Hỏi cung đối tượng trộm câm điếc

Thứ Năm, 20/06/2019, 16:56
Ðiều tra một vụ án thông thường, việc đấu tranh với đối tượng gây án đã không dễ rồi. Ðối với vụ án mà thủ phạm là người tật nguyền câm điếc bẩm sinh thì càng khó khăn hơn. Từ việc truy tìm ra thủ phạm, cho đến những cuộc hỏi cung đặc biệt... đều là những tình huống không nằm trong bất cứ giáo trình điều tra nào, là một thử thách lớn đối với điều tra viên.

Buổi trưa vắng khách, anh Ðỗ Thanh Công, chủ cửa hàng cho thuê xe máy ở đường Cầu Diễn (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) ngủ tạm trên ghế trong cửa hàng. Thiếp đi một lúc, khi tỉnh lại, anh phát hiện chiếc điện thoại iPhone7 plus đang cắm sạc pin trong tủ kính đã biến mất.

Kiểm tra camera, vào thời điểm anh đang ngủ say, một thanh niên vào cửa hàng ngó nghiêng, sau đó rút điện thoại bỏ túi tẩu thoát. Anh Công đã trích đoạn camera ghi lại hình ảnh tên trộm, tới cơ quan Công an trình báo.

Lần theo dấu vết của tên trộm, cơ quan Công an xác định sau khi lấy được chiếc điện thoại, gã thanh niên mang đến một cửa hàng ở huyện Mê Linh bán được 3 triệu đồng. Danh tính tên trộm đã được làm rõ là Ðỗ Văn Trọng (SN 1985, ở xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội). Ðiều đặc biệt, Trọng bị câm điếc bẩm sinh. Công an phường Minh Khai bắt giữ Trọng, chuyển giao cho Cơ quan CSÐT Công an quận Bắc Từ Liêm.

Với sự hỗ trợ của 2 phiên dịch viên đặc biệt, Đỗ Văn Trọng không những khai nhận hành vi phạm tội mà còn rất “phấn khởi” khi được giao tiếp với mọi người.

Hồ sơ vụ án được giao cho Trung úy Nguyễn Văn Quyết, cán bộ Ðội Ðiều tra Tổng hợp Công an quận Bắc Từ Liêm thụ lý. Tốt nghiệp chuyên ngành Ðiều tra hình sự năm 2014 và về nhận công tác tại Công an quận Bắc Từ Liêm, Trung úy Quyết cho biết mặc dù trong trường đã được dạy khi làm việc với các trường hợp là người nước ngoài và câm điếc phải dùng phiên dịch, thế nhưng phiên dịch cho người nước ngoài còn dễ tìm chứ phiên dịch cho người câm điếc thì quả là không dễ.

Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của Trọng, Trung úy Quyết được biết do gia cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm công nhân nên từ nhỏ, Trọng không được cho đi học lớp dành cho người câm điếc. Trọng ở nhà một mình, sau này anh trai lấy vợ thì được vợ chồng người anh trông nom.

Anh trai cũng đi làm xa, một mình chị dâu ở nhà không quản được em nên Trọng hay đi lang thang trong xóm, trộm cắp vặt của các gia đình. Hỏi vì sao đi trộm, Trọng khai rất thật thà và ngây ngô rằng, anh ta ngủ dậy thấy đói bụng, không có đồ ăn, lại không có tiền nên phải đi lấy trộm để có tiền ăn thôi.

Ban đầu khi bị bắt đưa về cơ quan điều tra, Trọng ra cử chỉ rất nhiều nhưng không ai hiểu khiến gương mặt của anh ta rất căng thẳng và bức xúc. Ðể có thể ghi lời khai của Trọng, các điều tra viên Ðội Ðiều tra tổng hợp đã lên mạng tra cứu tìm phiên dịch viên cho người câm điếc. Nếu như người câm điếc được đi học thì dễ, chỉ cần giáo viên trường Xã Ðàn là xong.

Ðằng này Trọng chưa từng được đi học nên phải tìm người phiên dịch làm sao hiểu được cử chỉ bản năng của những người câm điếc bẩm sinh chưa từng được học ngôn ngữ dành cho người câm điếc bao giờ.  Sau 2 ngày tìm kiếm, điều tra viên đã tìm được phiên dịch viên đặc biệt này.

Ðó là anh Ðỗ Hoàng Thái Anh, Giám đốc Công ty Hỗ trợ và kết nối người điếc với cộng đồng. Là một người khiếm thính bẩm sinh, khi tham gia vào cộng đồng người khiếm thính, anh Thái Anh nhận thấy ngôn ngữ ký hiệu của cộng đồng khiếm thính cũng quy củ, hệ thống như ngôn ngữ tiếng Việt.

Nhớ lại bản thân từng tự ti, khao khát được nói bằng miệng, giao tiếp như những người bình thường nhưng không thể, anh Thái Anh đã có nhiều đóng góp, nỗ lực phát triển, nhân rộng ngôn ngữ ký hiệu và phát triển dịch vụ hỗ trợ những người khiếm thính giao tiếp với cộng đồng.

