Ngăn chặn đầu ra của đồ gian: Luật đã có nhưng khó thực thi (bài cuối)

Thứ Sáu, 01/04/2016, 09:12
Tại TP Hồ Chí Minh, tội phạm xâm hại tài sản (trộm cắp, cướp giật, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản...) chiếm tỉ lệ hơn 80% số vụ phạm pháp hình sự nhưng số vụ án “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” chỉ chiếm một phần nhỏ. Điều này cho thấy việc xử lý kẻ tiêu thụ đồ gian còn rất nhiều bất cập. Vì sao?


Phần lớn những kẻ tiêu thụ đồ gian bị bắt giữ là do mua bán xe gắn máy của bọn trộm, cướp. Vì đây là loại tài sản khi giao dịch phải chứng minh chủ sở hữu nên chuyện mua xe không giấy tờ với giá rẻ đã thể hiện rõ ý thức của người mua biết chúng là đồ gian.

Cho nên phần lớn đối tượng bị bắt về hành vi “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là do mua bán xe gian. Ngược lại, các tiệm vàng, cửa hàng, tiệm cầm đồ… khi bị tố mua đồ gian như dây chuyền bị đứt, ĐTDĐ, laptop… mà họ không thừa nhận thì coi như… huề cả làng!

Trong bài viết trước chúng tôi có đề cập việc các cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt hành chính nhiều cửa hàng mua bán phụ tùng xe gắn máy, phụ tùng ôtô, cửa hàng kinh doanh mua bán đồ cũ… nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy. Lý do là việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc được xử lý theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, có mức xử phạt hành chính từ 200 ngàn đến 40 triệu đồng tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm. Với mức phạt này chẳng thấm vào đâu so với nguồn thu nhập bất chính mà họ có được.

Kiểm tra chợ Tân Thành, thu giữ phụ tùng xe gắn máy không rõ nguồn gốc.

Như trong đường dây trộm và tiêu thụ đồ gian do Nguyễn Văn Ôi (tự Sáu "đen", 47 tuổi, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh; có 4 tiền án và 3 tiền sự liên quan đến trộm cắp) cầm đầu. Bọn trộm sau khi lấy cắp “bộ não” của xe Mercedes Sprinter (tức toàn bộ phần điều khiển xe) có giá trên dưới 200 triệu đồng nhưng mang bán cho cửa hàng chỉ khoảng 30-40 triệu đồng. Cửa hàng bán lại giá gấp đôi.

Từ khi hành nghề cho đến lúc bị bắt, Ôi đã trộm được tổng cộng 34 “bộ não”, bán được hơn 1 tỷ đồng. Đó cũng là ngần ấy số tiền thu lợi bất chính của chủ cửa hàng. Nếu chẳng may cửa hàng bị kiểm tra thì cũng chỉ bị xử phạt tối đa bằng…1 “bộ não”! Vậy thì làm sao họ “ngán”?

Cũng theo quy định của pháp luật khi xem xét vụ việc hành chính có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Muốn vậy cơ quan kiểm tra (UBND, Quản lý thị trường… các cấp) phải truy nguồn gốc của hàng hóa.

Tuy nhiên công việc này chẳng dễ dàng gì vì người vi phạm giở chiêu “mua của người không rõ lai lịch” thế là xong. Nếu pháp luật quy định người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hình sự như buôn bán hàng giả, hàng cấm thì có lẽ chuyện mua hàng gian sẽ giảm đáng kể. 

Cũng với mục đích ngăn chặn  đầu ra của đồ gian, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào ngày 1-3 vừa qua, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, các đối tượng trộm cắp, cướp giật thường nhắm vào tài sản phổ biến như điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad... mà những thiết bị này đều có số IMEI (số nhận dạng thiết bị di động quốc tế).

Do đó, Thiếu tướng Phan Anh Minh đề xuất, Công an TP sẽ thu thập những số liệu này từ trình báo mất cắp của các nạn nhân, rồi chuyển qua Sở Thông tin và Truyền thông. Từ số liệu này, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các nhà mạng chặn không cho các thiết bị này sử dụng với bất cứ SIM di động nào.

Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định, nếu làm được điều này thì tội phạm trộm, cướp sẽ giảm 50%. Ngay sau đó, Sở Thông tin và truyền thông đã có buổi làm việc với Công an TP Hồ Chí Minh để bàn giải pháp này. Hai bên thống nhất, sau khi xác thực IMEI của thiết bị di động đã bị mất, cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ tập hợp thành danh sách và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động chặn dịch vụ nghe, gọi, 3G từ các thiết bị này. Khi chủ sở hữu tìm lại được thiết bị, IMEI sẽ được xóa khỏi danh sách và thiết bị được sử dụng bình thường.

Tuy nhiên, theo Luật Viễn thông và các nghị định hướng dẫn, chưa có quy định người sử dụng thiết bị di động phải khai báo IMEI máy để doanh nghiệp viễn thông định danh thiết bị trước khi cung cấp SIM. Đặc biệt, cũng như chưa quy định doanh nghiệp viễn thông được phép ngăn chặn IMEI, vô hiệu hóa thiết bị di động. Vì vậy mà hai bên sẽ phối hợp kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an ban hành thông tư liên tịch hoặc quyết định liên quan cho phép triển khai phương án kỹ thuật ngăn chặn IMEI thiết bị di động thì mới có thể thực thi được.

Về những vi phạm trong hoạt động cầm đồ hiện nay được xử lý theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó quy định, nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu nhưng không có các loại giấy tờ đó; nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định; bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền… thì bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.

Trong trường hợp cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 6-9 tháng. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, chủ cơ sở cầm đồ chẳng bao giờ chịu nhận mình cầm cố đồ gian, vì vậy mà tội phạm vẫn có đất sống.

Mã Hải
.
.
.