Tội phạm ẩn danh và những cú lừa bạc tỷ

Làm sao để tránh bẫy của tội phạm ẩn danh (kỳ cuối)

Chủ Nhật, 25/12/2016, 08:56
Phát hiện chuyện lừa đảo chiếm đoạt qua mạng giống như “mảnh đất” màu mỡ, nhiều đối tượng người nước ngoài đã xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua nhiều vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao, bị lực lượng Công an khám phá thời gian vừa qua, đều có sự câu kết “chân trong, chân ngoài” của tội phạm người Việt.

Chị N.T.N. (ngụ huyện Châu Thành, Tây Ninh) kể, nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ từ nước ngoài thông báo rằng chị được một người bạn trai ở nước ngoài gửi quà về, ban đầu chị nghĩ người gọi đã nhầm số nhưng khi người đầu dây bên kia đọc đúng tên, địa chỉ của chị, chị lại nghĩ đến một người bạn mà chị kết bạn trên mạng xã hội.

Trong lúc còn bán tín, bán nghi thì chị lại nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại khác cho biết món quà của chị đã về đến Malaysia nhưng bị vướng một số thủ tục pháp lý nên chưa thể gửi về Việt Nam theo đúng lịch trình.

Cơ quan điều tra Công an Tây Ninh ghi nhận lời trình báo của một nạn nhân.

Mấy ngày sau, chị lại nhận được cuộc gọi xưng là “nhân viên hải quan” tại một sân bay quốc tế yêu cầu chị gửi tiền vào tài khoản chỉ định đóng phí vận chuyển, hải quan. Trước khi cúp máy, người này còn lập lại điều kiện: “Nếu chị không chuyển đầy đủ, đúng hạn khoản phí này, hàng sẽ bị tịch thu hoặc chuyển trả cho người gửi”.

Vẫn theo lời chị N., ban đầu, “phía hải quan” yêu cầu gửi 12 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng và hẹn chắc khoảng 2 ngày sau thì quà sẽ đến. Thế nhưng đến ngày hẹn, không thấy quà chuyển tới, chị gọi điện thắc mắc thì nhận được thông báo: “Phát sinh thủ tục pháp lý”, cụ thể là phát hiện trong kiện hàng có rất nhiều điện thoại iPhone, nước hoa, mỹ phẩm đắt tiền, trị giá lên tới tiền tỷ nên yêu cầu chị phải lo “tiêu cực phí”, bằng không toàn bộ lô hàng chắc chắc sẽ bị tịch thu.

Không có đủ tiền, chị N. chạy tìm bạn bè, người thân gom góp, để chuyển. Và tổng số tiền mà chị N. chuyển để hoàn tất thủ tục nhận quà lên gần 200 triệu đồng. Và đến đây thì mọi liên lạc bị cắt đứt.

Theo Công an tỉnh Tây Ninh, tháng 4-2016, sau khi bị bắt, đối tượng Nguyễn Thị Thùy Trang (29 tuổi, ngụ ấp Bàu Tép, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh) mới khai nhận để “sập bẫy” được chị N, thị ta đã móc nối với những người đàn ông nước ngoài gốc châu Phi tạo ra các nick name tên nước ngoài.

Nhóm này giả là doanh nhân giàu có để kết bạn với phụ nữ Việt Nam qua mạng xã hội facebook, skype. Sau đó, các đối tượng gửi tin nhắn hứa hẹn tình cảm với nạn nhân. Để làm tin, đối tượng hứa gửi về Việt Nam những thùng hàng bên trong có nhiều tài sản có giá trị; hoặc điện thoại cho nạn nhân thông báo có người thân gửi tiền.

Chỉ riêng tại Tây Ninh, Trang đã mở 4 tài khoản ở nhiều ngân hàng, đồng thời móc nối với Huỳnh Thị Ngọc Phương (22 tuổi, ngụ xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) làm thêm 11 thẻ ATM, visa khác. Khi nạn nhân tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản, đối tượng nhanh chóng rút tiền, chia nhau tiêu xài. Nhóm này đã lừa hơn 80 nạn nhân, trong đó có chị N, chiếm đoạt tổng cộng gần 15 tỷ đồng và gần 24.000 USD.

Thực tế, Cục C50 từng cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo thường được tội phạm sử dụng trên mạng xã hội để người dân nhận diện, cảnh giác. Thế nhưng, số người bị “sập bẫy” không có dấu hiệu chững lại mà ngày càng tăng một cách đáng ngại. Nạn nhân bị “bẫy” không phải chỉ còn là những người ít học, ở thôn quê mà ngược lại, có rất nhiều trường hợp sống ở thành thị, có học hành đàng hoàng, thậm chí có trường hợp là tiến sĩ, giỏi ngoại ngữ,…

Qua chủ động phối hợp triệt phá nhiều vụ án thời gian vừa qua tại các tỉnh, thành phía Nam, lãnh đạo Cục C50 nhận diện: Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với cùng một phương thức, thủ đoạn.

