Đề nghị chuyển sang cơ chế giá 19 loại phí

Thứ Ba, 19/05/2015, 09:02
Tại Tờ trình về dự án Luật phí và lệ phí sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp này, Chính phủ đã đề xuất đưa 19 loại phí sang cơ chế giá, trong đó có những khoản phí liên quan mật thiết đến đời sống của người dân như phí chợ; phí trông giữ xe; phí vệ sinh; thuỷ lợi phí; phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT; phí qua cầu, đò, phà... Đây là một trong những động thái nhằm thực hiện mục tiêu từng bước xoá bỏ bao cấp thông qua giá, phí dịch vụ để đưa giá từng bước tiệm cận giá thị trường.

Tờ trình của Chính phủ cho biết: Pháp lệnh về phí và lệ phí có hiệu lực từ năm 2002, đã tạo nguồn thu nhất định cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể, năm 2014 số thu từ phí, lệ phí là 33.271 tỷ đồng, bằng 3,99% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, đến nay pháp lệnh đã có nhiều điểm không còn phù hợp.

Có thể kể đến một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật chuyên ngành, đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như: Học phí, viện phí; phí kiểm định phương tiện đo lường...; một số khoản phí có tên trong danh mục nhưng 13 năm qua chưa hề phát sinh hoặc một số khoản bị trùng lắp.

Do đó, Chính phủ đã đề nghị đưa ra khỏi danh mục 18 khoản phí, trong đó có 2 khoản chưa hề thu được một đồng nào là phí bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và phí giám định hàng hoá xuất, nhập khẩu. Có 12 khoản lệ phí cũng được đề xuất đưa ra khỏi danh mục.

Dự án Luật lần này được xây dựng với mục tiêu khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công để hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện có lộ trình việc xoá bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Bên cạnh đó, luật cũng giúp đảm bảo chính sách về phí, lệ phí công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tờ trình của Chính phủ đề nghị 19 khoản phí chuyển sang giá, trong đó có 12 khoản thuộc danh mục Nhà nước định giá là phí chợ; phí thẩm định kết quả đấu thầu; phí sử dụng cảng, nhà ga; phí kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; phí trông giữ xe; phí vệ sinh; thuỷ lợi phí; phí kiểm nghiệm chất lượng động, thực vật; phí hoa tiêu, dẫn đường; phí qua cầu, đò, phà; phí kiểm định phương tiện vận tải, phương tiện đánh bắt thuỷ sản.

Bên cạnh đó có 7 loại phí doanh nghiệp phải kê khai, niêm yết giá: Phí kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, thực vật; phí kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu; phí giới thiệu việc làm; phí dự thi, dự tuyển; phí kiểm nghiệm trang thiết bị y tế. Các khoản phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá, gồm các khoản phí thu từ dịch vụ có ít đơn vị cung cấp hoặc dịch vụ dễ độc quyền, như phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT, phí chợ, phí bến bãi, phí vệ sinh, phí thẩm định kết quả đấu thầu, phí sử dụng cảng, nhà ga...

Theo Tờ trình, về bản chất, các khoản thu này đang thực hiện theo cơ chế giá; nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn, không nộp NSNN (như phí đường bộ qua trạm BOT; phí thẩm định kết quả đấu thầu; phí kiểm định phương tiện vận tải, phương tiện đánh bắt thuỷ sản).

Tuy nhiên, do các dịch vụ này liên quan đến an sinh xã hội nên Nhà nước cần quy định giá để đảm bảo xác định thời gian thu hồi vốn hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Như vậy, danh mục phí kèm theo luật sẽ bao gồm 51 khoản phí, trong đó 36 khoản kế thừa danh mục phí hiện hành và 15 khoản đang được quy định tại một số luật chuyên ngành sẽ được bổ sung vào danh mục. Danh mục lệ phí sẽ gồm 39 khoản, trong đó 30 khoản kế thừa danh mục hiện hành và 9 khoản đang được quy định tại một số luật hiện hành được bổ sung.

Nam Phương
.
.
.