Triệu tập hàng chục đối tượng liên quan đến đường dây làm giả 3 triệu cuốn sách

Thứ Bảy, 19/06/2021, 19:38
Ngày 19/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã triệu tập hơn 10 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ 3 triệu cuốn sách giáo khoa giả trên để làm rõ hành vi phạm tội.

Trưa 19/6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục CSKT), Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành việc kiểm kê, đóng gói, vận chuyển tang vật vụ sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục CSKT cho biết, đây là vụ in sách giáo khoa giả tinh vi và quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả này được CBCS Cục CSKT phát hiện từ 1 năm trước, nhưng do thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, hoạt động riêng rẽ từng khâu từ nhập giấy, đến in ấn, cắt xén, đóng gói, dán tem giả… rồi phát hành tiêu thụ nên việc xử lý các đối tượng này rất khó khăn.

Để sản phẩm trông giống như thật, các đối tượng còn có cả tem giả. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, chúng tự phân công mỗi 1 khâu là 1 doanh nghiệp điều hành với quy mô hiện đại, chặt chẽ. Sau khi in, chúng chuyển đi đóng sách, đóng bìa ở những khu vực khác nhau, có hệ thống vận tải, tiêu thụ riêng biệt nên rất khó xâm nhập vào. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, các đối tượng thuê kho ở khu vực kín đáo để tránh bị phát hiện.

Sau khi có đủ tài liệu, chứng cứ, ngày 18/6, CBCS Cục CSKT phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đồng loạt triển khai khám xét khẩn cấp tại 19 địa điểm, 2 văn phòng công ty, xưởng in, xưởng gia công và 15 kho hàng nằm rải rác trên địa bàn Hà Nội. 

Kết quả khám xét bước đầu cơ quan chức năng đã thu giữ, niêm phong nhiều đồ vật, tài liệu, phương tiện phạm tội của các đối tượng gồm 3 dây chuyền máy in offset 4 màu và các loại máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách... Ngoài ra, cơ quan chức năng còn thu giữ hàng triệu cuốn sách sách giáo khoa thành phẩm giả, nhiều phương tiện, sổ sách, chứng từ kế toán liên quan đến việc sản xuất, mua bán, tiêu thụ sách giả…

Được biết, các đối tượng trong đường dây đã thành lập 2 công ty là Công ty CP In và văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (Hà Nội).

Công ty In và văn hoá truyền thông Hà Nội do Hoàng Mạnh Chiến (SN 1982, trú ở cụm 3, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) làm Giám đốc; Nguyễn Mạnh Hà (SN 1972, trú ở ngõ 153 Thanh Nhàn, phường Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm Phó Giám đốc. Công ty này có dây chuyền sản xuất công nghiệp rất hiện đại, quy mô lớn, có quy trình nhập giấy, nguyên liệu riêng rẽ sau đó in ấn rồi chuyển đi đóng gói.

CBCS Cục CSKT và các đơn vị chức năng khám xét các kho sách sách giả tại các kho của Cao Thị Minh Thuận

Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận (SN 1979, trú ở ngõ 1141 Giải Phóng, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) làm Giám đốc có nhiệm vụ vận chuyển, tiêu thụ trên nhiều địa bàn cả nước. Công ty của Thuận thuê nhiều kho bãi ở nhiều địa điểm khác nhau để tránh bị phát hiện. Thuận cũng có hẳn một đội xe tải vận chuyển riêng để chở hàng đến các tỉnh.

Chính vì vậy, khi phát hiện có việc bán SGK giả, CBCS Cục CSKT còn phải lần tìm, chắp nối, xâu chuỗi các hoạt động, từ đó mới lần ra mối quan hệ và tổ chức đấu tranh, triệt phá.

Đối tượng tiêu thụ sách giả của đường dây này là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh… Kết quả điều tra bước đầu, lực lượng chức năng xác định các đối tượng đã sản xuất, tiêu thụ khoảng 3 triệu cuốn sách, lợi nhuận thu được từ số sách giả này khoảng 50 tỉ đồng. 

Ngày 19/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã triệu tập hơn 10 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả trên để làm rõ hành vi phạm tội. Trong các đối tượng bị triệu tập có 3 lãnh đạo chủ chốt của 2 công ty gồm Hoàng Mạnh Chiến; Nguyễn Mạnh Hà và Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát.

Phương Thuỷ
.
.
.