Ôtô nội trước sức ép xe nguyên chiếc ngoại nhập

Thứ Hai, 02/05/2016, 07:21
Dù đã chịu cú sốc áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo cách tính mới, đẩy giá bán lẻ lên cao khiến lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 1 giảm gần 2/3, nhưng trong cả quý 1 vừa qua, lượng xe nhập về vẫn lên tới con số 19.700 xe và xe nhập từ Thái Lan đã chiếm số lượng áp đảo với trên 7.800 xe.

Số liệu phân tích xe nhập khẩu của hải quan còn cho thấy, nếu như trước đây việc nhập xe chủ yếu tập trung vào dòng xe hơi, thì nay xe nhập khẩu trải đều với các chủng loại xe. Riêng với xe tải, lượng nhập khẩu trong quý 1 đã đạt là 9.860 chiếc, tăng 16%. Thực trạng này càng khiến hoạt động sản xuất, lắp ráp xe của các doanh nghiệp trong nước gặp khó. Song giới kinh doanh xe nhập nguyên chiếc cũng chẳng dễ dàng trong việc giảm giá bán.

Lý giải về việc gần đây có 10 doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc kiến nghị với Bộ Tài chính duy trì cách tính thuế hiện tại, ông Đặng Hòa, chủ một doanh nghiệp chuyên nhập xe cho rằng từ 1-7 sắp tới xe nhập nguyên chiếc từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xilanh động cơ từ 1.5 lít trở lại thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giảm 5%. Mức giảm này sẽ khiến những dòng xe cá nhân 4 chỗ ngồi với giá bán từ 350 đến trên 700 triệu đồng/xe đang được tiêu thụ mạnh nhất hiện nay sẽ có thể giảm giá bán ở mức 500 - 1.000 USD/xe, tùy loại.

Nhưng ngược lại, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán bình quân chứ không theo giá do nhà nhập khẩu đưa ra, giá bán các dòng xe nhập khẩu dung tích 2.5 3.0 lít sẽ tăng thêm 10-15%; xe 3.0-4.0 lít có thể tăng 40-45% và dòng xe 5.0 lít hoặc 6.0 lít trở lên, giá bán có thể tăng 80-100%.

Do đó, theo ông Hòa, tuy nói giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá bán xe nhập nguyên chiếc cũng khó có thể giảm mạnh để tạo áp lực giảm giá bán lên các dòng xe lắp ráp trong nước để người tiêu dùng hưởng lợi.

Trước thực trạng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan đạt 25.140 xe, tăng gần 75% vào năm ngoái và tiếp tục chiếm số lượng tăng áp đảo trong quý 1 năm nay, một đại diện giới kinh doanh xe nhập khẩu tại TP Hồ Chí Minh cho biết từ đầu năm nay thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam giảm 10% so với năm 2015 khiến các loại xe nhập từ Thái Lan có lợi thế về giá bán do giảm thuế.

Trong khi những thương hiệu xe ôtô thông dụng đều đã đặt nhà máy sản xuất tại Thái Lan, tỉ lệ nội địa hóa cao càng khiến giá bán xe ở Thái Lan giảm thấp. Vì vậy, sắp tới lượng xe nhập nguyên chiếc từ Thái Lan sẽ tiếp tục tăng khi thuế nhập khẩu từ khu vực này sẽ được giảm về 0% vào năm 2018. Thực tế cho thấy, số lượng xe nguyên chiếc nhập từ Trung Quốc đã tăng gần 95%; xe nhập về từ Hàn Quốc cũng tăng hơn 58% vào năm ngoái do những nước này có tỷ lệ nội địa hóa cao, giá bán xe giảm.

Với doanh số tiêu thụ các dòng xe Mazda và Kia đang xếp thứ 2 và thứ 3 trong các nhãn hiệu xe hơi bán chạy ở thị trường nội địa. Nên năm nay Công ty CP ôtô Trường Hải vẫn đặt kế hoạch bán ra tổng cộng 112.336 xe. Mục tiêu bán ra tăng đến 40% về số lượng so với năm ngoái, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp nhắm đến chỉ dừng lại ở con số 8.212 tỷ đồng.

So với mức lợi nhuận 7.038 tỷ đồng và chỉ cần bán ra có 80.421 xe của năm ngoái, thì tỷ suất lợi nhuận trên số đầu xe của Trường Hải trong năm nay đã giảm đi. Đã vậy, vốn đầu tư cũng tăng lên khi theo thông tin được Trường Hải công bố với cổ đông ngày 22/4 vừa qua, thì tổng dự kiến kế hoạch đầu tư cho giai đoạn 2016 - 2018 là 30.110 tỷ đồng.

Thay đổi toàn diện về công nghệ thiết kế nâng cao chất lượng sản phẩm xe buýt theo tiêu chuẩn quốc tế và hướng đến xuất khẩu; tham gia sản xuất kinh doanh dòng xe mini buýt 12 - 16 chỗ; phát triển tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ để cung ứng linh kiện cho các nhà máy lắp ráp bán ra thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu.

Số tiền khoảng 9.738 tỷ đồng cũng xe được hãng đầu tư vào hệ thống phân phối và showroom bán lẻ. Điều này cho thấy hãng đã chấp nhận giảm lợi nhuận để cạnh tranh với xe nhập khẩu, nâng cao doanh số bán hàng, mở rộng thị phần.

Đ.Thắng
.
.
.