Dự án điện phân nhôm được trợ giá 230 triệu USD tiền điện

Thứ Hai, 30/03/2015, 21:17
Tin từ Bộ Công thương tại văn bản phản hồi một số ý kiến tiêu cực về dự án bô – xít Tây Nguyên mới đây cho biết: Dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân (sử dụng nguyên liệu tại chỗ thuộc dự án alumin Nhân Cơ, Đăk Nông) sẽ được trợ giá điện là 229,757 triệu USD trong giai đoạn 10 năm từ 2016 – 2025.
Nội dung này được đề cập tại công văn số 3025/BCT-CNNg ngày 15 tháng 4/2014 của Bộ Công thương. Đây là số chi phí được Nhà nước bỏ ra. Cùng với đó, dự án này cũng được hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.200 tỷ đồng, tương đương khoảng 54 triệu USD. Như vậy, trong 10 năm đầu, ngân sách sẽ lỗ khoảng 144 triệu USD cho dự án này (chi hỗ trợ 284 triệu USD trong khi thu ngân sách chỉ khoảng 140 triệu USD).

Bộ Công thương cũng cho biết, theo tính toán, nộp ngân sách giai đoạn 2016-2045 của dự án là 420 triệu USD; bình quân 14 triệu USD/năm. Nếu trừ đi chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án trong 10 năm đầu là gần 230 triệu USD thì dự án còn dư nộp ngân sách là khoảng hơn 190 triệu USD.

Bên canh đó, Bộ Công thương cũng cho biết, tỉnh Đăk Nông là địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vì vậy Dự án Trần Hồng Quân thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư, được nhà nước hỗ trợ theo Luật đầu tư 2005 và Luật đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 với việc hỗ trợ chuẩn bị mặt bằng khoảng 1200 tỷ (khoảng 54 triệu USD).

Như vậy, văn bản của Bộ Công thương cho rằng “dự án Trần Hồng Quân trong 10 năm sẽ nộp ngân sách là 190 triệu USD – 54 triệu USD bằng khoảng hơn 136 triệu USD”.

Tuy nhiên, kết quả này không chính xác, bởi 190 triệu USD là số nộp ngân sách trong vòng 30 năm, chứ không phải 10 năm. Trao đổi với PV báo CAND chiều 29-3, ông Trương Thanh Hoài – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), đơn vị soạn thảo văn bản này cho biết có nhầm lẫn trong soạn thảo. Số dư thu vào ngân sách sẽ là trong cả vòng đời dự án (30 năm) chứ không phải trong 10 năm.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng cho biết ngoài lợi ích về ngân sách, dự án còn đáp ứng nhu cầu nhôm (là loại nguyên liệu cơ bản của thế kỷ 21, về quy mô sản xuất và tiêu thụ đứng thứ 2 sau sắt và thứ nhất trong kim loại màu), thay thế nhập khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cân đối ngoại tệ.

Năm 2014, lượng nhôm nhập khẩu của Việt Nam khoảng 480.000 tấn, trị giá khoảng 980 triệu USD. Năm 2015, dự kiến khoảng 530.000 tấn, trị giá xấp xỉ 1,1 tỷ USD. Nếu mỗi năm dự án đáp ứng được 300 ngàn tấn nhôm thỏi, tương ứng giảm số ngoại tệ phải chi cho nhập khẩu là 678,438 triệu USD.

Sau khi giảm trừ các chi phí nhập khẩu của Nhà máy gồm các thiết bị, công nghệ, vật liệu đầu vào, lương lao động nước ngoài, giảm thu ngoại tệ do không xuất khẩu alumin tổng cộng là 182,118 triệu USD/năm thì số ngoại tệ nhập khẩu nhôm thực giảm là 302,283 triệu USD/năm.

Dự án này cũng giúp Nhà máy alumin Nhân Cơ tiêu thụ toàn bộ sản lượng alumin ổn định và lâu dài; giảm lưu lượng và chi phí vận chuyển và góp phần cải thiện hiệu quả của Nhà máy chế biến alumin Nhân Cơ của Vinacomin.

Chưa kể đến khoản thuế đóng góp cho ngân sách (gồm VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân) khoảng 14 triệu USD/năm. Đóng góp cho GDP của địa phương (Đắk Nông) bình quân 1 năm khoảng  14. 443 tỷ đồng tương đương 687,763 triệu USD/năm. Tạo việc làm trực tiếp trong Nhà máy điện phân nhôm khoảng 935 người (bình quân trong 15 năm).

Vũ Hân
.
.
.