Kiềm chế tội phạm mua bán người

Kỳ cuối: Phối hợp cùng quyết tâm tạo hiệu quả cao

Thứ Hai, 05/12/2016, 09:26
Theo Đại tá Trần Văn Toản, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, ngoài đẩy mạnh các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người, lực lượng chức năng cần làm tốt công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.


Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến hoạt động mua bán người với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng.

Từ năm 2011 đến nay, Hội phụ nữ các cấp đã phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyên sâu hoặc lồng ghép cho hơn 409.000 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp về công tác phòng chống mua bán người, gấp 3 lần chỉ tiêu đề ra trên phạm vi toàn quốc. 

Công an tỉnh Bến Tre phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hơn 1.370 cuộc tuyên truyền về công tác phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng, với hơn 49.400 lượt hội viên tham dự.

Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Sở Tư pháp trực tiếp tuyên truyền pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tội phạm mua bán người với hơn 230 buổi, hơn 18.500 lượt người tham dự. 

Nguyễn Thị Lệ Hoa, Ngu Weng Hie cầm đầu đường dây lừa bán phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài ở tỉnh An Giang.

Công an tỉnh Kiên Giang đã tổ chức tuyên truyền 3 phóng sự, hơn 310 diễn đàn giao lưu trực tiếp với hơn 14.400 người dân, tiếp thu 1.260 ý kiến đóng góp, hơn 2.660 cuộc họp dân với hơn 90.200 lượt người dân tham dự…

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm này, lực lượng Công an cần tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, chú trọng điều tra cơ bản tại các tuyến, địa bàn trọng điểm đã xác định. 

Công an các địa phương giáp biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý xuất nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, tổ chức tốt việc tiếp nhận nạn nhân, phân loại đối tượng, phục vụ công tác giải cứu nạn nhân bị lừa bán và xử lý, bắt giữ các đối tượng mua bán người.

Trên cơ sở các văn bản, hiệp định hợp tác song phương đã ký kết với các quốc gia; các địa phương có đường biên giới với các nước đẩy mạnh mối quan hệ, phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng, giải cứu và hồi hương nạn nhân…

Đồng thời, hợp tác với các tổ chức quốc tế về đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm mua bán người cho lực lượng đấu tranh trực tiếp đã hỗ trợ các đơn vị, địa phương; đặc biệt, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người tiếp tục được mở rộng với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực…

Đại tá Trần Văn Luận, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cũng nhìn nhận: Cuộc đấu tranh chống tội phạm này luôn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, nhận thức của một bộ phận không nhỏ dân cư ở vùng nông thôn còn thấp, trình độ hiểu biết pháp luật chưa cao, nhận thức về tình yêu, hôn nhân, gia đình chưa đúng đắn nên họ dễ mắc bẫy bọn buôn người. Mặt khác, do mặc cảm, xấu hổ khi sự việc xảy ra, nhiều nạn nhân và gia đình không trình báo vụ việc đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Thời gian qua, lực lượng Công an và các ban ngành đoàn thể đã tiến hành rất nhiều biện pháp vận động tuyên truyền, cảnh báo về những thảm cảnh cô dâu Việt Nam bị ngược đãi, hành hạ, bị lạm dụng tình dục, thậm chí bị sát hại ở nước ngoài, nhưng một số người vẫn không chịu từ bỏ giấc mộng đổi đời bằng các cuộc hôn nhân vì lợi ích vật chất. 

Do vậy, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, các đoàn thể chính quyền địa phương với lực lượng Công an trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Theo Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH: Cần thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và gia đình của họ trong quá trình tiếp nhận nạn nhân theo quy định của pháp luật. Qua thống kê của Sở LĐ-TB&XH, đã hỗ trợ cho hơn 2.220 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Nhiều địa phương đã tích cực phối hợp có hiệu quả các dự án của các tổ chức quốc tế để kiềm chế tội phạm mua bán người như: Dự án Ngôi nhà nhân ái tại Lào Cai. Tại đây, tiếp nhận, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán người trở về vào lưu trú, giáo dục kỹ năng sống, sinh hoạt ngoại khóa; tổ chức khám phụ khoa, xét nghiệm HIV tự nguyện…

Tại An Giang, địa phương đã xây dựng một số ngôi nhà tình thương cho nạn nhân do tổ chức Vòng tay Thái Bình tài trợ. Các tỉnh: Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Thanh Hóa và Quảng Bình, bằng nguồn kinh phí của nước ngoài đã hỗ trợ kế sinh nhai cho nạn nhân.

Quảng Trị đã hỗ trợ nạn nhân với các mô hình “Hỗ trợ con giống vật nuôi” và “Hỗ trợ kinh doanh nhỏ”… Tuy nhiên, số nạn nhân được xác minh, tiếp nhận chiếm tỷ lệ thấp so với nạn nhân trở về. Nhiều nạn nhân thoát ra khỏi “động quỷ” về nước qua đường mòn biên giới lẫn với số cư trú trái phép hoặc tự trở về không qua thủ tục, tiếp nhận nên chưa được xác minh là nạn nhân. Do vậy, họ cũng không được nhận các chế độ hỗ trợ của Nhà nước.

Các địa phương cần đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân trở về. Thực tế, thời gian qua một cán bộ làm kiêm nhiệm hoặc có sự thay đổi nhân sự liên tục nên quá trình nắm bắt thông tin, cập nhật số liệu về nạn nhân để hỗ trợ còn chưa kịp thời. 

Công tác tư vấn tâm lý ban đầu, đánh giá nhu cầu, tìm hiểu rõ hoàn cảnh, nhân thân nạn nhân trong các cơ sở tiếp nhận còn hạn chế khiến hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho họ chưa thật sự bền vững.

Cơ sở vật chất tại một số trung tâm còn thiếu thốn, nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên việc cung cấp thiết bị phục vụ cho hoạt động vui chơi giải trí chưa được thực hiện; có địa phương nơi lưu trú tạm thời cho nạn nhân phải tận dụng, bố trí với khu nhà ở cùng với các đối tượng xã hội khác, gây ảnh hưởng, xáo trộn đến tổ chức, hoạt động quản lý…

Đức Mừng
.
.
.