Kinh tế Việt Nam 2015:

Đón cơ hội tăng trưởng

Chủ Nhật, 04/01/2015, 09:58
Năm 2014 đã kết thúc với nhiều thành tựu kinh tế vượt các dự báo ban đầu. Đây sẽ là bước tạo đà cho sự khởi sắc của nền kinh tế trong năm 2015.5 điểm sáng kinh tế năm 2014

Nhìn lại nền kinh tế năm 2014, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng đây là một năm bản lề chuyển sáng rõ rệt và tích cực hơn trong suốt 4 năm qua (2010-2014) với 5 điểm nhấn nổi bật.

Thứ nhất, nền kinh tế tiếp tục cải thiện ở hầu hết lĩnh vực, tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tăng khá, trong đó GDP đạt 5,89%, thu ngân sách vượt dự toán, cán cân thanh toán thặng dư liên tiếp 4 năm qua. Ngành Nông nghiệp ít dịch bệnh, năng suất và sản lượng cây trồng đều tăng. Có sự cải thiện khá tốt về giá và sản lượng đàn trâu, bò, lợn và gia cầm, thủy sản đánh bắt và nuôi trồng trên cả nước. Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng liên tục, ổn định qua các quý; chỉ số tồn kho toàn ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở về bình thường. Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới vẫn hoạt động và phục hồi hoạt động tăng cao hơn số dừng hoạt động, với trên 68.000 DN đăng ký thành lập mới. Cả nước thu hút 1.427 dự án FDI mới; tổng vốn đăng ký hơn 13,410 tỷ USD, tăng 21,4% dự án với cùng kỳ năm 2013…

Kinh tế phục hồi trong năm 2014 khiến người dân phấn khởi. Ảnh: Thiện Hoàng.

Thành tựu thứ 2 là thị trường tài chính êm ả. So với nhiều năm trước, năm 2014 là một năm khá thành công cho ngành Tài chính - Ngân hàng. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được coi là điểm đến của dòng vốn ngoại. Lãi suất huy động ngân hàng liên tục giảm và tổng vốn huy động, cho vay tín dụng vẫn tăng theo kế hoạch đề ra. Nợ xấu và các ngân hàng, tổ chức tài chính yếu kém được kiểm soát.

Thứ 3, bất động sản (BĐS) ấm dần. Năm 2014 có sự phục hồi của thị trường BĐS phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân. Giá trị tồn kho BĐS giảm khoảng 13-15% so với cuối năm 2013 và BĐS vẫn có mức tăng dư nợ tín dụng cao hơn mức tăng dư nợ chung toàn ngành Ngân hàng.

Thứ 4 là lạm phát thấp, ở mức 1,84%, thấp nhất trong vòng 13 năm qua, góp phần cải thiện mức sống thực tế của người dân; củng cố sức mua đồng nội tệ, khả năng thanh khoản, giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay tín dụng; tăng hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế mới.

Thứ 5 là môi trường đầu tư, niềm tin thị trường được cải thiện. Năm 2014, Việt Nam tiếp tục có cải thiện về giảm thuế, lãi suất và điều kiện tín dụng, thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công, sự bình đẳng thị trường…

Nhiu cơ hi khi sc

Trên đà thắng lợi của năm 2014, các chuyên gia nhận định kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015. Theo đó, lạm phát trong năm 2015 được dự báo vẫn ở mức thấp, khoảng 4%, sẽ đảm bảo cho các cân đối kinh tế ổn định và tạo điều kiện tốt để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Dự báo, tăng trưởng của vốn đầu tư nước ngoài FDI có thể tăng lượng vốn giải ngân lên đến trên 17 tỷ USD.

Trong năm 2015, Việt Nam sẽ sớm thực hiện các cam kết theo các Hiệp định mới ký kết gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Đồng thời, tiếp tục đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Theo chuyên gia kinh tế, việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm 2015.

Lạm phát năm 2015 được dự báo ở mức thấp. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Theo TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cùng với kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, xu thế hội nhập có thể tạo một xung lực mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để đón cơ hội trong năm mới, TS Chung cho rằng cần phải giải quyết hàng tồn kho và hỗ trợ DN bằng việc tiếp tục giãn, kéo dài thời thời hạn nộp thuế, giảm mạnh các mức thuế và phí, hạ thấp lãi suất huy động và lãi suất cho vay, để tăng khả năng tiếp cận vốn của các DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thứ hai, tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào 3 trọng tâm: đầu tư công, hệ thống ngân hàng và DNNN. Thứ ba, tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường BĐS. Thứ tư, tiếp tục thực hiện các cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, nộp thuế, thành lập DN và các thủ tục hành chính khác.

Nhận định dè dặt hơn, TS Vũ Đình Ánh cho rằng triển vọng kinh tế 2015 có thể đi theo 2 kịch bản cơ bản, căn cứ vào khả năng kiềm chế lạm phát với kịch bản tươi sáng là nếu lạm phát trong năm 2015 được kiềm chế xuống dưới 5% đúng như kế hoạch, và ngược lại. TS Ánh cho rằng đừng chỉ trông chờ sự tăng trưởng của nền kinh tế thông qua tăng trưởng vốn đầu tư, mà cần phải chuyển mô hình tăng trưởng kinh tế cũ sang mô hình tăng trưởng kinh tế mới, dựa vào hiệu suất sinh lời của chính dòng vốn này, đi đôi với tăng năng suất lao động dựa trên nền tảng công nghệ mới, hiện đại.

Hà An
.
.
.