Diễn đàn doanh nghiệp cuối kỳ 2014 (VBF):

Doanh nghiệp hướng tới các Hiệp định thương mại mới

Thứ Ba, 02/12/2014, 23:43
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ (VBF) cuối kỳ 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế, Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đồng tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội với chủ đề "Doanh nghiệp hướng tới các Hiệp định thương mại mới", diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có nhiều tín hiệu lạc quan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh- đồng Chủ tịch VBF, nhấn mạnh, diễn đàn là sự quy tụ và đối thoại giữa cơ quan chức năng, các đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhằm trao đổ ý kiến, đưa ra những nhận định và tập trung vào việc đề xuất, gợi ý Chính phủ về chính sách. Tất cả nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN tối đa và từ đó tạo ra sự tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Đáng chú là năm 2014 được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và thu đuợc kết quả tích cực. Tại thời điểm này đã có thể dự báo là hầu hết chỉ tiêu cơ bản về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2014 đều sẽ đạt hoặc vượt mức đề ra. Trên thực tế, bức tranh kinh tế đang sáng dần lên, niềm tin thị trường đối với giới DN cũng được cải thiện dù chưa thật đồng đều và mạnh mẽ như mong đợi. Mặt khác, thời gian vừa qua, cộng đồng DN cũng phải vận dụng hết thời cơ, sức mạnh và sự năng động để tồn tại và đứng vững trên thương trường. Đó cũng là quá trình DN tự thanh lọc để giữ lại những đơn vị đủ “sức đề kháng”- là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định chất lượng hoạt động của nền kinh tế.

Toàn cảnh diễn đàn.

Tại diễn đàn, Bà Virginia Foote- đồng Chủ tịch VBF 2014 bày tỏ vui mừng kể từ Diễn đàn trước tổ chức hồi tháng 6, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong một số lĩnh vực quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế đang được triển khai, nhằm giảm gánh nặng về thời gian trong kê khai thuế; các điều kiện cấp giấy phép lao động đã được nới lỏng; vấn đề công nhận, thực thi phán quyết của trọng tài nước ngoài cũng được Chính phủ quan tâm và trần chi phí quảng cáo, khuyến mãi sẽ được xóa bỏ theo lộ trình cụ thể. Theo đó, cộng đồng DN cũng thừa nhận những nỗ lực gần đây về cải cách thủ tục thuế, hải quan có kết quả đáng ghi nhận; trong đó riêng thời gian để thực hiện thủ tục nộp thuế sẽ giảm từ hơn 800 giờ xuống 171 giờ, bên cạnh việc áp dụng ngày càng rộng rãi hệ thống thông quan điện tử, giảm thiểu số lượng, giấy tờ mà DN cần khai báo trong quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, cần có sự liên hệ, so sánh về năng lực cạnh tranh, tính hấp dẫn của Việt Nam với các nước khu vực để thấy rõ vẫn còn một khoảng cách, đòi hỏi sự cố gắng hơn nữa. Đơn cử, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 78/189 nền kinh tế trong khi Thái Lan ở thứ 26 và Malaysia thứ 18. Đáng ngại là, DN vẫn phàn nàn là số lượng cũng như thời gian thực hiện một số loại thủ tục hành chính ở Việt Nam có lúc cao gấp 3-4 lần so với thực tế diễn ra ở các nước đối tác thương mại. Đặc biệt, DN đang sức ép lớn về việc thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao, đe dọa mục tiêu tự cải thiện sức cạnh tranh của mình. Ngoài ra, phần lớn DN nước ngoài lại lo ngại về việc thiếu nhà cung cấp linh kiện để lắp ráp thành phẩm do ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện còn rất thiếu và yếu kém. Một số chuyên gia lại cảnh báo về việc “quen” sử dụng tiền m trong xã hội, là điều kiện dễ dàng phát sinh chuyện tham nhũng, tẩu tán tài sản bất minh. Những vấn đề đó cần phải được giải quyết, khắc phục sớm để không trở thành rào cản đối với việc Việt Nam đang tăng tốc hội nhập, nhất là sẽ tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định đói tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương ngay trong năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ tham dự diễn đàn .

Ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, thiết thực của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đây là cơ sở để Chính phủ tiếp thu hợp lý, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách sát với thực tế hơn với tinh thần tạo mọi thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ Việt Nam trong năm 2015, bao gồm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn, tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức 6,2%, chủ động kiểm soát lạm phát ở mức 5% để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển, giảm bội chi ngân sách từ 5,3% năm 2014 xuống còn 5% vào năm 2015, bảo đảm nợ công ở mức cho phép và sẽ xử lý hiệu quả hơn nợ công, trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch. Chính phủ cũng đã đề ra kế hoạch 5 năm 2016-2020, trong đó mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5-7% /năm.

Để thực hiện được những mục tiêu này, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, quản lý để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, coi đây là khâu đột phá có ý nghĩa quyết định. Trong đó tập trung cải cách thể chế, luật pháp, thủ tục hành chính, phát triển mạnh các loại thị trường vốn, tiền tệ, lao động, bất động sản… tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; cải cách môi trường kinh doanh gắn liền với đó là tăng cường chống hàng lậu, hàng giả, trốn thuế dưới các hình thức một cách công khai minh bạch, trên cơ sở kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại đã có và tích cực đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cùng với đó Chính phủ Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả cao hơn năm 2014 trên các lĩnh vực cụ thể như: huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao; cải cách mạnh đầu tư công theo hướng tập trung có hiệu quả; cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động, quản trị hiệu quả góp phần đưa nợ xấu về mức bình thường khoảng 3% vào năm 2015; đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với phát triển kinh tế, Chính phủ sẽ tiếp tục làm tốt hơn công tác bảo đảm tiến bộ công bằng, an sinh xã hội trên các lĩnh vực việc làm, y tế, giáo dục và giảm nghèo. Đặc biệt, công tác phòng chống tham nhũng là một trong những ưu tiên trong thời gian tới với 2 giải pháp lớn là hoàn thiện kinh tế thị trường gắn với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai minh bạch trong quản lý tài sản, tài chính ngân sách, khoáng sản, doanh nghiệp Nhà nước, và phát hiện xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn thường xuyên nhận được góp ý của các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về những vấn đề Việt Nam cần tập trung cải cách, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đồng thời góp phần phát triển hiệu quả, bền vững hơn nền kinh tế .

Lưu Hiệp
.
.
.