Minh bạch xăng dầu: Đừng chỉ là lời hứa

Thứ Hai, 29/12/2014, 10:01
Càng về cuối năm, xăng dầu thế giới càng có những bước giảm giá mạnh. Thống kê từ cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương cho biết: Ngày 16/12 đã đánh dấu ngày tệ hại nhất của dầu thô trong 7 năm qua. Tuy nhiên, ở trong nước, người dân chưa được hưởng mức giá xăng dầu tương ứng, do thuế tăng cao, dù Chính phủ vẫn thể hiện quyết tâm sẽ đưa giá về đúng với thị trường. Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch trong điều hành cũng được cho rằng chưa thực hiện “đến nơi”.

Tin từ Bộ Công Thương cho biết: Ngày 16/12, tại sàn giao dịch hàng hóa điện tử New York, giá dầu thô WTI của Mỹ đã giảm xuống mức dưới 55 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent cũng giảm xuống dưới 60 USD/thùng.  Kể từ mức giá đỉnh cao 107 USD/thùng đối với dầu WTI và 115 USD/thùng đối với dầu Brent hồi tháng 6, giá 2 loại dầu này tính đến nay đã giảm hơn 50%.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến dầu thô thế giới tiếp tục trượt giá là do các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh bởi chiều hướng phát triển chậm lại của các nền kinh tế lớn ở châu Âu và châu Á; sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các dòng xe ôtô tiết kiệm năng lượng, sản lượng khai thác dầu nội địa của Mỹ tiếp tục tăng, cùng với việc đồng USD tăng giá cũng là những nguyên nhân khác làm giảm giá dầu.

Về tình hình tiêu thụ, tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2014 ở mức 0,93 triệu thùng/ngày, đưa tổng tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay ước đạt 91,13 triệu thùng/ngày. Dự báo cho năm 2015, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương cho biết, sản lượng dầu của các nước không thuộc OPEC trong năm 2015 được dự báo tăng 1,36 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 57,31 triệu thùng/ngày.
Điều hành giá xăng dầu cần hài hòa lợi ích của cả Nhà nước và người tiêu dùng.

Xu hướng nguồn cung tăng trưởng mạnh trong năm 2014 được dự kiến tiếp tục trong năm 2015, nhưng tốc độ thấp hơn. Tuy nhiên dự báo này có ảnh hưởng mạnh của các yếu tố như địa chính trị, môi trường, chế độ tài chính, chính sách về dầu mỏ, giá và sự phát triển kỹ thuật sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tăng trưởng dự kiến của nguồn cung cấp. Trong năm 2015, dự đoán tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới ở mức 1,12 triệu thùng/ngày, dẫn đến tổng tiêu thụ dầu thế giới ở mức 92,26 triệu thùng/ngày.

Cũng theo nguồn tin này, lượng nhập khẩu xăng dầu trong tháng 11 là gần 498.000 tấn, giảm 20,7% so với tháng 10. Đơn giá nhập khẩu bình quân giảm mạnh 15,1% so với tháng trước và giảm 25% so với mức bình quân của 7 tháng đầu năm (trước thời điểm giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh) nên trị giá nhập khẩu trong tháng là 353 triệu USD, giảm 32,7%. Càng về cuối năm, giá dầu thế giới càng lao dốc mạnh về dưới 60 USD/thùng, từ đó giá xăng dầu thành phẩm cũng giảm nhanh.

Tính từ đầu năm đến nay liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp đầu mối thực hiện 13 đợt điều chỉnh giảm giá xăng. Tuy nhiên, mức giảm này chưa tương xứng với mức giảm trên thị trường thế giới, do thuế nhập khẩu tăng. Động thái này được cho là chưa “sòng phẳng” với người tiêu dùng và chưa phù hợp với quyết tâm điều hành giá xăng dầu theo thị trường của Chính phủ. Người tiêu dùng không được hưởng mức giá mà đáng lẽ họ có quyền được hưởng.

Một cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương cho biết: Tính “chi ly”, riêng mặt hàng xăng thì thuế suất thuế nhập khẩu đang là 27%, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, thuế GTGT 10%, phí bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít. Trong đó, riêng thuế giá trị gia tăng được tính trên 10% của tổng giá CIF. Ngoài ra, xăng còn chịu thêm phần chi phí kinh doanh định mức 1.050 đồng/lít, Quỹ bình ổn giá mới được điều chỉnh lên 800 đồng/lít. Thuế hiện nay chiếm hơn 35% trong giá thành một lít xăng. Do đó, Bộ Tài chính cần phải có cách tính thuế hài hòa lợi ích của ba bên, bao gồm thu ngân sách của Nhà nước, lợi nhuận của doanh nghiệp và mức độ hưởng lợi về giá với người tiêu dùng.

Liên quan đến minh bạch xăng dầu, Nghị định 83/2014/NĐ-CP mới ban hành có hẳn một điều quy định về công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh, trong đó có quy định: Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang tin thông tin điện tử của mình về: Giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành…

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có chỉ thị về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu. Tuy nhiên, hiện nay trên trang thông tin điện tử này chỉ cung cấp giá xăng dầu cơ sở cho đến ngày mà liên Bộ Công Thương – Tài chính có quyết định điều hành gần nhất, còn những ngày sau đó thì không hề có. Điều đó khiến người dân và ngay cả các chuyên gia muốn tham khảo hiện giá cơ sở là bao nhiêu cũng không thể biết và chỉ biết khi liên bộ có quyết định điều chỉnh giá.                

Nam Phương
.
.
.