DN kỳ vọng lớn vào việc cải thiện môi trường kinh doanh

Thứ Hai, 16/05/2016, 09:14
Quý I năm 2016 ghi dấu một giai đoạn số lượng doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động tăng lên một cách đáng báo động. Với nhiều chuyên gia kinh tế, đây không thể được coi là một hiện tượng bình thường, mà là những dấu hiệu đáng ngại đe dọa những mục tiêu phát triển.


Nguyên nhân chính được xác định là do chi phí của doanh nghiệp đang tăng lên bởi gánh nặng thuế, phí, trong khi môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện bởi thủ tục hành chính.

Chi phí tăng lên, rào cản lại chưa được gỡ bỏ

Trước thềm cuộc đối thoại của Thủ tướng với DN được tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã đặt ra một câu hỏi lớn: Tại sao số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động nhiều đến thế?

“Trước đây, giai đoạn 2000 - 2007, tỷ lệ DN tạm ngừng so với số mới thành lập chỉ 15-20% là cùng. Nhưng trong quý I năm nay, đã có hơn 22.000 DN tạm ngừng hoạt động dưới các hình thức trên tổng số 24.000 DN mới thành lập, tức tỷ lệ lên đến 91,67%, là một con số cực kỳ cao. Nếu nói hiện tượng này là bình thường thì rõ ràng là nói dối” – ông Cung khẳng định.

Nếu nhìn ở cấp địa phương, tình trạng phá sản nhiều nhất đang nằm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đối với Hà Nội, quý I năm ngoái có khoảng 2.000 DN ngừng hoạt động, thì quý I năm nay đã tăng hơn 50%, lên hơn 3.000 DN. TP Hồ Chí Minh, con số này của quý I năm ngoái là hơn 4.000 DN, sang quý I năm nay là hơn 8.000 DN, tăng 200%. 

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, nhìn tổng thể, rõ ràng là chi phí của DN tăng lên, lợi nhuận giảm xuống đến mức thua lỗ, mới khiến DN phải rời bỏ thị trường, bởi không ai đang kinh doanh có lợi nhuận lại ngừng cả. 

“Có lẽ nguyên nhân quyết định phần lớn nằm ở chi phí tăng lên. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng là lãi suất tăng làm chi phí tài chính tăng; các chi phí về lao động, bảo hiểm, công đoàn… cũng đều tăng, và đặc biệt có khả năng chi phí thuế tăng lên. Tôi đã suy nghĩ rất lâu về việc tại sao chi phí thuế lại tăng lên? Có lẽ vì ngân sách thất thu và bội chi lớn, nên nhiều khoản thu bị tăng theo kiểu tận thu. Có những khoản trước đây không phải thu, nhưng bây giờ thu; có khoản trước đây là chi phí hợp lý, hợp lệ, thì giờ không còn nữa; chi phí vận tải cũng tăng. Tôi cho rằng tăng chi phí chính là gốc rễ của vấn đề” – TS Nguyễn Đình Cung phân tích. 

Doanh nghiệp kỳ vọng lớn vào việc cải thiện môi trường kinh doanh đang được Chính phủ khởi động.

Giai đoạn 2007 – 2013, do bất ổn kinh tế vĩ mô, sức lực của DN tư nhân trong nước bị xói mòn, hao tổn rất lớn, đáng lẽ thời kỳ này phải là thời kỳ nuôi dưỡng, nâng đỡ, thời kỳ tạo ra một tinh thần khởi sự, khởi nghiệp, thì hiện nay chúng ta không thấy một động lực như vậy.

Trái ngược với chi phí tăng lên, các rào cản kinh doanh lại không hề giảm xuống, khiến các DN gặp rất nhiều trở ngại. Trong bản kiến nghị được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam gửi đến Thủ tướng, tập hợp kiến nghị của các Hiệp hội DN trong cả nước, hầu như không mấy trang thiếu vắng sự ta thán về thủ tục hành chính. 

Cùng với đó, các điều kiện kinh doanh vẫn còn quá ngặt nghèo, chưa tạo môi trường thông thoáng và động lực cho DN phát triển.

“Quyền tự do kinh doanh phải được đẩy đến tột độ”

Việc ngày 14-5 vừa qua, Thủ tướng tiếp tục ký văn bản thúc giục các bộ xây dựng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành một lần nữa cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc hạ bớt các rào cản co DN. 

Với tinh thần này, các DN và các chuyên gia đều đang trông đợi đến ngày  1-7 tới, tất cả các điều kiện kinh doanh nằm trong các văn bản dưới Nghị định của các Bộ đều phải gỡ bỏ. 

Muốn tạo ra một tinh thần khởi nghiệp, thì TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Quyền tự do kinh doanh phải đẩy đến tột độ, phải cải thiện điều kiện kinh doanh giảm rủi ro pháp lý với hoạt động này. Không có nước nào một nghề thúc đẩy cho phát triển lại có thể gặp rủi ro lớn”. 

“Luật Đầu tư đã có một bước tiến, buộc các bộ nếu muốn nâng lên Nghị định thì phải rà soát hàng nghìn điều kiện kinh doanh do mình ban hành, và những thứ không còn phù hợp thì phải bãi bỏ. Nếu cải cách được như thế sẽ là một thay đổi lớn, một kỳ vọng lớn về cải cách môi trường và điều kiện kinh doanh” – TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Theo TS Bùi Ngọc Sơn, trong giai đoạn tới, các động lực “cứng” cho tăng trưởng kinh tế đã rất hẹp. “Cửa” ngân sách rất khá vào giai đoạn trước giờ không còn. “Cửa” tín dụng thì vướng nợ xấu và bất động sản thừa ế, nên ngân hàng không còn sức lực nào đưa tín dụng ra phục vụ nền kinh tế tăng trưởng. 

Chúng ta biết rõ tình trạng nhà sản xuất của chúng ta ra sao: Doanh nghiệp Nhà nước vẫn là số đông, hưởng nhiều quyền lợi, nhưng hoạt động không hiệu quả và chưa thấy cải cách gì cả; DN tư nhân càng ngày càng teo tóp, công nghệ không có gì đáng kể. Với tất cả yếu tố phần cứng thế này, tôi không thấy yếu tố nào có thể tạo ra tăng trưởng. Bối cảnh quốc tế trong thời gian tới cũng không phải tốt đẹp khi tăng trưởng dự báo ở mức thấp ổn định trên dưới 3%” – TS Bùi Ngọc Sơn nêu vấn đề.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, câu trả lời sẽ chỉ tìm được trong các động lực “mềm” là cải cách thể chế, nâng cao chất lượng lao động…

Nam Phương
.
.
.