Chuyên gia lên tiếng về dự án xây dựng nhà hát opera ở sát Hồ Tây

Thứ Sáu, 22/07/2022, 08:40

Mấy ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự kiện UBND quận Tây Hồ lấy ý kiến người dân về quy hoạch bán đảo Quảng An, đặc biệt trong đó có vị trí xây dựng nhà hát opera trên Đầm Trị, sát Hồ Tây. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng còn nhiều băn khoăn, lo ngại nhà hát này sẽ phá vỡ cảnh quan, tạo áp lực giao thông hạ tầng ở khu vực này.

Biểu tượng nhà hát opera chưa hợp lý, chưa mang bản sắc địa phương

Để rộng đường dư luận, chiều 21/7, chúng tôi đã tìm gặp TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam. Ông đã từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.

Theo ông Nghiêm, năm 1998, Hà Nội đã lập Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (quy hoạch năm 1998). Quy hoạch này lần đầu tiên đã vượt qua sông Hồng sang Gia Lâm và trong đó đã đặt ra vấn đề Hồ Tây là trung tâm mới của Hà Nội. Lúc đó, đã có nhiều dự án bám theo quy hoạch này. Có các nhà hát, các khu vực cụm liên cơ quan. Trong quy hoạch năm 1998 đã có ý tưởng phát triển một không gian từ phía tây Hồ Tây lên bán đảo Quảng An, trong đó có khu vực Đầm Trị.

Quy hoạch Thủ đô năm 1998 đề ra trục không gian chủ đạo truyền thống phía Tây của Hồ Tây, kết nối với bán đảo Quảng An và kết nối với khu di tích Cổ Loa. Hai điểm này giao thoa với nhau chính ở vị trí dự định xây nhà hát opera bây giờ. Sau khi có trục không gian này, Hà Nội đã xây dựng Công viên Hoà Bình, trên đường đi từ sân bay Nội Bài với ý nghĩa “Hà Nội – thành phố vì hoà bình”. Trong quy hoạch này cũng đề cập đến bán đảo Quảng An và có nhiều dự kiến khác nhau. Đã có lúc người ta định xây dựng nơi đây thành tổ hợp trung tâm văn hoá thể thao. Cũng có lúc lại dự định làm tháp truyền hình cao nhất Việt Nam và khu vực.

3.jpg -0
Toàn cảnh bán đảo Quảng An, nơi dự kiến sẽ xây dựng nhà hát opera trên Đầm Trị.

Bán đảo Quảng An và khu vực Đầm Trị là vị trí giao cắt giữa trục tây Hồ Tây và trục Cổ Loa nên có vị trí rất đặc biệt. Về quy hoạch, vị trí đặt nhà hát opera đã được xác định trong quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Tây, được duyệt năm 1994 với quy mô 1.216ha. Sau quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Tây, lại có quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ được duyệt năm 2001. Sau đó là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Trong quyết định phê duyệt của Thủ tướng năm 2011 đã xác định định hướng về phát triển văn hoá là xây dựng mới các công trình văn hoá tiêu biểu của TP Hà Nội như bảo tàng, nhà hát… gắn với cảnh quan sông Hồng và trục tây Hồ Tây.

Mấy chục năm qua, với sự nỗ lực của Trung ương và Hà Nội, chúng ta đã xây dựng được rất nhiều công trình mang ý nghĩa đột phá về chức năng, kiến trúc trên khu vực Hồ Tây. Ví dụ như khách sạn Thắng Lợi, thể hiện tình hữu nghị Việt Nam - Cu Ba được xây dựng năm 1972; nhà hàng bánh tôm Hồ Tây được xây dựng năm 1994, do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế; khách sạn Cổ Ngư xây dựng năm 1996; khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội - điểm nhấn làm tôn vinh trục đường Thanh Niên; khách sạn Sheraton Hà Nội...

“Tôi liệt kê để thấy rằng, mấy chục năm qua, khu vực bán đảo Quảng An đã được xây dựng được nhiều công trình mang tầm vóc Thủ đô, tạo dấu ấn về kiến trúc. Riêng khu vực hồ Đầm Trị, bên cạnh việc có quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ, cũng có rất nhiều dự án khai thác các khu đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình ở đây”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

“Nói như thế để thấy, các quy hoạch đều cho thấy bán đảo Quảng An là khu vực nhạy cảm, một vị trí quan trọng nằm trên trục Tây Hồ Tây – Cổ Loa. Đây là trục mang đậm dấu ấn Thăng Long – Hà Nội. Là trục không gian minh chứng cho một đô thị lịch sử, có quá trình phát triển lâu dài. Với quá trình lịch sử phát triển như vậy, với quy hoạch như vậy, rõ ràng, việc đặt ra vấn đề xây nhà hát Opera phải thận trọng. Làm sao phải tiếp cận được với định hướng của Trung ương và Hà Nội đặt ra, để kế thừa và phát huy giá trị đã có định hướng, khai thác lợi thế, đảm bảo chính trị gắn với an sinh xã hội”, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội phân tích.

