Người dân nâng cao cảnh giác hình thức “vay không cần thế chấp”

Thứ Ba, 23/01/2018, 14:58
Sau khi vay nợ một thời gian, con nợ không có khả năng chi trả hoặc trả chậm thì các đối tượng đến nhà hăm doạ, dùng lời lẽ thô tục, đập phá tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản, ép con nợ phải trả tiền, gây mất ANTT.

Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Lấp Vò và TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) xuất hiện nhiều đối tượng từ nơi khác đến cho vay không cần thế chấp. 

Từ ngày 24 đến ngày 27-12-2017, chị Trần Thị Thiên Trang và anh Trần Tiến (cùng ngụ khóm 1, phường 2, TP Sa Đéc) thường xuyên bị vẽ sơn lên tường, tạt mắm, chất bẩn vào nhà. Đối tượng Đoàn Đức Tâm (28 tuổi, ngụ phường 4, TP Sa Đéc) thường xuyên nhắn tin, điện thoại đòi nợ. Trung tá Nguyễn Thành Hương, Đội Trưởng đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế, ma tuý Công an TP Sa Đéc cho biết: qua kết quả điều tra, từ tháng 3 đến tháng 7-2017, Trần Tuấn (em ruột Trần Tiến) tham gia cá cược bóng đá với một người tên Cường qua mạng thua 700 triệu đồng. Sau khi thoả thuận, Tiến trả cho Cường 200 triệu là xong, phần còn nợ 500 triệu Cường không lấy.

Vì Tâm và Cường có quen biết nhau nên khi phát hiện Tuấn còn nợ Cường 500 triệu, Tâm lợi dụng việc này điện thoại, nhắn tin nhiều lần yêu cầu anh Tiến phải trả tiếp số tiền còn lại. Anh Tiến không đồng ý nên Tâm dùng sơn, mắm thối tạt vào nhà để gây áp lực. Chị Trần Thị Thiên Trang, em ruột anh Trần Tiến cho biết: khi vụ việc được cơ quan điều tra làm rõ, gia đình mới có thể yên ổn mở cửa kinh doanh, buôn bán. “Nó (ý nói Tâm) cứ gây áp lực, hăm doạ nó có chết thì mình cũng chết luôn”, em anh Tiến nói.

Thượng tá Lê Hoàng Dũng, Phó Trưởng Công an huyện Lấp Vò cho biết, hiện nay thủ đoạn của các đối tượng cho vay lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, tạo mọi điều kiện tiếp xúc với người cần vay tiền như: dán tờ rơi ở các khu dân cư, chợ, nơi đông người với nội dung cho vay không thế chấp, nhận tiền ngay, lãi suất không phần trăm kèm theo số điện thoại để liên lạc. Khi tiếp cận được người vay, bọn chúng làm hợp đồng mua bán hàng như điện máy, điện thoại trả góp với lãi suất không phần trăm. Nhưng trên thực tế, đối tượng cho vay và người vay thoả thuận miệng với người vay vế số lần trả góp và lãi suất nhằm tránh sự phát hiện xử lý của lực lượng Công an về hành vi cho vay nặng lãi. Các trường hợp vi phạm, cơ quan Công an đã mời làm việc và xử lý theo quy định.

Hình ảnh, nhà cửa người dân bị tạt sơn doạ. 

Theo cơ quan điều tra, các vụ việc được phát hiện xử lý chỉ là con số nhỏ, bởi hiện nay hình thức này đang tiềm ẩn, diễn biến rất phức tạp. Mới đây, 9h ngày 12-1, Bùi Thanh Sang (46 tuổi, ngụ huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đến nhà chị Đỗ Thị Thanh Thuý (ngụ thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò) đòi tiền vay. Chị Thuý có vay của Sang 3 triệu đồng đã trả góp và đóng lãi hàng ngày, đến nay chỉ còn 600.000 đồng nhưng chị Thuý chậm trả. Sang đến nhà không gặp chị Thuý đã cầm mảng hồ ximăng khô ném vào cửa sổ, làm màn hình tivi bị vỡ.

Thượng tá Lê Hoàng Dũng, Phó Trưởng Công an huyện Lấp Vò khuyến cáo: người dân cảnh giác với những chiêu trò cho vay tiền không cần thế chấp do các đối tượng đưa ra. Những loại hình dịch vụ này, không có sự quản lý và chấp thuận của Nhà nước, đây cũng gọi là dạng tín dụng đen. Người dân vay tiền nếu không đúng kỳ, chậm trả thì các đối tượng dùng vũ lực hoặc là dùng những cái biện pháp trái pháp luật để gây sức ép buộc phải trả nợ.

Ngọc Hân
.
.
.