Người trồng hoa Tết ở Tây Tựu, Hà Nội:

"Đánh bạc" với thời tiết

Chủ Nhật, 11/01/2015, 14:12
Sau vụ hoa Tết năm ngoái, người trồng hoa ở Tây Tựu, Hà Nội kiếm lãi từ việc đầu tư hàng tỷ đồng vào hoa ly, năm nay người nông dân lại cầm cố nhà đất cho ngân hàng để tiếp tục "đánh bạc" với trời. 
Nhà nào vốn nhiều thì đầu tư ngót nghét chục tỷ, nhà ít thì vài ba trăm triệu đến vài tỷ. Nhà không có vốn thì chỉ dám đầu tư vài chục đến một trăm triệu cho các loài hoa phổ thông như hồng, cúc, thược dược, mặt trời... Nhưng nếu giá hoa ly vẫn giảm như hiện nay, người nông dân khả năng sẽ lỗ.

Tiếp tc vay ngân hàng đ trng hoa

Ngày 9/1 có mặt ở cánh đồng hoa Tây Tựu trong tiết trời mưa rét khiến chúng tôi thấy ở đây nhuốm màu xám xịt, u ám nhưng trên môi của những nông dân mà chúng tôi gặp lại nở nụ cười rất tươi: "Thời tiết phải thế này thì người nông dân mới sống được, chứ cứ nắng ấm như vừa rồi thì giá rớt thê thảm quá" - chị Nguyễn Thị Lan, ở Đội 5, Hợp tác xã số 2 Tây Tựu vừa chăm vườn cúc vừa nói. Nhà chị trồng 3 sào cúc và 5 sào hồng. Nguyên tiền giống cho 3 sào cúc đã mất 15 triệu đồng. Thời tiết nắng ấm vừa qua, giá hoa cúc rớt thảm hại, bán buôn còn 300 – 500 đ/bông, thu hoạch xong 1,5 sào hoa cúc, tính toán lại chị Lan giật mình khi thấy bị lỗ. "Nếu 3 sào cúc này mà thời tiết thuận lợi bán đúng Tết thì được lãi khoảng 30 triệu, còn nắng ấm thì chỉ hòa vốn" - chị Lan lo lắng.

Thời điểm này, cả cánh đồng Tây Tựu đều là một màu xanh và xám, những hoa bán Tết chủ yếu vẫn đang nảy nụ. Cả 3 hợp tác xã Tây Tựu năm nay trồng khoảng 300 ha hoa Tết các loại, căn cứ vào thị trường nên chủng loại chủ yếu vẫn là hoa hồng, cúc các loại; thược dược, mặt trời, đồng tiền, ly các loại... Nhưng theo chính quyền phường Tây Tựu thì bà con xã viên còn thuê thêm 200ha đất ở các địa bàn lân cận để trồng hoa. Nằm trong các nhà lưới bề thế, vựa hoa ly ở Tây Tựu được người nông dân chăm sóc rất đặc biệt. Nhà vườn tất bật chăm hoa bởi tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa của họ đã đem "đánh cược" vào những bông hoa này.

Ông Bùi Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm cho biết, Tết năm nay nông dân Tây Tựu trồng khoảng 200ha hoa ly, trong đó chỉ có 20ha ở Tây Tựu, còn lại là người dân đi thuê đất ở huyện Đan Phượng, Hoài Đức để trồng. Tây Tựu có khoảng 10 hộ trồng hoa ly lớn, vốn đầu tư từ vài tỷ đến chục tỷ. Nổi tiếng trong giới trồng hoa ly ở Tây Tựu, gia đình ông Nguyễn Văn Xuân, ở Đội 6, HTX số 2 Tây Tựu được cho là người thành công nhất nhì ở vùng này. Vốn bỏ ra trồng 7 mẫu ly ngót nghét chục tỷ đồng, gia đình ông phải thuê tới 20 thợ chăm sóc và trông nom hoa ở cả Tây Tựu và đất thuê ở Đan Phượng.

Người trồng hoa ở Tây Tựu chỉ mong thời tiết rét để được mùa Tết. Ảnh: Thiện Hoàng.

Trung bình 1 củ ly giống có giá từ 13.000đ – 22.000đ tùy loại. Sau 3 tháng chăm bẵm, hoa mới cho thu hoạch. Là người có kinh nghiệm nhiều năm, vốn đầu tư lớn nên gia đình ông Xuân hầu như là thắng. Nổi tiếng trong giới trồng hoa ly "khủng" ở đây còn có các anh em họ của ông Xuân như ông Nguyễn Văn Cúc, Nguyễn Văn Tỵ và đây đều là những hộ làm giàu từ hoa.

