Đồng Rúp mất giá hơn 50% sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam

Thứ Sáu, 19/12/2014, 15:04
Sau chuỗi ngày lao dốc của giá dầu, tới lượt đồng Rúp của Nga liên tục mất giá. Tính chung, cả dầu và Rúp đều đã giảm trên 50% trong vòng vài tháng qua.

Cho đến thời điểm này, đáy của đồng Rúp được lập vào chiều 16/12, khi mất thêm 19%, xuống ngưỡng 80 Rúp đổi 1 USD, bất chấp Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đột ngột nâng bổng lãi suất từ 10,5% lên 17%, có hiệu lực từ đầu ngày 16/12. Cú sụt giảm tiếp 19% thực sự là một diễn biến bất ngờ đối với cả Nga cũng như giới tài chính toàn cầu. Nó cho thấy sự mất kiểm soát của CBR và cho thấy chính sách tiền tệ không còn là công cụ hữu hiệu.

Mức giá này, so sánh với hồi đầu tháng 8/2014, khi đồng Rúp còn đứng ở mức 1 USD đổi 35 Rúp, thì đã giảm tới hơn 50%. Và mặc dù sau đó 1 ngày, đồng Rúp đã hồi phục trở lại, về mức 70 rúp đổi 1 USD và trên 90 Rúp đổi một Euro, tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính Nga cho rằng đồng Rúp đang bị "định giá vô cùng thấp". Là một nước có quan hệ giao thương chặt chẽ với Nga, một số chuyên gia kinh tế cho rằng đồng Rúp giảm giá sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam. Sự mất giá của đồng Rúp chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ở mức độ nào đó lên nền kinh tế Việt Nam thông qua kênh ngoại thương.

TS.Phan Minh Ngọc- Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Chi nhánh Singapore phân tích sự ảnh hưởng này cả ở hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Về xuất khẩu, trong cơ cấu, các mặt hàng chính từ Việt Nam xuất khẩu sang Nga là điện thoại và linh kiện (chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nga), hàng dệt may và cà phê (đều có kim ngạch trên 100 triệu USD), theo sau là thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép (đều có kim ngạch trên 50 triệu USD) và các loại nông sản khác...

Hàng hóa nhập về từ Việt Nam được tính giá bằng USD, trong khi bán ở Nga thì chỉ thu được Rúp, mà người tiêu dùng Nga đang phải thắt lưng buộc bụng, khiến cho hàng hóa nhập khẩu trở thành xa xỉ, nên đương nhiên không thể nhập được nhiều hàng từ Việt Nam sang nữa. Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sang Nga xấp xỉ 2 tỷ USD (1,44 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2013).

Về mặt nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Nga ít hơn là xuất khẩu vào thị trường này (10 tháng đầu năm nay nhập khẩu 768 triệu USD). Tuy vậy, khi đồng Rúp mất giá tới hơn 50% so với USD và cả với VND, hàng hóa xuất khẩu của Nga ra thế giới nói chung và vào thị trường Việt Nam nói riêng trở nên rẻ một cách bất ngờ, “chấp” tất cả các loại hàng rào thuế quan bảo hộ mậu dịch mà Việt Nam đã dựng lên với hàng hóa của Nga.

Bởi vậy, kim ngạch nhập khẩu từ Nga chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số vài trăm triệu USD như trên nữa mà có khả năng tăng lên mạnh. Xem xét cơ cấu hàng nhập khẩu, có thể thấy những ngành sản xuất trong nước như xăng dầu, phân bón, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, khoáng sản (quặng và than đá) v.v... có khả năng là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đây là những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga vào Việt Nam trong mấy năm qua…                           

PV
.
.
.