Đóng tàu vỏ thép: Ngư dân băn khoăn, nhà quản lý bảo phù hợp

Thứ Bảy, 20/06/2015, 09:40
Trong khi các ngư dân cho rằng việc phải xin ý kiến đăng ký mẫu tàu vỏ thép mới (dù mẫu tàu không phù hợp) làm tăng chi phí thì cơ quan quản lý nhà nước lại cho rằng những điều chỉnh này chỉ nhằm phù hợp với tập quán, thói quen của ngư dân.
>> Bàn giao 2 tàu cá vỏ thép cho ngư dân

Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố 21 mẫu thiết kế kỹ thuật tàu cá vỏ thép khai thác hải sản, tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ, một số nhà quản lý, ngư dân ở các địa phương có ý kiến cho rằng 21 mẫu tàu cá vỏ thép được phê duyệt là không phù hợp. Nhiều ngư dân băn khoăn về mẫu thiết kế tàu vỏ thép do Bộ NN&PTNT đưa ra chưa phù hợp với thực tế, nên buộc phải điều chỉnh lại. Điều này dẫn đến mất thời gian xin ý kiến đăng ký mẫu mới tại Tổng cục Thủy sản và làm chi phí đóng tàu vỏ thép theo mẫu mới cao hơn rất nhiều.

Theo dự toán, vốn để đóng một con tàu vỏ thép ban đầu từ 7-8 tỷ đồng, nếu đóng theo mẫu mới đội lên đến 17-18 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, hiện các tỉnh vẫn đang trong quá trình tiếp tục đăng ký và phê duyệt danh sách các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014, trong số 651 tàu cá đã được phê duyệt có 292 tàu cá vỏ thép.

Đến nay, đã có 45 tàu cá vỏ thép có hợp đồng giám sát trong đó có 15 tàu cá chủ tàu lựa chọn theo đúng 21 mẫu tàu cá vỏ thép được Bộ NN&PTNT ban hành, 30 tàu cá vỏ thép còn lại điều chỉnh thiết kế, tuy nhiên chỉ điều chỉnh về thiết kế cho phù hợp với tập quán, thói quen và tính kiêm nghề của ngư dân. Hiện tại, số tàu cá vỏ thép đã và đang triển khai đóng tại các nhà máy đóng tàu là 6 chiếc.

Qua quá trình thực hiện đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và phản ánh của chủ tàu cũng như nhà máy đóng tàu, ông Nguyễn Vũ Hà, Trưởng phòng Đăng kiểm, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) cho rằng những mẫu thiết kế tàu cá vỏ thép đối với các nghề khai thác như nghề rê, nghề vây, nghề chụp, nghề câu và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt mang tính chung, đặc trưng cho các vùng miền Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và “phù hợp với yêu cầu thiết kế, ngư dân có thể sử dụng các mẫu này mà không cần điều chỉnh”.

Về các mẫu tàu cá gửi về đề nghị điều chỉnh sửa đổi, ông Hà cho hay, các mẫu tàu cá này chủ yếu chỉ điều chỉnh về thiết kế cho phù hợp với tập quán, thói quen và tính kiêm nghề của ngư dân (ví dụ như điều chỉnh tăng số thuyền viên của tàu, điều chỉnh kích thước cho phù hợp phong thủy với tuổi của ngư dân, điều chỉnh thiết kế để tàu có thể hoạt động kiêm nghề như nghề lưới chụp kiêm nghề vây mạn). Việc điều chỉnh này phù hợp với Thông tư số 25/2014/TT-BNN của Bộ NN&PTNT.

Dẫu vậy, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển yêu cầu tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân lựa chọn đóng mới tàu cá vỏ thép theo mẫu đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt và công bố nhằm thực hiện đúng yêu cầu Nghị định 67/2014. Trong quá trình triển khai lựa chọn mẫu thiết kế tàu cá vỏ thép, tiếp tục phổ biến và hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng theo Thông tư số 25/2014/TT-BNN, đồng thời tổng hợp ý kiến đóng góp của các chủ tàu, nhà máy đóng tàu và nhà quản lý về những yếu tố không phù hợp đối với mẫu tàu cá đã phê duyệt gửi Tổng cục Thủy sản (cụ thể là Trung tâm Đăng kiểm tàu cá) để có điều chỉnh mẫu thiết kế cho phù hợp.

Trước đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, Chính phủ đã cho phép các tổ chức, cá nhân đóng mới, nâng cấp tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ bằng vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV được hưởng các cơ chế, chính sách của Nghị định 67/2014, hỗ trợ chi phí thiết kế tàu vỏ gỗ, vật liệu mới, giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển phê duyệt, lựa chọn thiết kế. Cho phép sử dụng máy tàu thủy đã qua sử dụng (máy tàu thủy cũ) đối với trường hợp nâng cấp tàu cá.

Diệp Linh
.
.
.