Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn: Gian nan là nợ

Thứ Ba, 31/03/2009, 10:20
Hà Nội đã vào đêm. Khách sạn Bảo Sơn nhộn nhịp hơn bởi những đoàn khách nước ngoài. Khép lại căn phòng làm việc, ông chủ của khách sạn Bảo Sơn, Nguyễn Trường Sơn, lặng lẽ rời văn phòng để trở về nhà. Người đàn ông thành đạt nhưng gặp nhiều gian truân trong cuộc đời và sự nghiệp này có một cuộc đời riêng cũng không mấy suôn sẻ.

Cuộc đời của tôi rất dài. Quá khứ cội nguồn, những năm tháng cũ, cuộc vật lộn mưu sinh và sự nghiệp ngày hôm nay, với tôi đó là một thước phim dài, được quay bằng chính cả cuộc đời mình.

Con người tôi từ xứ Nghệ mà ra, cuộc sống khổ cực nơi quê nhà đã hun đúc trong tôi lắm khát vọng, nhiều mơ ước, nhiều ý chí để đạt cho kỳ được hai chữ thành công.

Thế nhưng, ngẫm lại những gì tôi đã đi qua, đã nếm trải, đã cố gắng để thực hiện bằng được những khát vọng của mình, có lúc tôi đã giật mình trước sức nén, sức bật và cả sự lỳ đòn của bản thân trước phong ba bão táp. Hóa ra, mình đã tiến rất xa trên một chặng đường dài cực nhọc và gian khổ. Mình đã đạt được nhiều thứ mà có lẽ từ khi mới tay trắng vào đời, mình cũng chẳng dám mơ đến.

Mà đời tôi thì thú thật cho đến lúc này, khi đã gây dựng được một tập đoàn kinh tế gia đình lớn mạnh, tưởng đã có thể bình yên thanh thản, vậy mà lạ thế, đời vẫn chưa hết những gian nan.

Đó chỉ là một khoảng lặng nhỏ nhoi thôi, một khoảng lặng mềm yếu hiếm thấy, chỉ chợt len đến trong tâm trạng của ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Sơn khi ông nhìn lại chính cuộc đời nhiều sóng gió của mình. Những ký ức tuổi thơ chưa bao giờ phai nhòa trong người đàn ông thành đạt và nổi tiếng này.

Dòng họ của Nguyễn Trường Sơn là một dòng họ thuộc hàng vua chúa ngày xưa nhưng mang nỗi đau ly tán. Cụ nội đời thứ tư của ông là Nguyễn Phúc Bật, Đổng lý văn phòng của nhà vua. Cụ tham gia vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên giặc Pháp truy tìm và có ý định giết hại cả nhà. Cụ đưa vợ con đi sơ tán khắp nơi. Trong đó có một con trai của cụ là Tổng Hanh đưa về Nam Đàn sống. Cha của Nguyễn Trường Sơn là cháu nội của ông Tổng Hanh. Ông Nguyễn Trường Sơn sinh ra vào giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử.

Năm 1945, cậu bé Nguyễn Trường Sơn cất tiếng khóc chào đời trong cơn bĩ cực của đất nước. Tai ương sớm đến với cậu bé Trường Sơn khi mới tròn 5 tháng tuổi đã mang nỗi đau mồ côi cha. Cha ông bạo bệnh mất sớm, để lại người vợ góa và hai đứa con trai côi cút. Nhà chỉ có độc 1 sào ruộng, mẹ ông quanh năm đi cấy lúa thuê để nuôi hai anh em ông.

Hai anh em lớn lên trong lam lũ, cực khổ. Có lẽ chính sự tận khổ của những người con sinh ra nơi mảnh đất xứ Nghệ "cày lên sỏi đá" ấy mà cả hai quyết tâm với ý chí phải thay đổi cuộc đời. Người anh trai phấn đấu theo con đường đoàn thể, dần dần đi lên, bám trụ với đồng ruộng, gắn bó với người nông dân để phát triển sự nghiệp.

