.

Năm 1999, gần 25 lít dầu chứa hóa chất này tràn ra môi trường khiến nước Bỉ mất hơn 1 tỷ USD để xử lý.

Minh Khoa – Trần Xuân
.
.
.