Gây án với người thân: Nguyên nhân chính vẫn là…“ngáo đá”!

Thứ Ba, 24/11/2020, 07:29
Vụ án Nguyễn Văn Nho (SN 1984) sát hại dã man chị ruột tại nhà riêng ở huyện Nhà Bè (TP HCM) vào ngày 5-11 vừa qua một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về thực trạng đáng lo ngại - gây án với người thân.

Nếu như cách đây 20 năm trở về trước, các vụ án sát hại người thân xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, say rượu, ghen tuông, tranh chấp đất đai… thì nay điểm chung nhất của kẻ thủ ác đó là nghiện ma túy đá.

Trong năm 2020, TAND TP HCM tuyên phạt tử hình 2 bị cáo  gây ra 2 vụ án chấn động dư luận, sát hại tổng cộng 7 người trong gia đình. Do nghiện ma túy đá bị ảo giác, Trương Tín (SN 1990; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) lúc nào cũng nghĩ những người thân của mình là robot muốn sát hại mình nên Tín phải “ra tay trước để trừ hậu họa”. Đêm 2/5/2019, sau khi sử dụng ma túy, Tín cự cãi với mẹ mình rồi đập phá đồ đạc và dùng 2 con dao sát hại cả 3 người thân ở cùng nhà là bà ngoại, mẹ và dì ruột của mình.

Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993; ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) sinh ra trong gia đình có hai chị em ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Từ thuở thiếu niên, Nam là một đứa trẻ hư, chơi bời lêu lổng. Đến lúc trưởng thành, y tham gia vào một vụ cướp tiệm vàng và bị kết án 11 năm tù giam. 

Cùng thời điểm này, cha Nam là ông Nguyễn Văn Đức (SN 1969) và mẹ là bà Trịnh Thị Bé Hai (tên thường gọi là Dân, SN 1965) cũng ra tòa ly dị. Bà Dân ở lại căn nhà chung, ông Đức về nhà mẹ ruột (bà Nguyễn Thị Liêng) ở xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) sinh sống. 

Tháng 6/2018, Nam ra tù. Để Nam tu chí làm ăn, gia đinh cưới vợ cho y. Nhưng do tính khí ngang tàng, chỉ sau 3 tháng chung sống, người vợ bỏ đi vì không chịu nổi những trận đòn roi của chồng. 

Chia tay vợ, Nam làm quen với chị H.N, cháu ngoại của bà Bùi Thị Nết (ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Do sử dụng ma túy lâu năm bị tàn phá hệ thần kinh nên trong đầu Nam luôn nghĩ gia đình mình và bà ngoại chị H.N đang tìm cách để ngăn cản tình yêu của mình. Từ đó, Nam âm mưu sẽ giết chết tất cả. 

Ngày 12/3/2019, sau khi giết chết bà Bùi Thị Nết ở Long An, Nam chạy về xã Tân Hiệp giết chết mẹ rồi sang Xuân Thới Thượng giết chết cha và bà nội. Tiếp đó y sang xã Tân Xuân với ý định tìm giết chị ruột của mình thì bị bắt giữ.

Sự tác hại ghê gớm của ma túy đá đến hệ thần kinh còn thể hiện rõ nét hơn ở vụ án Đặng Văn Tuấn giết chết em dâu trong căn nhà ở quận 1 từng gây chấn động dư luận. Sau khi thi hành xong 7 năm tù về tội “mua bán trái phép chất ma túy”, Tuấn về ở với em trai là Đặng Văn Thành cùng người vợ không hôn thú của Thành là Bùi Mỹ Hạnh. 

Do Thành đi làm xa, còn Tuấn và Hạnh ở nhà sử dụng ma túy nên đôi bên phát sinh tình cảm. Sau một thời gian, phát hiện ra Tuấn có thêm “người khác”, Hạnh ghen tuông đòi cho giang hồ “xử” Tuấn. Trong cơn ngáo đá, Tuấn bực tức sát hại Hạnh rồi ở cùng xác Hạnh suốt 2 ngày liền.