Năm 2013 sau khi được tham gia “Hội trại thanh niên điếc thế giới” tổ chức tại Hàn Quốc, được tiếp xúc với phương pháp phiên dịch từ xa hỗ trợ người khiếm thính giao tiếp với xã hội thông qua kết nối call video trên thiết bị máy tính, Thái Anh đã ấp ủ dịch vụ tổng đài phiên dịch ngôn ngữ qua video tại Việt Nam và đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Hàn Quốc. Năm 2017, Công ty Hỗ trợ và kết nối người điếc với cộng đồng ra đời với dịch vụ Tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu với cộng đồng người điếc đã góp phần mở ra nhiều cơ hội với người điếc, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Trở lại với trường hợp của Ðỗ Văn Trọng. Bản thân anh Ðỗ Hoàng Thái Anh bị khiếm thính bẩm sinh nên hiểu được ngôn ngữ cử chỉ của người câm điếc chưa từng được đi học như Trọng.

Tuy nhiên, vì anh Thái Anh không giao tiếp được với điều tra viên nên cần thêm một phiên dịch khác là người bình thường, vừa hiểu được ngôn ngữ của người khiếm thính, vừa nói chuyện được để chuyển tải câu hỏi của điều tra viên thông qua anh Thái Anh “dịch” cho đối tượng và ngược lại. Không quá khó để tìm được phiên dịch viên thứ hai này, đó là chị Vũ Hương Giang, phiên dịch viên của công ty do anh Thái Anh làm giám đốc.

Khi 2 phiên dịch viên này đến cơ quan điều tra, Ðỗ Văn Trọng tỏ ra rất hồ hởi, vui vẻ vì anh ta được giao lưu với những người cùng cộng đồng khiếm thính. Thông qua 2 phiên dịch viên, nỗi lòng của một thanh niên câm điếc bẩm sinh như Trọng được bày tỏ, khiến các điều tra viên cũng chạnh lòng cho anh ta.

Trọng khai rằng trước đó, anh ta chuyên trộm vặt trong làng. Ai hở ra cái gì là Trọng chôm chỉa, bán lấy tiền ăn tiêu. Hàng ngày, anh ta cứ đi lang thang khắp nơi. Ðiều lạ là dù không hỏi được đường nhưng Trọng lại rất nhớ những đoạn đường nào đã đi, thậm chí có lần anh ta đi xe máy ra ngoại tỉnh nhưng vẫn nhớ đường về.

Năm 2015, Trọng bị Công an quận Tây Hồ bắt về tội cướp giật tài sản, bị xử tù 30 tháng. Ra tù, anh ta lại tiếp tục phạm tội trộm cắp tài sản, bị Công an huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) bắt giữ. Trong quá trình điều tra, anh ta được tại ngoại nên lấy xe máy đi lang thang tới quận Bắc Từ Liêm rình sơ hở trộm cắp và đã sa lưới.

Những buổi thẩm vấn trong trại, ngoài điều tra viên và 2 phiên dịch viên, còn có đại diện Viện kiểm sát, mẹ của Trọng trong vai trò người giám hộ và luật sư chỉ định. Câu hỏi của điều tra viên sẽ được phiên dịch Hương Giang dịch lại bằng ngôn ngữ cử chỉ của người khiếm thính cho anh Ðỗ Hoàng Thái Anh để tiếp tục chuyển câu hỏi tới Trọng bằng những cử chỉ mà chỉ hai người mới hiểu.

Sau đó, câu trả lời của Trọng được dịch theo quy trình ngược lại để điều tra viên viết vào bản ghi lời khai. Có những lúc, vì vốn ngôn ngữ khiếm thính của Trọng quá ít, anh ta không trả lời bằng tay được nên dùng bút vẽ ra giấy các đồ vật cho mọi người hiểu. Tài nhất là không được đi học nhưng anh ta có thể vẽ lại các chữ số trên biển kiểm soát xe máy theo trí nhớ bằng hình ảnh dù không biết gì về số tự nhiên...

Trung úy Nguyễn Văn Quyết tâm sự, kết thúc điều tra, thông qua phiên dịch viên, anh phân tích cho Ðỗ Văn Trọng hiểu rằng, việc Trọng đi trộm cắp không chỉ là hành vi phạm tội mà có thể còn rất nguy hiểm đến tính mạng, bởi nếu bị người dân bắt giữ, Trọng không nói được và không hiểu anh ta nói gì rất dễ bị đánh.

Về phía người thân của Trọng, điều tra viên cũng phân tích cho họ hiểu Trọng là một thanh niên khỏe mạnh nên sau khi ra trại, gia đình cần liên hệ với các trung tâm dạy học cho người khiếm thính để Trọng được đi học, từ đó có cơ hội việc làm, giúp Trọng hòa nhập cộng đồng.

Mặt khác, gia đình cũng cần quan tâm hơn, hiểu được cử chỉ của Trọng để còn nói chuyện, giao tiếp với con em, không nên bỏ mặc Trọng. Nhu cầu giao tiếp không được giải tỏa dẫn đến Trọng có những hành vi tiêu cực, phạm tội không lường trước được.

Với sự giúp đỡ của hai phiên dịch viên đặc biệt trên, các cuộc thẩm vấn đối với Đỗ Văn Trọng cũng diễn ra suôn sẻ. Trong suốt quá trình điều tra, điều tra viên nhận thấy nhu cầu giao tiếp của Trọng là rất lớn.
Ngoài khai nhận hành vi phạm tội, Trọng như trút được gánh nặng khi được nói chuyện với phiên dịch Đỗ Hoàng Thái Anh là người hiểu được anh ta nói gì nên Trọng nói rất nhiều với  thái độ hết sức phấn khởi mặc dù biết rằng anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi phạm tội của mình và sẽ phải thi hành án, đi tù một thời gian.

Hương Vũ
.
.
.