Theo chính quyền xã Tây Tựu thì nghề trông hoa ly vài năm nay rất phát triển. Để trồng 3 sào hoa ly, người nông dân phải bỏ vốn khoảng 350 triệu đồng. Nhiều nhà không có vốn thì đi vay ngân hàng, chủ yếu cầm cố sổ đỏ.

Ri ro rt cao

Nếu thời tiết chiều lòng người, "mưa thuận gió hòa" thì Tết năm nay người trồng hoa ở Tây Tựu lại có một cái Tết xôm. Theo ông Hòa thì Tết năm ngoái người trồng hoa hồng được giá nhưng sản lượng lại thấp do nhiều đợt rét đậm. Còn hoa ly thì ở Tây Tựu trồng quanh năm, tuy nhiên giá năm nay giảm hơn mọi năm, dẫn tới thu nhập của nông dân thấp. Nhưng đấy là thời tiết thuận lợi, còn không thì "độ rủi ro rất cao". Ông Hòa phân tích, vốn đầu tư vào trồng hoa ly rất lớn, chưa kể bà con đi vay lãi ngân hàng còn phải cộng cả lãi suất. Nếu rủi ro thì thiệt hại là khôn lường, nhà đất cắm có thể mất.

Ông Hòa phân tích: "1 sào đất trồng được 6.500 củ ly, tiền giống 22.000đ/củ + 1.000đ (chi phí), nếu giá hoa ly bán được 28.000đ/cành thì mỗi củ ly người nông dân lãi được 5.000đ. Nhưng nếu thời tiết không thuận, hoa nở không đúng Tết, đặc biệt giá hoa ly vẫn rớt như hiện nay (giá bán buôn ngày 7-1 là 34.000đ/cành, sang ngày 8/1 rớt xuống 16.000đ/cành) có khi người nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí còn lỗ, mất cả công".

Chính vì điều này mà khi trò chuyện với chúng tôi, ông Hòa không khỏi băn khoăn, lo lắng. Ông cho biết, UBND phường định hướng cho bà con nâng cao sản xuất, tuy nhiên cũng phải tìm hiểu thị trường để đầu tư có khoa học, nếu không độ rủi ro cao, giống như "đánh bạc". Năm ngoái có hộ vay tiền trồng hoa ly lỗ hơn 100 triệu khóc ròng, nhưng năm nay vẫn tiếp tục đầu tư. Theo thông báo dư nợ từ Ngân hàng NN&PTNT của nông dân Tây Tựu vay để trồng hoa năm 2014 là trên 4 tỷ đồng, chưa kể họ còn vay của nhiều ngân hàng khác.

Người trồng hoa ở Tây Tựu chỉ mong thời tiết rét để được mùa Tết.

Đến thời điểm này, ông Hòa cũng chưa đưa ra đánh giá gì về sản lượng hoa Tết năm nay, bởi theo ông thị trường hoa rất khó nói, nó không chỉ liên quan đến thời tiết mà còn do thị trường tiêu thụ quyết định. Nếu Tết này hoa hồng mà được 1,5 nghìn – 2 nghìn/bông hoặc 4 nghìn – 5 nghìn/bông là thắng. Thời tiết năm nay ôn hòa, thuận lợi cho sản xuất, nên nông dân Tây Tựu chưa bị mất mùa vụ nào trong suốt năm 2014. Nhưng nếu như Tết năm 2014 hoa của Tây Tựu xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc thì dự đoán Tết năm nay giảm do thời tiết ấm.

"Canh bạc" hoa ly ở Tây Tựu vẫn là câu chuyện nóng bỏng ở thời điểm này, bởi người nông dân chỉ trông vào trời, trông vào thị trường, nếu giá hoa vẫn như hiện nay thì đầu tư bị thất thoát. Mong rằng thời tiết sẽ thuận lòng người để bà con trồng hoa bớt vất vả hơn.

Ông Bùi Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu: Khó khăn lớn nhất với bà con nông dân là nguồn cung cấp giống, đặc biệt với hoa có giá trị cao như hoa ly, giống phải nhập từ Hà Lan. Đến nay chưa có một doanh nghiệp đầu mối Nhà nước nào đứng ra cung cấp giống cho bà con, đều tự bà con mua và ký kết hợp đồng với những nhà cung cấp tư nhân trôi nổi. Điều này gây ra rủi ro rất cao, tỷ lệ cây chết cao do chất lượng giống kém (10% số hộ bị ảnh hưởng năm 2014), không được bồi thường thiệt hại... Người nông dân rất mong có một doanh nghiệp đầu mối Nhà nước đứng ra cung cấp giống cho bà con để bà con yên tâm đầu tư sản xuất.
T.Hằng – N.Hương
.
.
.