Anh trai ông làm Giám đốc Xí nghiệp trại hươu giống và nuôi ong, phát triển cây cọ dầu. Năm 1962, lần đầu tiên cậu bé Nguyễn Trường Sơn khi ấy 13 tuổi, mới may mắn được bước ra khỏi lũy tre làng. Người anh trai đã hướng cho ông đi thi vào Học viện Thủy lợi Điện lực để học văn hóa và học Trường Trung cao Cơ điện.

Tốt nghiệp Trung cao Cơ điện năm 1965, Nguyễn Trường Sơn bắt đầu hành trình của cuộc đời nhiều khát vọng. Năm 1967, ông được Bộ Cơ khí Luyện kim cử sang Bulgaria học về ngành thiết kế chế tạo biến thế và máy điện. Năm 1972, ông tốt nghiệp bằng kỹ sư thực hành và trở về nước.

Qua nhiều sự phân công, năm 1989 ông làm Giám đốc Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu và Dịch vụ may thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Cũng chính trong quãng thời gian này ông đã có những kỷ niệm cay đắng, những bài học lớn không bao giờ quên được trong cuộc đời doanh nhân mà ông vẫn thường nói là "lắm rắc rối và tai ương" của ông.

Rắc rối thứ nhất xảy ra năm 1985, lúc đấy ông là Phó Giám đốc Công ty XNK Hoàn Kiếm với thương vụ xuất khẩu 200 tấn cà phê sang CHDC Đức ngoài Nghị định Thư để đổi lấy 900 tấn hạt nhựa. Thương vụ này, hành trình thời gian từ thủ tục cho đến các giấy tờ, phải mất gần một năm.

Gần một năm với bao thị phi đồn đại bởi có những ách tắc trong giấy tờ thủ tục pháp lý, cũng như do các thay đổi trong một số quyết định chính sách của Nhà nước lúc bấy giờ mà ông Nguyễn Trường Sơn đã phải một năm sống trong bão táp dư luận, đồn thổi, lời thị phi và áp lực công việc.

Không thể kể hết mọi khó khăn, thậm chí cả sự tủi nhục và không dưới hàng chục lần ông Nguyễn Trường Sơn phải đi lại giữa hai miền Nam Bắc để tháo gỡ những vướng mắc. Cuối cùng, sau hơn nửa năm đi giải quyết thương vụ này, có lúc tưởng như đã tuyệt vọng song với bản lĩnh thiên phú cùng tài thao lược, xoay chuyển tình thế và trí thông minh, dám nghĩ dám làm, và nhờ có sự giúp đỡ của rất nhiều các đồng chí lãnh đạo Bộ, ngành, Giám đốc Nguyễn Trường Sơn cũng đã xuất được 200 tấn cà phê nhưng không phải sang CHDC Đức mà sang Liên Xô và đổi về hơn 20 ngàn tấn phân đạm.

Thương vụ này ông đã làm lợi cho Nhà nước 72 ngàn USD và Công ty XNK Hoàn Kiếm đã dùng số tiền này nhập khẩu về toàn bộ dây chuyền sản xuất mũ giày để xuất cho Liên Xô. Đến lúc đó, tiếng tăm lẫn những thị phi của ông Nguyễn Trường Sơn đã nổi danh lẫy lừng ở hai miền Nam Bắc.

Về thương vụ này của ông, có thể viết được một cuốn tiểu thuyết sinh động về một thời bao cấp của đất nước mình. Nhà văn Lê Lựu và nhà văn Chu Lai đã từng chấp bút. Ông nói, chưa phải lúc để công bố, song ông vẫn ấp ủ cuốn tiểu thuyết này sẽ ra mắt bạn đọc một ngày nào đó.

