Doanh nghiệp xuất khẩu 'nhẹ gánh' vì tỷ giá

Thứ Sáu, 08/05/2015, 08:46
Cầu giảm, nhiều khách hàng nhập khẩu lớn của Việt Nam giảm nhu cầu, cộng với phải cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ, Brazil... đang có chính sách tỷ giá nới lỏng để tạo điều kiện cho xuất khẩu, do đó đầu tháng 5 này, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp cũng đã có kiến nghị điều chỉnh tỷ giá.

Đánh giá sự sụt giảm lớn trong 4 tháng đầu năm ở lĩnh vực xuất khẩu, bên cạnh yếu tố cung cầu, Bộ Công Thương cho biết, có tác động tiêu cực của tỷ giá, khi đồng euro và đồng yên mất giá so với đồng USD và nhiều nước xuất khẩu “đối thủ” của Việt Nam có chính sách buông lỏng tỷ giá để cạnh tranh.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng của thuỷ sản ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh.

Trong những diễn biến khó khăn đối với xuất khẩu thuỷ sản có vấn đề của tỷ giá. Cho đến cuối tháng 4, trên 90% các hợp đồng xuất nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam đều sử dụng USD để thanh toán do truyền thống và tính ổn định của đồng tiền này.

Tuy nhiên, đầu năm 2014, do tỷ giá đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác như euro, yên, nên xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam gặp khó khăn, do các nhà nhập khẩu liên tục đề nghị đàm phán để giảm giá, trong khi giá thành sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên liệu không giảm.

Xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong quý II.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản cho biết, theo cập nhật của các doanh nghiệp, có 3 nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm: Giá xuất không tăng, thậm chí với tôm còn giảm vì phải cạnh tranh với tôm Ấn Độ giá rẻ hơn. Ngược lại, giá thành nuôi trong nước lại cao, chưa biết làm thế nào trong ngắn hạn trước mắt có thể giảm được để cạnh tranh được với Ấn Độ và Thái Lan.

Nguyên nhân thứ 3 liên quan đến tín dụng, để trang trải cho thức ăn chăn nuôi đang là bài toán với cả DN và các hộ nông dân. Nếu vay được tiền ngay thì mức lãi suất thường không được như ý vì chăn nuôi rất rủi ro.

Phân tích những nguyên nhân này, tại cuộc họp với Bộ Công Thương đầu tháng 5 này, đại diện Hiệp hội Thuỷ sản đã đề nghị, nếu khó buông lỏng tỷ giá để kiểm soát vĩ mô, thì có thể giảm lãi suất để tăng sức cạnh tranh cho DN.

“Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador đang thả giá đồng tiền, nên chúng tôi mạnh dạn đề xuất NHNN xem xét có thể điều chỉnh lãi suất thấp  hơn so với hiện tại, ít nhất đối với nông, lâm thuỷ sản, cũng là một cứu cánh” – ông Nam cho biết.

Đây cũng là nguyện vọng của các DN xuất khẩu café, cacao và nhiều DN các ngành khác. Do đó, quyết định điều chỉnh tỷ giá ngày 7/5 của Ngân hàng Nhà nước đã đáp ứng đúng nguyện vọng của DN xuất khẩu, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam.

Các bộ, ngành cũng đã có lời hứa tăng cường hơn nữa tính trách nhiệm, sự chủ động năng động và sự phối hợp của các bộ, ngành với nhau, tập trung thực hiện Nghị quyết 19 về ổn định vĩ mô và tháo gỡ khó khăn cho DN, đóng góp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Bộ Công thương cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị trong Bộ tiếp tục tập trung mở rộng thị trường, tăng cường hơn nữa quá trình tham vấn với DN đổi mới nội dung xúc tiến thương mại, đảm bảo hiệu quả trong xuất khẩu và xuất khẩu bền vững.

Bộ cũng sẽ đánh giá kỹ hơn về năng lực cạnh tranh, giá thành đầu vào, giá xuất khẩu để hướng tới một số biện pháp cụ thể giảm giá thành sản xuất, kiểm soát chi phí đầu vào, làm việc với các bộ, ngành có liên quan đề xuất giảm cước phí vận tải cũng như các chi phí khác trong chuỗi sản xuất.

Được biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT sơ kết, đánh giá về xuất khẩu các mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn lưu thông với sản xuất, tính toán kỹ hơn để ổn định thị trường, tiêu thụ hết hàng hoá của nông dân, đặc biệt những mặt hàng mang tính thời vụ như rau quả và trái cây.

Nam Phương
.
.
.