Thủ đoạn gọi điện xưng Công an, Kiểm sát yêu cầu khai báo, chuyển tiền: Nhận diện và cách phòng tránh

Bài 1: Chiêu lừa cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy

Thứ Bảy, 08/06/2019, 08:57
Theo Đội 9, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 1-11-2018 đến nay, 18 nạn nhân đều sinh sống trên địa bàn Thủ đô, nơi có thể nói “văn minh” nhất nhưng lại dễ sàng sập bẫy bởi chiêu lừa muôn thuở của tội phạm. 

Theo Công an TP Hà Nội, hiện nay tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, một số người dân, trong đó có cả người trí thức cao, do thiếu hoặc hiểu không đầy đủ về các thủ đoạn phạm tội đã bị lừa chiếm đoạt tiền với số lượng lớn.

Riêng trong thời gian từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận, giải quyết 18 đơn thư của các bị hại tố giác bị lừa đảo chiếm đoạt với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng.

Bị hại là ai và tại sao lại dễ dàng chuyển tiền cho đối tượng không quen biết?

Tự xưng Công an, Kiểm sát, Hải quan để lừa đảo

Ngày 26-2-2019, Đội 9 đã tiếp nhận đơn của chị Kiều Thị N., trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tố giác đối tượng tự xưng tên là Dũng - cán bộ Phòng CSHS đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 480 triệu đồng.

Cũng theo cơ quan Công an, thủ đoạn của đối tượng này không mới nhưng đã khiến nạn nhân tin nghe theo. Đối tượng gọi điện qua Internet đến số điện thoại của người dân, giả là cán bộ đang công tác tại cơ quan Công an thông báo người dân có liên quan đến đường dây phạm tội buôn bán ma túy, rửa tiền với số lượng lớn.

Các đối tượng lừa đảo qua mạng viễn thông, internet bị cơ quan Công an bắt giữ.

Đối tượng yêu cầu người dân phải rút toàn bộ số tiền của mình gửi ngân hàng chuyển vào tài khoản mà đối tượng cung cấp để chuyển cho cơ quan Công an phục vụ việc điều tra, nếu không liên quan sẽ trả lại tiền. Sau khi chuyển tiền, người dân mới biết mình bị lừa. Tổng số tiền đối tượng chiếm đoạt của các nạn nhân khoảng hơn 26 tỷ  đồng.

Ngày 11-4, bà Nguyễn Thị Thúy L, trú tại phường Láng Thượng, Đống Đa (Hà Nội) đã tố giác việc bà L bị nhóm đối tượng gọi điện thoại giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản khác nhau để chiếm đoạt số tiền khoảng 1,9 tỷ đồng. 

Ngày 23-4, anh Bạch Quốc Kh, trú tại phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng đã bị 1 đối tượng giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền khoảng 19 tỷ đồng với phương thức thủ đoạn như nêu trên. 

Ngày 24-4, chị Vũ Trần Diễm H., trú tại phường Khương Thượng, Đống Đa (Hà Nội) tố giác một nhóm đối tượng giả danh Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 1,3 tỷ đồng. 

Ngày 26-4, anh Nguyễn Nh., trú tại Nguyễn Chính, Thịnh Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) cũng tố giác đối tượng giả danh Công an, nhân viên bưu điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 1,22 tỷ đồng. 

Ngày 8-5, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận đơn của chị Phan Thị H, trú tại Phúc La, Hà Đông (Hà Nội) tố giác đối tượng giả danh Công an gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 1,66 tỷ đồng. 

Mới đây, ngày 14-5, theo đơn tố giác của chị Nguyễn Thị Tr., trú tại phường Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội), chị đã bị đối tượng giả danh Công an, nhân viên bưu điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 900 triệu đồng.

Cũng theo Công an TP Hà Nội, đã có 8 nạn nhân bị đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, WhatsApp, Instagram,… để chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức hack tài khoản mạng xã hội, giả làm người thân, người quen yêu cầu chuyển tiền, lợi dụng mạng xã hội để giao dịch mua bán, với tổng số tiền bị chiếm đoạt khoảng hơn 4 tỷ đồng.

Trong số này, nạn nhân bị mất nhiều tiền nhất là chị Bùi Thúy H., trú tại Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Theo chị H, có đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook “Frank Anderson" lừa đảo thông qua việc làm quen và vay tiền trên mạng xã hội. 