Rắc rối lớn thứ hai trong cuộc đời nhiều bão táp của Nguyễn Trường Sơn là thương vụ xuất khẩu sang Ba Lan 150 ngàn chiếc áo thêu để đổi lấy 80 ngàn mét vải giả da và mấy ngàn cái phích nước. Nó cũng sẽ là một chương ly kỳ cười ra nước mắt trong cuốn tiểu thuyết cuộc đời của ông. Ông đã phải đứng trước những cuộc thanh tra, kiểm tra để tìm sai phạm. Tất nhiên, chỉ có sự trong sáng, và lòng tự trọng mới bảo vệ được ông khỏi đòn roi dư luận để công nhận ông là người hùng.

Cho đến lúc này, nhớ lại quãng thời gian đó, ông vẫn thoáng chút ngậm ngùi: "Đời tôi lắm tai ương". Cho đến lúc này đây, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn - Nguyễn Trường Sơn trong câu chuyện đời mình, ông vẫn phải thừa nhận điều cay đắng ấy. Ông nói: “Sau đó ít lâu, tôi chuyển toàn bộ công ty của Nhà nước ra ngoài quốc doanh và quyết định kinh doanh độc lập”.

Những tưởng cuộc đời ông đã sóng yên biển lặng. Thế nhưng ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn vừa qua lại đứng trước những sóng gió mới. Ông cười buồn: "Đúng là cây muốn lặng mà gió chẳng đừng".

Rắc rối này liên quan đến Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh (Hoài Đức - Hà Nội) do Tập đoàn Bảo Sơn làm chủ đầu tư được triển khai từ cuối năm 2004. Nằm trong dự án này có tiểu dự án biệt thự kinh doanh. Đối tác của Tập đoàn Bảo Sơn là Công ty cổ phần Thương mại Tổng hợp Quốc tế D&T do bà Trần Thị Hồng Hạnh làm Giám đốc đã có một hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng 47 lô biệt thự trong dự án.

Bà Hồng Hạnh đã bán 47 lô đất này cho người mua nhưng đồng thời lại lấy 47 lô đất này thế chấp Ngân hàng để vay 66 tỷ đồng. Hiện nay bà Hồng Hạnh đã bị bắt vì vi phạm pháp luật. Vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Việc Công ty D&T sai phạm không liên quan đến Tập đoàn Bảo Sơn. Về vụ việc này, mấy ngày qua báo chí đã làm rõ.

Thế nhưng, một số phương tiện truyền thông trước đó đã nhầm tưởng Công ty D&T là công ty thứ cấp, công ty con của Tập đoàn Bảo Sơn nên đã đưa tin thất thiệt. Ví dụ như họ dùng cụm từ "vụ lừa đảo của nhà đầu tư thứ cấp của Tập đoàn Bảo Sơn" cách gán ghép Công ty D&T là của Tập đoàn Bảo Sơn thật tai hại, đã làm cho độc giả hiểu nhầm vụ lừa đảo của Công ty D&T là của Bảo Sơn.

Mặc dù đã được các phương tiện thông tin đại chúng cải chính, song theo như ông Nguyễn Trường Sơn cho biết thì rắc rối mà vì sự vô tình, vô tâm, thiếu tinh thần trách nhiệm trong đưa tin, một số công ty truyền thông đã gây họa cho Tập đoàn Bảo Sơn. Rắc rối này thực sự là đã ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, uy tín và thiệt hại kinh tế đối với Tập đoàn Bảo Sơn. Điều đó làm cho ông rất mệt mỏi và buồn, nhưng ông vẫn phải đấu tranh đến cùng để lấy lại những danh dự và thiệt hại.

Ông vừa hoàn tất các thủ tục pháp lý để khởi kiện một công ty truyền thông đã đưa tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng làm ảnh hưởng đến Tập đoàn Bảo Sơn và khởi kiện người đưa tin thất thiệt kể cả một số nạn nhân trong vụ mua bán đất với bà Trần Thị Hồng Hạnh đã có những hành động khủng bố khách sạn Bảo Sơn trong thời gian qua.