Qua các vụ việc trên cho thấy, những kẻ gây tội ác tày đình bởi ma túy đá đều sinh ra trong gia đình không êm ấm và bản thân từng vào tù ra khám. Theo một khảo sát của Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đối với 500 đối tượng phạm tội giết người và 500 đối tượng phạm tội “cố ý gây thương tích” cho thấy, có đến 46% số người phạm tội xuất thân từ gia đình thuộc thành phần phức tạp; 18% có hoàn cảnh gia đình cha mẹ đã ly hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; 14% sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp; 7% xuất phát từ gia đình giàu có nhưng có lối sống buông thả, ích kỷ, sĩ diện hão hoặc nuông chiều nhau thái quá; 11% có hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn và 4% xuất phát từ gia đình bình thường. Đặc biệt, có đến 43% số đối tượng gây án có tiền án, tiền sự.

Sau khi giết chết 4 người thân, Nguyễn Hoàng Nam vẫn còn trong cơn ngáo đá.

Cũng chính các đối tượng thuộc thành phần phức tạp là nơi sản sinh ra các con nghiện ma túy, đặt biệt là ma túy đá. Mà tác hại ghê gớm của ma túy đá là chuyện không còn gì phải bàn cãi. Người sử dụng ma túy đá trong khoảng thời gian dài dẫn đến bị loạn thần, ảo thanh, ảo giác, tự kỷ, không kiểm soát được hành vi và gây ra nhiều hậu quả đau lòng. 

Thế nhưng theo thống kê của Công an TP HCM, có đến 80-90% số người dương tính với chất ma túy được phát hiện không có trong danh sách quản lý tại địa phương. Nguyễn Hoàng Nam, kẻ giết 4 người đề cập ở trên là 1 ví dụ, y không có trong danh sách người nghiện do địa phương quản lý.

Theo hướng dẫn từ Viện nghiên cứu tâm lý người nghiện ma túy (PSD), khi phát hiện ra con em mình bị nghiện ma túy, các bậc phụ huynh phải nhìn thẳng vào sự thật và bình tĩnh xử lý. Nếu lập tức phản đối gay gắt, giận dữ, hăm dọa, quát tháo thì người con sẽ im lặng, rụt rè hoặc quanh co, nói dối là mình không sử dụng. Còn nếu phụ huynh khôn khéo, nhẹ nhàng phân tích tác hại, hậu quả lâu dài của ma túy cho chúng hiểu thì con cái sẽ dễ hợp tác, chia sẻ với mình. 

Phụ huynh cần lựa chọn nói vào thời điểm con mình tỉnh táo, vui vẻ và động viên, giúp đỡ con để vượt qua cạm bẫy. Tuyệt đối không được trừng phạt con trẻ vì đòn roi không giải quyết được vấn đề mà chỉ đẩy con trẻ đến thái độ chống đối; cam chịu, thậm chí là thù ghét. Khi đã qua giai đoạn này, điều cần thiết còn lại là cần đưa con mình đến gặp những chuyên gia tâm lý để được tư vấn và sau đó đưa đến ngay trung tâm cai nghiện…

Trên thực tiễn, ít có cha mẹ nào giữ được bình tĩnh khi phát hiện con bị nghiện mà thường đùng đùng nổi giận, đánh đòn, giam lỏng con trong nhà, cấm giao du bên ngoài, như là một kiểu “cai sống”. Cách làm sai này dẫn đến hậu quả là khi lên cơn nghiện chúng sẽ tìm cách bỏ nhà đi hoặc trở nên nổi loạn, gây án với người thân trong gia đình. 

Khi con đi bụi, nhiều bậc cha mẹ bỏ mặc, tuyên bố từ mặt con như là một cách để giải thoát cho mình. Thậm chí khi người nghiện quay về, cả gia đình dòng họ chẳng ai thèm nhìn mặt vì sợ bị liên lụy, sợ bị trộm tiền. Từ đó con nghiện mang lòng thù hận và chúng có thể quay lại để trả thù người thân… gây nhiều bất an cho xã hội như nhiều vụ án đã xảy ra.

Một vấn đề khác cũng có liên quan mật thiết đến công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm đặc biệt nguy hiểm nói riêng là công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. 

Trong một hội nghị về vấn đề này, Ban giám đốc Công an TP HCM cho rằng, tuy công tác đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù đã đạt được kết quả quan trọng, tuy nhiên, hạn chế là lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành, tổ chức xã hội chưa làm hết mình. 

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở chưa chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, chưa có thêm nhiều mô hình mới nên hiệu quả chưa cao như mong đợi…

Hải Hà
.
.
.