Điều chỉnh bậc thang giá không làm tăng doanh thu của EVN

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:14
Tiếp tục chủ đề nóng về điều chỉnh biểu giá điện sinh hoạt, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm về chủ đề này, với sự góp mặt của đại diện Bộ Công thương, EVN và chuyên gia độc lập.


Trả lời câu hỏi về căn cứ tính giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết: Vào tháng 3 vừa qua, thực hiện theo Quyết định 69 của Thủ tướng, giá điện đã được điều chỉnh tăng lên bình quân 1.622,01 đồng/kWh. Cơ sở xem xét giá bán trên dựa vào báo cáo kiểm tra giá thành 2013, kết quả sản xuất kinh doanh 2014 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 của EVN. 

Biểu giá điện mới vẫn đang thu hút một số quan điểm trái chiều.

Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, giá điện được tính toán dựa trên cơ sở báo cáo giá thành được kiểm toán độc lập, “chỉ dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh điện, không tính đến chi phí ngoài ngành cũng như chi phí bể bơi, sân tennis”.

Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Văn Tuỳ - Phó trưởng Ban Tài chính - Kế toán (EVN) cũng một lần nữa đưa ra lý giải về con số 1.747 đồng/kWh của giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân. Theo đó, mức giá này căn cứ theo Quyết định 28 của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. 4 nhóm khách hàng sử dụng điện bao gồm: nhóm sản xuất, nhóm cơ quan hành chính - sự nghiệp, nhóm kinh doanh dịch vụ, nhóm sinh hoạt, mỗi nhóm đều có mức giá bình quân khác nhau, qua đó khẳng định con số 1.747 đồng/kWh tuy đến gần đây mới xuất hiện, nhưng không có gì bất thường.

Cũng góp mặt tại buổi tọa đàm, GS Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực nhấn mạnh, biểu giá mới phải hợp lý hơn, không ảnh hưởng lớn đến đa phần người dân, đặc biệt là người nghèo, nhưng vẫn phải đảm bảo tính điều tiết: tức là phải cho người dân thấy càng sử dụng nhiều điện sẽ càng phải trả giá cao, bởi điện là năng lượng không tái tạo, liên quan đến tài nguyên của quốc gia và ảnh hưởng đến môi trường. 

Với quan điểm này, GS Trần Đình Long đề xuất nên gộp 2 bậc thang đầu làm 1, thu gọn biểu giá thành 5 bậc thang, mỗi bậc cách nhau 100kWh và khoảng cách giữa các bậc, đặc biệt là bậc “của người giàu”, sử dụng rất nhiều điện, giá sẽ phải cao hơn hẳn. Có như vậy, người dân mới ý thức sử dụng tiết kiệm trong bối cảnh cung không đủ cầu. 

GS Trần Đình Long cũng bày tỏ sự không nhất trí với cách thống kê của EVN và đơn vị tư vấn về số hộ sử dụng điện, bởi dù “chỉ có 4,67% số hộ sử dụng điện ở bậc thang thứ 6 (tức trên 400 kWh/tháng) nhưng điện lượng mà họ sử dụng lên đến gần 25%, cũng như 1% người giàu sở hữu đến hơn 80% tài sản của thế giới. Việc thống kê số hộ không mang ý nghĩa”. 

Giải thích về việc giao EVN soạn thảo đề án giá điện và tổ chức hội thảo có phải là “nhầm vai”, là Cục Điều tiết điện lực né tránh trách nhiệm, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng với vị trí, vai trò như EVN thì việc giao cho EVN là hoàn toàn phù hợp. 

Một lần nữa trả lời về khoản lỗ 12.000 tỷ đồng do điều chỉnh tỷ giá mà EVN “kêu” hồi tháng 9, liệu có khiến giá điện tăng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết dù định kỳ 6 tháng EVN vẫn báo cáo các thông số đầu vào để tính toán giá điện cơ sở nhưng tỷ giá chỉ là một trong các yếu tố, và riêng tỷ giá chưa đủ căn cứ để điều chỉnh giá. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn kiên định việc trợ giá điện cho người nghèo, dự kiến 2015 sẽ bỏ ra khoản tiền 2.100 tỷ đồng để thực hiện chính sách trên. 

Vũ Hân
.
.
.