Bóc gỡ đường dây tổ chức cho “khách du lịch” trốn sang Đài Loan

Chủ Nhật, 30/04/2017, 18:17
Quân cho “khách hàng” biết rõ, anh ta có thể đưa họ sang Đài Loan bằng hình thức du lịch sang Trung Quốc, sau đó xuống tàu biển trốn sang Đài Loan, chi phí từ 6000 đến 6200 USD/ người.

Đường dây do Triệu Hồng Quân (28 tuổi, trú tại khu 7, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) điều hành đã 8 lần, đưa trót lọt 88 người ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam..., xuất cảnh trái phép sang Đài Loan.

Trong đường dây này có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước, thực hiện việc giao dịch bằng điện thoại và mạng xã hội, thu hút được số đối tượng là người Việt Nam từng sang Đài Loan lao động, đã bị trục xuất trở về nước.

Vụ án mở ra từ việc cơ quan an ninh tiếp nhận Nguyễn Thị Nhan (trú tại Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), Nhan bị Đài Loan trục xuất về nước vào cuối năm 2016. Trước đó, Nhan từng sang Đài Loan xuất khẩu theo hợp đồng lao động...

Đối tượng Triệu Hồng Quân.

Từ sự ngỡ ngàng ban đầu, chị ta nhanh chóng thích nghi với cuộc sống nơi đất lạ, xứ người. Nghe theo sự rủ rê của một số đối tượng, Nhan bỏ ra ngoài làm ăn. Năm 2015, chị ta bị trục xuất về nước

Thông qua những người Việt Nam từng sang Đài Loan lao động, đối tượng rốt ráo tìm đường trở lại Đài Loan.

Đầu năm 2016, qua Cúc ở Hải Dương, chị ta biết Quân có thể tổ chức người trốn vào Đài Loan, đã chủ động liên lạc với Quân, thỏa thuận chi phí là 6000 USD.

Ngày 25-3-2016, theo sự sắp đặt của Quân, chị ta đáp máy bay sang Phúc Kiến (Trung Quốc) bằng visa du lịch. Quân đưa Nhàn cùng 11 người khác đến sân bay Nội Bài rồi để họ tự đi... Tại Phúc Kiến, Nhan và 11 trường hợp còn lại liên lạc với chủ thuyền người Đài Loan, theo số điện thoại Quân đưa cho.

Việc di chuyển diễn ra vào ban đêm, chủ tàu đưa Nhan cùng những người còn lại vào một chiếc hầm tối thui, sau khoảng 5 h đồng hồ thì họ tới bến. Do có thời gian dài sinh sống ở Đài Loan, lại thông thuộc đường đi, lối lại, Nhan dễ dàng tìm được một cơ sở lao động... Nhưng một lần nữa, may mắn đã không đến với Nhan. Trong một lần kiểm tra, Nhan bị phát hiện và rồi bị trục xuất về nước.

Tiếp nhận thông tin từ Cơ quan ANĐT Bộ Công an, Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Phú Thọ vào cuộc. Đối tượng Quân đã bị bắt giữ khi đang lang thang tại Hà Nội. 

Quá trình đấu tranh, đến ngày 30-4, vụ án bước đầu được làm rõ: Tháng 8-2010, Quân đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan theo hợp đồng lao động, đến tháng 9-2011, anh ta trốn ra nước ngoài. Tháng 6-2014, Quân đến Sở di dân Đài Loan đầu thú và bị trục xuất về nước.

Khoảng một năm sau đó, thông qua một người tên là Tuấn ở Vĩnh Phúc, Quân xuất cảnh sang Trung Quốc theo hình thức du lịch, sau đó xuống tàu biển trốn sang Đài Loan lao động.

Đến tháng 9-2015, do có việc riêng của gia đình, Quân từ Đài Loan sang Phúc Kiến – Trung Quốc để về Việt Nam. Trong chuyến đi này, Quân đã làm quen và nói chuyện với một chủ tàu người Đài Loan.

Qua trao đổi, người này nói với Quân, về Việt Nam nếu có ai muốn sang Đài Loan thì gọi cho anh ta. Theo thỏa thuận, đối tượng người Đài Loan sẽ thu 5000 USD/ người từ Phúc Kiến sang Đài Loan. Còn từ Việt Nam sang Phúc Kiến, Quân thu của họ bao nhiều thì tùy ý.  Quân đi lại theo đường dây của Tuấn chi phía từ 6000 đến 6500 USD, nên tính nhẩm đã có lời nên đã lấy số điện thoại của người Đài Loan này để liên lạc.  

Sau khi về nước, anh ta đăng số điện thoại cá nhân lên Facebook, nick là “Henny Họ Triệu” với mục đích thông báo cho mọi người việc Quân đã về Việt Nam để tiện liên lạc. Do vậy, nhiều người trước đây đã đi Đài Loan nhưng bị trục xuất về nước, không đi được nữa và người quen của những người này đã liên lạc với Quân nhờ đưa đi.

Quân đã nói cho những người này biết Quân có thể đưa họ sang Đài Loan bằng hình thức du lịch sang Trung Quốc, sau đó xuống tàu biển trốn sang Đài Loan, chi phí từ 6000 đến 6200 USD/người. Nếu đi thì nộp trước cho Quân từ 1000 đến 1200 USD, hộ chiếu và bản photo copy chứng minh nhân dân để Quân làm Visa du lịch và mua vé tàu hoặc máy bay để sang Trung Quốc. Số tiền còn lại là 5000 USD, khi xuống tàu biển sang Đài Loan thì nộp cho chủ tàu. Khi sang Đài Loan thì họ phải tự tìm việc làm.

Tính đến ngày 30-4, trong số các trường hợp do Quân tổ chức mới có 2 người về nước. Ngoài trường hợp của Nhan, còn có Nguyễn Văn Tuấn ở thị trấn Thanh Lê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Tuấn liên lạc với Quân qua mạng xã hội...

Vào đầu năm 2017, người này cũng bị trục xuất về nước qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Số tiền mà Nhan và Tuấn kiếm được trong những ngày trốn chui, trốn lủi nơi đất khách quê người vẫn chưa bù lại được chi phí họ đã bỏ ra để đi xuất cảnh trái phép. Trong khi bản thân lại trở thành người vi phạm...

Lời khai của anh Lương Quang Thế, trú tại Tiên Kiên, Lâm Thao, Phú Thọ; một trong những trường hợp đi hụt trên chuyến tàu định mệnh do Quân tổ chức, là minh chứng sinh động nhất cho sự việc đó.

Cũng như các trường hợp khác, anh Thế bị cấm nhập cảnh trở lại Đài Loan do đã ở lại trái phép. Sau đó, anh này đã liên lạc với Quân tiếp tục trốn sang Đài Loan. Song lần này, Thế đã không gặp may.

Để tiết kiệm chi phí, Quân tổ chức cho các nạn nhân đi bằng tàu hỏa, anh ta trực tiếp đi cùng hơn chục người sang Phúc Kiến. Song do không liên lạc được với chủ tàu cũ..., Quân phải liên lạc với một người khác. Sau khi đưa những người này lên tàu và trả tiền, Quân vừa đi được một đoạn thì người chủ tàu mới bội tín, đuổi Thế và những người đi cùng xuống tàu…

Hiện vụ án đang được Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục đấu tranh, mở rộng. 

Xuân Mai
.
.
.