Ông Nghiêm cho rằng, việc dự định xây dựng nhà hát opera phải cân nhắc một cách thận trọng, có nghiên cứu kỹ lưỡng. “Thứ nhất, về định hướng, phải khẳng định việc xây dựng nhà hát là cần thiết, hợp lý, phù hợp với nội dung đã nêu trong Quy hoạch năm 1998. Tuy nhiên, để đảm bảo nhà hát có chất lượng thì lại rất cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học. Bởi vì đã có rất nhiều nhà hát mang tính biểu trưng của Hà Nội không thành công. Ví dụ như nhà hát Hoa Sen đã từng bị chê trách rất nhiều”. Theo vị kiến trúc sư có nhiều đóng góp cho quy hoạch Hà Nội, trên thế giới cũng có nhiều nhà hát thành công, nhưng cũng có nhà hát thất bại. Nhà hát phải có chức năng phù hợp.

“Nhìn qua mô hình nhà hát opera, tôi thấy biểu tượng này chưa hợp lý, chưa mang bản sắc địa phương, chưa tạo được điểm nhấn từ trục Cổ Loa sang cũng như trục Tây Hồ Tây mà điểm đầu là công viên Hoà Bình. Vị trí để xây nhà hát cũng không có tính kết nối giữa trục Tây Hồ Tây và trục Cổ Loa. Đã là nhà hát phải có sức hấp dẫn và phải kết nối với giao thông công cộng. Nhưng đây là nhà hát nằm giữa một khuôn viên nước. Vậy thì kết nối giao thông công cộng như thế nào? Do doanh nghiệp làm hay Nhà nước sau này phải bù thêm tiền để làm?”, ông Nghiêm băn khoăn.

Theo ông Nghiêm, Hà Nội đã xây dựng được nhiều công trình mang tính điểm nhấn. “Tôi ví dụ: Nhà hát Lớn là điểm nhấn cuối cùng của trục Tràng Tiền. Nhà thờ Lớn là điểm nhấn của khu vực phố Nhà thờ. Nhà hát opera này, nói là tầm cỡ quốc gia mà tôi không thấy có điểm nhấn. Hay nói cách khác là chưa nghiên cứu kỹ quy hoạch chi tiết của bán đảo Quảng An”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói và đề nghị: “Cần phải nghiên cứu kỹ để có một công trình mang dấu ấn, tầm cỡ của Thủ đô.

Phải tính toán kỹ lưỡng về nhiều mặt

Trao đổi với chúng tôi về việc xây dựng Nhà hát Opera ở khu vực Đầm Trị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hiện nay chúng ta cần có một nhà hát mang tầm quốc gia, là biểu tượng cho văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc xây dựng cần phải tính toán kỹ về nhiều mặt. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Hà Nội đang có rất nhiều kế hoạch trong công tác phát triển văn hóa, để thực sự trở thành một trung tâm văn hóa của cả nước, tiêu biểu cho văn hóa người Việt Nam.

Để đạt được các mục tiêu, mong muốn, khát vọng đó thì Hà Nội cần phải làm rất nhiều việc. Dự án Nhà hát Opera ở khu vực quận Tây Hồ là một trong những giải pháp thực hiện các mục tiêu, mong muốn của Hà Nội. Tất nhiên chúng ta cần tính toán đến những tác động cả về kinh tế, văn hóa, xã hội để dự án có thể phát huy tác dụng tốt nhất.

“Đất nước chúng ta không còn nghèo như xưa nữa, đã đến lúc chăm sóc nhiều hơn cho đời sống tinh thần. Chúng ta cần hướng đến một nhà hát quốc gia là biểu tượng cho văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Đây là công trình có ý nghĩa, thể hiện quyết tâm và tầm nhìn của lãnh đạo Hà Nội đối với sự phát triển của văn hóa Thủ đô và cả nước mà nhiều khi, phải qua thời gian dài chúng ta mới cảm nhận hết những giá trị ấy. Để làm được điều đó, mỗi dấu ấn, mỗi chi tiết của nhà hát cần thể hiện những câu chuyện, biểu tượng,  giá trị văn hóa Hà Nội và Việt Nam, phù hợp với cảnh quan Hồ Tây, kết hợp với tinh hoa kiến trúc hiện đại, phù hợp với công năng nhà hát... đòi hỏi các nhà lãnh đạo, kiến trúc sư phải hết sức tính toán”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nếu chúng ta coi Hồ Tây là viên ngọc của Hà Nội, kèm với việc quy hoạch sông Hồng, định hướng phát triển thành phố 2 bên bờ sông, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội thì Tây Hồ là địa điểm vàng cho xây dựng nhà hát nói trên.

Ngọc Yến – Nguyễn Hoa
.
.
.