Doanh nghiệp Nhà nước vẫn hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay

Thứ Bảy, 29/11/2014, 10:28
Mới đây, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) năm 2013, vấn đề vốn rất được dư luận quan tâm. Sau kết quả bê bết của năm 2012, tình hình đã được cải thiện hơn với nhiều chỉ số tăng về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách… Tuy nhiên, vẫn còn những căn bệnh cố hữu như hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với khối này chưa cao; tỷ suất lợi nhuận còn thấp; tình trạng độc quyền gây ra sức ì lớn, cản trở nhiệm vụ trở thành động lực cho nền kinh tế của DNNN…
Báo cáo cho biết: Tính đến hết năm 2013, cả nước có 796 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có 8 tập đoàn kinh tế (TĐ), 100 tổng công ty (TCT); 25 công ty TNHH một thành viên (MTV) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 309 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích và 354 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại. Số DN này nắm tổng tài sản hơn 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 1,145 triệu tỷ đồng, tăng 15%.

Qua báo cáo này, Bộ Tài chính đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của các TĐ, TCT tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp nên phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài chính như chi phí tài chính và chi phí lãi vay tăng cao (hầu hết hoạt động đầu tư các TĐ, TCT dựa trên vốn vay). Cùng với hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với quy mô vốn, tài sản; năng suất lao động không cao thì việc tồn tại tình trạng độc quyền (chiếm thị phần lớn) trong một số lĩnh vực làm cho DNNN không chịu sức ép cạnh tranh, dẫn đến sức ỳ lớn, thiếu tính chủ động trong đổi mới sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đáng chú ý hơn, quản lý nhà nước đối với khối DN này cũng đang rất lúng lúng. Bộ Tài chính cho rằng, các vấn đề đặc thù đặt ra liên quan đến sự tồn tại và vận hành của các DNNN vẫn chưa được giải quyết, do hoạt động của khối này được điều chỉnh chung bởi các luật như đối với các thành phần kinh tế khác. Việc quản lý bằng các văn bản dưới luật cũng gây khó khăn do dễ bị thay đổi, hiệu lực thực thi không cao, làm giảm hiệu quả của quản lý, gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát, giám sát của Nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực cũng như việc bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích, an ninh, quốc phòng.

Việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và triệt để, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung cũng như hoạt động giám sát của Nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu Nhà nước chưa cao. Tuy nhiên, cùng với đó thì “cơ chế” cũng lại gây khó khăn cho hoạt động của DN khi chưa phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích, chưa đảm bảo cho các DNNN được giao hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có mức sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không đủ sức tham gia nhưng cần thiết cho nền kinh tế.

Nam Phương
.
.
.