Do tin lời, không kiểm chứng tính xác thực, chị H đã bị đối tượng chiếm đoạt tài sản số tiền 3 tỷ đồng. Ngày 27-12-2018, Vũ Thị Khánh L. (SN 1993), trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bị đối tượng Đỗ Thùy Trang (SN 1996), trú tại quận Hoàn Kiếm sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook “Dung Vu” lừa đảo thông qua việc bán vé bóng đá giải AFF CUP, chiếm đoạt số tiền 41 triệu đồng.

Quý bà thích trai Tây và những cú lừa tiền tỷ

Các đối tượng còn sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, WhatsApp, Instagram,…  làm quen với các bị hại chủ yếu tập trung vào nhóm phụ nữ độc thân, thiếu thốn tình cảm. Các đối tượng tự nhận là doanh nhân, người có điều kiện kinh tế sống tại nước ngoài… 

Sau khi làm quen, đối tượng thông báo gửi các món quà có giá trị như laptop, điện thoại, túi xách, nữ trang đắt tiền cho bị hại. Các đối tượng giả các đơn vị vận chuyển, tạo lập các trang web giả mạo có ghi thông tin đơn hàng đang vận chuyển cho người bị hại tự kiểm tra để tin tưởng. 

Sau đó, chúng giả mạo nhân viên hãng vận chuyển, hải quan, yêu cầu người bị hại chuyển tiền để nộp phí nhận hàng, sau đó, các đối tượng tiếp tục thông báo trong bưu kiện có số lượng tiền lớn, yêu cầu người bị hại chuyển thêm tiền để mua giấy chứng nhận khoản tiền trong bưu phẩm không phải tiền vi phạm pháp luật, tiền tài trợ khủng bố.

Đơn cử trường hợp bà Lê Mỹ H, trú tại quận Bắc Từ Liêm, (Hà Nội) bị đối tượng sử dụng tài khoản Facebook “Mark Brokman” lừa đảo thông qua hình thức yêu cầu đóng phí hải quan, phí vận chuyển để nhận quà từ nước ngoài gửi về.

Qua đó, chiếm đoạt khoảng 1,44 tỷ đồng. Trường hợp chị Nguyễn Mỹ Khánh L (SN 1986), trú tại Trần Duy Hưng, Cầu Giấy bị đối tượng tự xưng là Michael (QT: Anh) quen biết thông qua Instagram lừa gửi quà từ nước ngoài về và yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp lừa đảo chiếm đoạt số tiền số tiền 286 triệu đồng.

Đáng chú ý, trường hợp của chị M., trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, làm quen với một người đàn ông có tài khoản Facebook tên là Michael Gray. Người đàn ông này nói mang quốc tịch Mỹ, hiện sống tại bang Texas, là sĩ quan phục vụ trong NATO, chiến đấu tại Afghanistan, không lâu nữa sẽ kết thúc thời hạn phục vụ trong quân đội và muốn đi du lịch tại các nước Đông Nam Á. 

Michael Gray nói có rất nhiều tài sản, tư trang cá nhân, muốn gửi về cho chị M. giữ hộ để sau này sang Việt Nam sẽ nhận lại. Chị M. đồng ý. Gần 1 tháng sau, Michael Gray thông báo bưu kiện đã về tới Việt Nam. 

3 ngày sau, có một phụ nữ gọi điện thoại cho chị M. thông báo kiện hàng gửi cho chị đã quá cảnh sân bay Tân Sơn Nhất; yêu cầu chị M. thanh toán chi phí vận chuyển, tiền thuế và tiền bảo hiểm bưu kiện là 37,5 triệu đồng. 

Chị M. đã chuyển tiền qua dịch vụ internet banking vào số tài khoản mà người phụ nữ cung cấp. Cùng ngày, chị M. lại nhận được một cuộc điện thoại, người gọi điện thông báo bưu kiện của chị có tiền bên trong nên chị M. phải chuyển 16.600 USD để làm giấy chứng nhận số tiền trên không liên quan đến hoạt động rửa tiền, tiền tài trợ khủng bố và buôn bán vũ khí. 

Chị M. tin tưởng chuyển đã 20.000 USD vào tài khoản theo yêu cầu của người gọi điện. Sáng hôm sau, lại một cuộc điện thoại khác yêu cầu chị nộp 130.000USD vì bên trong bưu kiện có 650.000USD... Như vậy, chỉ vì một gói bưu kiện ảo, chị M. đã bị lừa mất số tiền lên tới 5 tỷ đồng. Một thời gian sau, khi không nhận được gói bưu kiện nào, chị M. mới tới cơ quan Công an trình báo.

Minh Khoa – Minh Hiền
.
.
.