300 ngày lưu lạc vì chiếc "bánh vẽ" nơi xứ người

Thứ Tư, 27/01/2016, 10:03
Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Phú Thọ quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong vụ án xảy ra tại xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Vụ án liên quan đến nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Trần Thị Thắng cùng con trai lừa đảo 29 người chiếm đoạt 2,6 tỷ đồng…


Nhiều tháng đã trôi qua, nhưng chuỗi ngày lưu lạc nơi đất khách, quê người vẫn ám ảnh vợ chồng chị Vũ Thị Hồng Hạnh và anh Trần Quốc Hoàn (cùng ở khu 1, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao). Gặp chúng tôi, chị Hạnh kể lại: “Năm 2014, tai họa liên tiếp ập xuống gia đình chị… Trong khi tiền chữa trị bệnh cho chồng chưa trả nợ hết, lại bị mẹ con bà Trần Thị Thắng lừa đảo một khoản tiền lớn”. 

Chị Hạnh cho biết, bà Thắng với gia đình chị Hạnh vốn là chỗ họ hàng thân thích. Khoảng năm 2014, chồng Hạnh bị tai nạn giao thông, bà Thắng đã đến chơi, hỏi thăm sức khỏe. Trong câu chuyện xã giao, bà Thắng tỏ ý thương cảm với hoàn cảnh của vợ chồng chị Hạnh, anh Hoàn… Bà gợi ý cho vợ chồng họ sang Cộng hòa Síp làm ăn cùng vợ chồng con trai bà ta là Nguyễn Mạnh Cường (SN 1981, cùng trú tại địa chỉ trên). 

Theo lời của bà Thắng thì đi làm ở các công ty; có hợp đồng lao động; mỗi tháng một người có thể kiếm được từ 15 đến 17 triệu đồng. Bà Thắng còn hứa hẹn rằng, chị Hạnh có nghề thợ may vì thế sẽ dễ dàng có việc làm thêm, cải thiện cuộc sống… Chị Hạnh và chồng trong lúc túng quẫn, muốn có tiền để ổn định cuộc sống, nuôi các con ăn học nên đã tin vào những lời hứa của nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn. 

Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ thực hiện lệnh bắt giữ Thắng.

Để có khoản tiền hơn 200 triệu đồng nộp cho bà Thắng, chị Hạnh và chồng đã cắm bìa đỏ của gia đình vay 70 triệu đồng; rồi thông qua người quen vay thêm ở bên ngoài, nộp cho bà Thắng tổng cộng là 240 triệu đồng.

Sau khi nhận tiền, bà Thắng bất ngờ cho biết, công ty may chưa tuyển người nên trước mắt vợ chồng chị sang bên đó làm vườn, công việc chỉ là cắt tỉa lá cà chua và tưới cây… Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, chị Hạnh bức xúc kể: “Sau nhiều tháng chờ đợi, vợ chồng tôi cùng một số người khác khi sang đến Cộng hòa Síp, phải ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ thì có một người phụ nữ và một người nước ngoài là bạn Cường đến đón…”. 

Ông chủ người nước ngoài bảo 4 người lên xe ôtô, trong đó có vợ chồng chị Hạnh. Người này, không đi đường chính mà điều khiển xe ôtô đi qua hoang mạc. Chị Hạnh thắc mắc thì người phụ nữ này nói rằng trên xe chở quá người quy định nên phải đi đường vòng, tránh sự phát hiện của Cảnh sát… Gần một giờ đi xe, đoàn người lao động được đưa đến một trang trại, xung quanh không có một nóc nhà và những người qua lại. 

Những lao động này phải làm việc từ 13-14 giờ một ngày; bữa trưa được nghỉ một tiếng và được ăn lót dạ bằng một chiếc bánh mỳ; toàn bộ giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ chiếu đều bị thu sạch. Theo lời kể của chị Hạnh thì họ và những người khác cũng phải làm đủ mọi việc để sống từ bón phân đến chăn dê, chăn cừu nhưng không được trả một đồng lương và cũng không có bất kỳ một hợp đồng lao động nào. 

Trong tình cảnh ấy, họ liên hệ về nước gặp bà Thắng, yêu cầu đưa về nước. Bà Thắng lên nhà của bố mẹ chị Hạnh, động viên vợ chồng họ ở lại thêm 6 tháng rồi sẽ chuyển công việc. Để làm tin, Thắng đã trả tiền cho hai vợ chồng chị Hạnh, Hoàn là 46 triệu đồng tiền lương… Nhưng số lao động trên không nhìn thấy tương lai sáng sủa, họ còn bị cách biệt tại một trang trại trồng cam, nên đã nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp để trở về nước bằng con đường ngoại giao, sau 9 tháng lưu lạc nơi đất khách quê người.

Sau khi về nước, vợ chồng Hạnh cùng một số công dân khác đã làm đến đến UBND và Công an huyện Lâm Thao trình báo. Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ vào cuộc. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 6-5-2015, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trần Thị Thắng; Nguyễn Mạnh Cường (SN 1981 đều trú tại Thạch Sơn) và Trần Thị Hà (SN 1985, ở xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Song vào thời điểm đó, các bị can đều bỏ trốn khỏi địa phương. 

Ngày 8-5-2015, Cơ quan ANĐT bắt giữ Thắng khi đang lẩn trốn tại khu đô thị Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội); ngày 10-6-2015 đã bắt Trần Thị Hà, khi đang trốn tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Riêng đối tượng Cường, hiện trốn ở Cộng hòa Síp, cơ quan ANĐT đang phối hợp với Interpol xác minh, bắt giữ đối tượng phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án. 

Vụ án bước đầu được làm sáng tỏ: Mặc dù không có chức năng tuyển dụng, đưa người sang Cộng hòa Síp lao động, nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 4-2014 đến tháng 10-2014, bà Trần Thị Thắng đã nhận số tiền gần 2,6 tỷ đồng của 29 người để đưa số người này sang Cộng hòa Síp lao động. Trong số đó, có 11 trường hợp xuất cảnh sang Cộng hòa Sip. Tuy nhiên, điều kiện làm việc và thu nhập tại Cộng hòa Sip không như những gì mà bà Thắng và Cường từng cam kết, người lao động không được ký hợp đồng lao động, không được trả lương. Nhiều trường hợp đã phải ra trình diện với cơ quan Công an nước sở tại hoặc tìm cách liên hệ với gia đình, người thân ở trong nước nhờ can thiệp bằng con đường ngoại giao để được trở về nước…

Xuân Mai
.
.
.