Đề nghị giảm thuế để xăng Dung Quất ngang với xăng nhập từ Hàn Quốc

Thứ Sáu, 26/02/2016, 09:30
Sau khi PVN có văn bản kiến nghị, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng vừa có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, về việc tháo gỡ những khó khăn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó đề xuất giảm thuế đối với xăng Dung Quất và yêu cầu các khách hàng lớn như Petrolimex tiếp tục mua hàng của đơn vị này trong những năm tiếp theo.


Cụ thể, VEA cho rằng Thông tư 201 (12-2015) về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018, đã khiến chênh lệch thuế giữa xăng dầu nhập khẩu và xăng dầu sản xuất trong nước quá lớn, gây khó khăn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. 

Cụ thể, các sản phẩm xăng của Dung Quất hiện đang áp dụng mức thuế nhập khẩu là 20%, cao hơn mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc là 10% (tương đương 4,87 USD/thùng tính theo giá trung bình tháng 1-2016 của sản phẩm xăng). Với mức chênh lệch này, Dung Quất rất khó bán hàng, ngoài khối lượng đã được ký theo hợp đồng dài hạn. 

Được biết, sau khi có thông tư nêu trên, Petrolimex đã đề nghị Dung Quất có phương án giảm giá xăng bán bổ sung và giá dài hạn cho 6 tháng cuối năm để ngang bằng với giá mặt hàng xăng nhập từ Hàn Quốc. Sản phẩm chính của Dung Quất là xăng (chiếm hơn 90% tổng sản lượng), nên việc không tiêu thụ được xăng, dầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của nhà máy và hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Do đó, VEA đã đề nghị Chính phủ và các bộ cho điều chỉnh lại thuế để giá xăng dầu của Dung Quất ngang bằng với mặt hàng xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc. Cùng với đó, VEA cũng đề nghị Chính phủ và các bộ chỉ đạo các khách hàng đặc biệt, khách hàng lớn là Petrolimex tiếp tục ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm xăng dầu với Dung Quất trong năm 2016 cũng như các năm tiếp theo. 

Tùy tình hình biến động giá xăng dầu thế giới cũng như quan hệ giữa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với các khách hàng; Nhà máy sẽ có các biện pháp điều chỉnh giá phù hợp với giá thị trường hiện tại để các khách hàng chấp nhận được và tiếp tục tiêu thụ.

Ngoài kiến nghị liên quan đến Dung Quất, VEA cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết các vấn đề của PVN cả với tầm nhìn dài hạn, song song với việc tháo gỡ trước mắt. VEA cho rằng khả năng khôi phục của giá dầu thô là chậm, có thể vào cuối 2017. Hiện tại, giá dầu đã giảm khá sâu (tới 70% kể từ tháng 6-2014). 

Dự đoán giá dầu thế giới vẫn ở mức thấp trong vòng 3 đến 5 năm tới. Thị trường dầu mỏ đang đối mặt với nhiều rủi ro khó lường như những bất ổn về chính trị và xung đột khu vực trên thế giới, khủng hoảng nợ tại châu Âu, bất ổn kinh tế của Trung Quốc... 

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của PVN, đặc biệt là việc đầu tư các dự án dài hạn. Tuy tỷ trọng đóng góp vào thu Ngân sách Nhà nước đã giảm nhiều trong những năm qua (12% trong năm 2015), nhưng PVN vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng của đất nước.

V.H.
.
.
.