Mọi việc gần như đã được minh chứng Tập đoàn Bảo Sơn vô can trong vụ thế chấp 47 lô đất biệt thự đã được bán của bà Trần Thị Hồng Hạnh, thế nhưng những dư chấn buồn thì vẫn đang bám riết lấy con người dám nghĩ dám làm, quyết liệt và đầy lòng tự trọng của ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn.

Hà Nội đã vào đêm. Khách sạn Bảo Sơn nhộn nhịp hơn bởi những đoàn khách nước ngoài vừa sang Bảo Sơn tổ chức hội nghị. Khép lại căn phòng làm việc, ông chủ của khách sạn Bảo Sơn lặng lẽ rời văn phòng để trở về nhà. Người đàn ông thành đạt nhưng gặp nhiều gian truân trong cuộc đời và sự nghiệp này có một cuộc đời riêng cũng không mấy suôn sẻ.

Vợ đầu mất vì mắc bệnh hiểm nghèo năm bà mới 36 tuổi, để lại cho ông 2 con gái nhỏ và một nỗi đau mất mát điếng người. Mười năm sau đủ để  thời gian xoa dịu vết thương, đủ để các con đã lớn và ông tìm được cho mình một hạnh phúc mới.

Sau những lầm lẫn, bất trắc, cuối cùng ông cũng tìm được bến đỗ bình yên cho cuộc đời mình. Ông đã và đang sống hạnh phúc với một người đàn bà hiền dịu. Họ có với nhau một con trai 6 tuổi và giờ đây, bà đã rời cơ quan Nhà nước trở về bên ông, chung tay xây dựng và quản lý cho công việc kinh doanh của Tập đoàn Bảo Sơn.

Ông nói, nếu không có rắc rối vừa mới đây thì cuộc đời ông lẽ ra đã bình yên và thanh thản từ cách đây 6 năm rồi, vì Tập đoàn Bảo Sơn đã lớn mạnh, gặt hái được bao nhiêu thành quả.

Từ 2 bàn tay trắng ông đã gây dựng nên một tập đoàn kinh tế hùng mạnh hàng đầu Việt Nam kinh doanh đa ngành với 10  công ty thành viên hoạt động chuyên nghiệp trên nhiều lĩnh vực: khách sạn, du lịch lữ hành, đầu tư bất động sản và các dịch vụ hỗ trợ khác. Cả 10 công ty đều làm ăn có lãi, trong đó Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn là một điển hình của sự thành công về tinh thần dám nghĩ dám làm.

Tập đoàn Bảo Sơn đã đầu tư một ngàn bảy trăm tỷ đồng vào đây mà không phải vay vốn ngân hàng. Các con gái của ông giờ đã đủ sức để đảm đương chèo lái con thuyền kinh tế của gia đình. Ông nói vậy và cười. Giờ đây mối quan tâm lớn nhất của ông là hướng Tập đoàn Bảo Sơn trở thành một đơn vị làm công tác từ thiện mạnh nhất, thiết thực nhất.

Những năm gần đây, Tập đoàn Bảo Sơn dành ra mỗi năm khoảng 10 tỷ để làm từ thiện nhưng không bao giờ tuyên truyền quảng bá. Ông đã sáng lập ra Quỹ Bảo Sơn nhằm hỗ trợ giáo dục đào tạo Nhật Bản - Việt Nam với mục đích tài trợ, giúp các em học sinh nghèo vượt khó, các giáo viên, học sinh Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản và ngược lại.

Hàng năm Quỹ dành khoảng hàng chục ngàn USD cho các suất học bổng và các chương trình tài trợ khác. Khát vọng mà ông hướng tới là Quỹ Bảo Sơn sẽ trở thành một quỹ lớn của quốc gia chứ không còn riêng của Tập đoàn Bảo Sơn. Trong tương lai, mỗi năm Quỹ dành ra vài triệu USD để trao giải thưởng cho những người có đóng góp lớn cho nền giáo dục Việt Nam và cho việc xóa đói giảm nghèo

Khánh Thy
.
.