Chống tội phạm chuyển giá, sở hữu chéo hàng tỷ đồng

Thứ Tư, 29/03/2017, 09:40
Chuyển giá, sở hữu chéo là vấn đề đang tồn tại và gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong thập kỷ qua, tại Việt Nam đã có những dấu hiệu của sự đan xen giữa kinh doanh và tội phạm liên quan đến chuyển giá, sở hữu chéo, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tình hình ANTT.

Theo Đại tá Bùi Minh Thanh, Cục CSĐT tội phạm kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an, thời gian qua, đã xảy ra trường hợp cổ đông lớn và người liên quan có vốn góp tại nhiều tổ chức tín dụng, cổ đông này thành lập các "công ty con" vay vốn của ngân hàng này góp vào ngân hàng khác dưới nhiều hình thức để “lách” quy định về người có liên quan hoặc quy định cho vay.

Khi cổ đông này gặp vấn đề liên quan đến pháp luật đã tác động xấu đến uy tín, hoạt động của ngân hàng, đẩy ngân hàng rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả, ảnh hưởng đến tình hình thanh khoản của một số ngân hàng khác do khách hàng đồng loạt rút tiền như trường hợp Ngân hàng TMCP Á Châu khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt.

Tính chung tổng sở hữu của gia đình ông Kiên đến ngày 30-9-2014 tại 3 ngân hàng hơn 2.690,2 tỷ đồng theo mệnh giá. Báo cáo tổng dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng TMCP Á Châu đối với ông Kiên và 4 công ty là 2.693,2 tỷ đồng.

Dư nợ vay của ông Kiên và 4 công ty tại ngân hàng là 1.253,7 tỷ đồng (ông Kiên 115 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu 487,30 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Á Châu 597,65 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội 53,79 tỷ đồng); đầu tư trái phiếu của  Ngân hàng TMCP Á Châu tại Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội 644,5 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội 795 tỷ đồng.

Qua nghiên cứu sở hữu cổ phần của các tổ chức tín dụng với nhau và có quan hệ vay vốn, tiền gửi ngân hàng lớn, Đại tá  Bùi Minh Thanh nhận thấy nhiều trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan hoặc người đứng tên hộ sở hữu vốn vi phạm quy định về giới hạn sở hữu vốn của các tổ chức tín dụng.

Những đối tượng này cũng được tổ chức tín dụng cấp tín dụng với khối lượng lớn dẫn đến rủi ro cao cho tổ chức tín dụng. Một số tổ chức tín dụng, cổ đông và người có liên quan sở hữu vốn của ngân hàng quá lớn đến mức chi phối, thao túng ngân hàng.

Đại tá Bùi Minh Thanh đề nghị: Cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung luật hóa vấn đề sở hữu chéo tạo vốn ảo, có văn bản quy định chặt chẽ hơn hoạt động sở hữu, tạo vốn ảo góp vốn ngân hàng. Hạn chế tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp (DN), có biện pháp tối đa ngăn chặn cả sở hữu chéo gián tiếp giữa cá nhân với "công ty con", "công ty cháu" của họ.

Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu vấn đề thành lập DN để bổ sung, sửa đổi theo hướng đã là lãnh đạo ngân hàng thì không có doanh nghiệp sân sau hoặc không thể đầu tư chéo cho DN sân sau.

Việc thành lập DN hiện nay theo Luật Doanh nghiệp rất dễ dàng. Đây chính là nguyên nhân phát sinh nhiều DN lập ra để lừa đảo, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước rồi bỏ trốn, mất tích, gây thất thoát ngân sách hàng chục tỷ đồng. Cục Cảnh sát kinh tế cần tham mưu giúp lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước một số vấn đề như: phải nâng cao vai trò thanh, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước;...

Đại tá Trần Ngọc Đức, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho biết: Định giá chuyển giao là một công việc phức tạp, đòi hỏi năng lực và khả năng phân tích tỉ mỉ dựa trên khối lượng thông tin lớn. Công việc này cần sự am hiểu về ngành nghề kinh doanh của DN cũng như bản chất giao dịch. Việc đi đến sự đồng thuận giữa công ty đa quốc gia và cơ quan thuế các nước là yếu tố rất quan trọng.

Thực tế cho thấy, hầu hết chính sách thuế được xây dựng hiệu quả khi có sự đóng góp của các DN và các nhà tư vấn. Với quan điểm xuất phát khác với các cơ quan quản lý thuế, các nhà tư vấn vừa nhìn nhận ở góc độ DN với những khó khăn trở ngại trong kinh doanh, họ còn nhìn nhận ở góc độ người tuân thủ các văn bản pháp quy.

Qua đó, để có thể thực hiện việc định giá chuyển giao, yêu cầu cần phải có đội ngũ chuyên môn, kinh nghiệm bao gồm: các nhà kinh tế, luật sư, kế toán viên, kiểm toán viên, chuyên gia về cơ sở dữ liệu và chuyên gia về quy trình…

Để chống chuyển giá còn cần sự kết hợp của đội ngũ chuyên môn và cán bộ thuế, nắm vững và hiểu rõ các quy định, pháp quy về giá thị trường cũng như các kỹ năng, năng lực trong việc thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp. Vấn đề chuyển giá liên quan thuế quốc tế, theo Đại tá Trần Ngọc Đức, cơ quan thuế một quốc gia kết luận về một công ty có hành vi chuyển giá và tiến hành xử phạt sẽ gặp phải sự tranh tụng mạnh mẽ từ phía công ty với sự hỗ trợ của các chuyên gia, luật sư từ trụ sở chính. Đối với các nước có Hiệp định thuế, vấn đề giá được đề cập cụ thể.

Việc điều chỉnh doanh thu/chi phí đối với vấn đề chuyển giá tại một quốc gia thì quốc gia còn lại sẽ được ghi nhận chi phí/doanh thu phù hợp nên cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để nâng cao hiệu quả công tác chống tội phạm…

Đức Mừng
.
.
.