Mất hàng trăm triệu đồng vì những tên trộm 'cổ cồn trắng'

Chủ Nhật, 06/12/2015, 08:25
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, không chỉ tăng về số lượng, loại tội phạm, người phạm tội mà tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thể hiện bằng nhiều hình thức phạm tội khác nhau.

Trong đó, đáng chú ý, là lợi dụng sơ hở của nhiều người, các công ty trong việc quản lý thẻ, mật khẩu tài khoản... nhiều đối tượng xấu, cài phần mềm gián điệp để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Lấy lý do thực hiện đề tài "Khảo sát, tìm hiểu các thẻ tín dụng ngân hàng", đối tượng Nguyễn Hoàng Vũ nhờ Lưu Thị Mỹ (nhân viên thu ngân của một hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh cung cấp thông tin thẻ visa của khách hàng sử dụng thanh toán tại hệ thống này. Sau khi có được mã số 12 thẻ visa, Vũ đăng ký, quản lý, sử dụng 5 tài khoản game và sử dụng thông tin tài khoản thẻ visa có được để nạp tiền vào các tài khoản game, từ tiền thật chuyển thành tiền ảo để sử dụng trong game, chiếm đoạt được gần 36 triệu đồng của các ngân hàng quản lý thẻ.

Một băng nhóm sử dụng công nghệ cao lừa đảo bị TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử trong năm 2015.

Là nhân viên kỹ thuật của cửa hàng điện thoại B.L, quận 1 (TP Hồ Chí Minh), khi cài đặt, nâng cấp phần mềm iPad cho khách hàng N.T.T., Đỗ Nguyễn Nhật Minh đã sao lưu dữ liệu trong máy iPad của khách hàng này vào máy tính của mình và phát hiện thông tin tài khoản và khóa tài khoản icloud của khách hàng đang sử dụng. Với ý đồ xấu, Minh đã đổi mật khẩu và khóa tài khoản icloud của khách hàng, sau đó yêu cầu khách hàng phải chuyển cho mình 3 triệu đồng mới mở khóa tài khoản.

Hồ Hồng Hoàng Thủy đã sử dụng phần mềm gián điệp để đánh cắp thông tin mình cần sau đó chiếm đoạt tiền của công ty. Theo hồ sơ vụ việc, Thủy là nhân viên của cửa hàng H. tại TP Hồ Chí Minh. Do muốn có công thức pha chế cà phê, sinh tố của cửa hàng, Thủy đã lên mạng tìm hiểu phần mềm gián điệp Ardamax key logger cài vào laptop của cửa hàng. Chức năng của phần mềm này là ghi lại thao tác bàn phím, chụp ảnh màn hình máy tính, người sử dụng. Khi máy tính kết nối với Internet, các thông tin này sẽ tự động chuyển về email mà Thủy thiết lập. Qua đó, Thủy đã lấy được thông tin mật khẩu tài khoản thuộc ví điện tử payoo của cửa hàng nói trên, sau đó sử dụng Internet chuyển tiền qua nhiều ví và tài khoản khác nhau do Thủy lập ra chiếm đoạt hơn 17 triệu đồng của cửa hàng.

Ngoài các thủ đoạn trên, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý của nhiều công ty, trường học, nhiều đối tượng xấu đã đột nhập vào hệ thống máy tính của những nơi này để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Mới đây, cơ quan điều tra đã điều tra Lê Thị Phương Thảo, nhân viên thu hồi nợ của trung tâm thẻ một ngân hàng đã lợi dụng nhiệm vụ nhận thông tin của khách hàng chấm dứt sử dụng thẻ tín dụng thanh toán nhưng không báo về trung tâm mà tự thay đổi các thông tin chủ thẻ, rồi dùng các thẻ mới được cấp lại để mua hàng hóa chiếm đoạt của ngân hàng hơn 380 triệu đồng.

 Là cán bộ giáo vụ khoa công nghệ thông tin một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh, được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý 2 máy chủ của khoa, Nguyễn Ngọc Phượng đã cài đặt phần mềm teamviewer (phần mềm điều khiển và sử dụng từ xa) để quản lý, điều hành các hoạt động của khoa. Trong thời gian nằm viện, Phượng mượn máy tính của Phạm Hoàng Xuân Chiến để đăng nhập vào phần mềm quản lý của khoa. Phượng đã cung cấp password (thông tin mật mã) của khoa cho Chiến để người này thực hiện kết nối vào máy tính của khoa. Đối với 2 máy chủ của khoa, Phượng để máy tính chủ ở chế độ làm việc để các giáo viên sử dụng nhập điểm cho sinh viên vào buổi tối. Lợi dụng việc biết mật khẩu, Chiến đã đăng nhập bất hợp pháp vào máy chủ sửa điểm cho 30 sinh viên với giá từ 700 đến 1,5 triệu đồng/lần.

 Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng là do công tác quản lý về quản trị mạng Internet, công nghệ thông tin, mạng máy tính, giao dịch ngân hàng của nhiều nơi chưa chặt chẽ. Tính an toàn, bảo mật của nhiều cơ quan, doanh nghiệp cá nhân còn sơ hở. Trong khi đặc thù của tội phạm sử dụng công nghệ cao là sử dụng công cụ, phương tiện khoa học hiện đại, có sự nghiên cứu, nắm vững các hoạt động và lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của các cơ quan, xí nghiệp, cá nhân... để thực hiện hành vi phạm tội. Trong một số lĩnh vực như tài chính, tín dụng, chứng khoán... quy trình đăng ký mở tài khoản, mở thẻ tín dụng, quản lý tài khoản và các giao dịch còn nhiều kẽ hở, nhân viên giao dịch chưa thực hiện đúng quy trình hoặc nhân viên trực tiếp thực hiện hoặc câu kết với các đối tượng bên ngoài để thực hiện hành vi phạm tội.

Để ngăn ngừa loại tội phạm này, VKS khuyến cáo người dân, các công ty, trường học cần nâng cao tính cảnh giác, tăng cường công tác quản lý, bảo mật dữ liệu thông tin, lựa chọn hình thức giao dịch có độ an toàn cao, đề cao cảnh giác để phát hiện những biểu hiện bất thường trong giao dịch qua hộp thư điện tử, nếu có thay đổi trong ngôn ngữ giao dịch, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ thanh toán cần kiểm tra lại độ an toàn của hộp thư điện tử...

A.Huy
.
.
.