Trước hết, đối tượng sử dụng các thủ đoạn để chiếm đoạt được tài khoản thư điện tử, tài khoản mạng xã hội bằng 2 cách: Một là thử dò tìm mật khẩu tài khoản mạng xã hội ngẫu nhiên dựa trên các thông tin mà chủ tài khoản đăng ký khi lập tài khoản và các thông tin công khai trên mạng internet của người đó.

Hai là, đối tượng tạo một đường link với nội dung kích thích sự tò mò của người khác, yêu cầu cung cấp tên, mật khẩu tài khoản email, facebook... để đăng nhập vào xem và gửi (gửi ngẫu nhiên) đường link này qua cửa sổ chát facebook đến các hộp thư điện tử facebook có sẵn trên mạng internet.

Hai đối tượng Micheal IkeChukwu Leonard và Huỳnh Hạ Bình tại cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ.

Nếu chủ nhân các tài khoản nhận được đường link đó do vô tình hoặc cố ý đăng nhập vào thì tất cả thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản facebook sẽ được chuyển về hộp thư điện tử của đối tượng. thông tin đó được đối tượng sử dụng để đăng nhập và đổi ngay mật khẩu truy cập của các facebook nhằm chiếm đoạt tài khoản này.

Sau khi “hack” được tài khoản facebook, đối tượng đăng nhập bằng tên và mật khẩu chiếm đoạt được, soạn tin gửi đến người thân, bạn bè của những người có tài khoản bị chiếm đoạt. Bằng việc giả mạo người có tài khoản bị chiếm đoạt, đối tượng thông báo nội dung người này đang trong tình huống khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống hoặc cơ hội, nhu cầu làm ăn nào đó; đề nghị người thân, bạn bè trợ giúp bằng việc gửi một số tiền vào một tài khoản nhất định hoặc nhờ mua và nhắn tin lại mã nạp tiền điện thoại.

Thông thường các đối tượng này thường chiếm đoạt thư điện tử, tài khoản mạng xã hội của người Việt Nam đang sinh sống hoặc làm việc ở nước ngoài, sau đó chát với người thân của họ ở Việt Nam và lợi dụng lòng tin của những người này yêu cầu mua thẻ điện thoại với nhiều lý do, trong đó có cả lý do “ở nước ngoài thẻ cào điện thoại mệnh giá 100.000 đồng sẽ bán được với giá từ 15 USD đến 20 USD, tiền bán được thẻ cào điện thoại sẽ chia đôi”.

Bên cạnh đó, hiện xuất hiện thêm thủ đoạn mới để lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào: Các đối tượng lập ra một trang web với nội dung “khách hàng nạp thẻ cào vào trang web này sẽ được nhân đôi tài khoản”. Các đối tượng đã gửi trang web này đến người dùng facebook, do tin tưởng nên nhiều cá nhân đã mua thẻ cào điện thoại sau đó nạp vào trang web do đối tượng lập và bị chiếm đoạt toàn bộ các thông tin thẻ nạp này.

Về nguyên nhân phát sinh của loại tội phạm này, theo Đại tá Phan  Mạnh Trường, có một số nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất, tính “ẩn danh” và phương thức hoạt động “phi truyền thống” của tội phạm sử dụng công nghệ cao làm cho các đối tượng phạm tội khó bị phát hiện. Điều đó kích thích đối tượng hoạt động phạm tội với niềm tin không thể hoặc rất khó bị phát hiện.

Thứ hai, ý thức của người sử dụng máy tính, mạng internet, mạng xã hội đối với việc đảm bảo an toàn cho thiết bị và hệ thống thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân còn chưa cao. Những thông tin rất riêng tư của bản thân cứ được công khai trên mạng.

Tiếp đó, đa số các đối tượng phạm tội là học sinh trong các trường phổ thông trung học, nhận thức pháp luật còn hạn chế, việc chiếm đoạt tài sản dễ dàng từ đó vì vụ lợi mà dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội.

Cuối cùng là công tác quản lý, giáo dục con em từ phía gia đình không chặt chẽ. Nhiều đối tượng sau khi phạm tội có rất nhiều tiền để tiêu sài cá nhân, gia đình biết nhưng không tìm hiểu lý do vì sao con em mình có tiền. Chính sự lơi lỏng và chủ quan của gia đình là nguyên nhân phát sinh loại tội phạm này…

Binh Huyền
.
.
.