7 cựu cán bộ thuỷ sản lĩnh án vì giả mạo công tác

Thứ Hai, 16/04/2018, 15:21
Sáng 16-4, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã kết thúc phiên toà xét xử 7 bị cáo nguyên là cán bộ Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thuỷ sản (viết tắt là trung tâm K3), thuộc Tổng cục Thuỷ sản-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo về tội giả mạo công tác (quy định tại Điều 284-BLHS năm 1999).

Bị cáo Bùi Đức Quý, cựu Giám đốc Trung tâm K3 bị phạt 6 năm tù. Bị cáo Đỗ Thị Hà, cựu cán bộ Phòng Khảo nghiệm, Trung tâm K3 bị phạt 4 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thị Hà, cựu cán bộ Văn phòng Trung tâm K3 bị phạt 3 năm tù. Bị cáo Vũ Thị Thu, cựu cán bộ Trung tâm miền Đông Nam Bộ-Trung tâm K3 bị phạt 3 năm tù. 

Bị cáo Lê Tuấn Anh, cựu Phó trưởng Phòng Hành chính quản trị-Văn phòng Tổng cục Thuỷ sản bị phạt 3 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Dũng, cựu cán bộ Phòng Kiểm nghiệm, kiểm định-Trung tâm K3 bị phạt 3 năm tù (án treo). 

Bị cáo Nguyễn Huy Bàn, cựu cán bộ Văn phòng Trung tâm K3 bị phạt 30 tháng tù (án treo). Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại theo quy định của pháp luật.

Nhóm cựu cán bộ thuỷ sản tại phiên xử.

Như Báo CAND số 4646, ra ngày 16-4 đã phản ánh, từ tháng 10-2013 đến tháng 7-2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dừng việc xem xét hồ sơ công nhận các sản phẩm là vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp để rà soát tổng thể các quy định của pháp luật liên quan, nhằm quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và chất lượng vật tư đầu vào toàn ngành. 

Trong thời gian này, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gửi hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm về Trung tâm K3 cùng với lượng hồ sơ còn lại trước đó dẫn đến việc tồn đọng quá nhiều hồ sơ sản phẩm đề nghị đăng ký lưu hành. Nhằm hưởng lợi bất chính từ việc các doanh nghiệp có sản phẩm đăng ký vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, một số cán bộ ở Trung tâm K3 đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn với nhau nhận hồ sơ của các doanh nghiệp để làm, chỉnh sửa văn bản, làm sai lệch nội dung sản phẩm phụ lục sản phẩm được cấp phép lưu hành, sau đó trình duyệt, lấy số, đóng dấu và phát hành 6 văn bản giả mạo của Tổng cục Thuỷ sản, qua đó đưa thêm 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản của 107 doanh nghiệp vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam trái quy định, để hưởng lợi bất chính tổng số tiền hơn 7,3 tỷ đồng. 

Trong vụ án này, bị cáo Vũ Đức Quý được xác định giữ vai trò chính. Hội đồng xét xử khẳng định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm đối với xã hội vì đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan Nhà nước và ảnh hưởng chính sách nuôi trồng thủy sản. Do đó cần áp dụng những mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội mà các bị cáo gây ra.

Nguyễn Hưng
.
.
.