Ưu tiên vốn cho phát triển nông sản xuất khẩu

Thứ Tư, 08/04/2015, 08:53
Đó là thông tin được ông Nguyễn Kim Anh - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tại hội thảo khoa học “Vai trò của tín dụng đối với nông sản xuất khẩu vùng ĐBSCL” tổ chức tại Bến Tre vào chiều 7/4.

Những năm qua, ngành ngân hàng đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng cho khu vực ĐBSCL, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn tín dụng đối với nông sản xuất khẩu. Tổng dư nợ cho vay đối với khu vực ĐBSCL không ngừng tăng lên.

Từ hơn 271.000 tỷ đồng năm 2012 lên 334.146 tỷ đồng năm 2014 và đến hết tháng 2/2015, tổng dư nợ tăng lên 353.816 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn ĐBSCL đạt khoảng 163.000 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Lần lượt chiếm 22% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc, chiếm 46% tổng dư nợ toàn vùng ĐBSCL.

Trong tổng dư nợ cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, tín dụng ngân hàng đã hướng mạnh vào các chương trình tạo ra nông sản chủ lực xuất khẩu của vùng ĐBSCL như: con tôm, cá tra, lúa gạo, dừa…

Với vai trò phân bổ và cung cấp nguồn lực tài chính chủ yếu, vốn tín dụng ngân hàng cho nông nghiệp nông thôn đã tạo ra vùng chuyên canh sản xuất lớn về nông sản xuất khẩu của ĐBSCL. Toàn vùng cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước với sản lượng gạo xuất khẩu chiếm 90% tổng sản lượng xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành nước có trữ lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới; trái cây chủ lực (thanh long, dừa, dứa, mít, xoài) có lượng xuất khẩu lớn, thu về ngoại tệ trên 1 tỷ USD. Điều đó cho thấy những tín hiệu vui cho ngành trồng cây ăn quả xuất khẩu của ĐBSCL, đặt nền tảng cho việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, bền vững.

Văn Vĩnh
.
.
.