Kịch bản kích cầu lần hai của ngành du lịch Việt Nam:

Yếu tố an toàn vẫn là... số 1

Thứ Ba, 29/09/2020, 06:23
Sốt ruột khi cập nhật sự tăng trưởng… giật lùi trong thời gian qua của ngành du lịch thế nhưng nhìn ra toàn cảnh cuộc chiến chống đại dịch của thế giới, Việt Nam vẫn tự hào trước những kết quả có được, nhất là nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương.


Kỳ cuối: Liên kết vượt qua khủng hoảng

Thực hiện kịch bản kích cầu du lịch lần này, ngành Du lịch nhiều tỉnh, thành phía Nam đã cụ thể hóa nhiều kế hoạch – quy hoạch được dày công xây dựng, để “biến nguy thành cơ”, nâng chất, tự làm mới và tăng sức thu hút. Hơn lúc nào hết, ngành công nghiệp không khói đang kỳ vọng hiệu quả từ bài toán liên kết.

Từ lâu, Khánh Hòa được biết đến là một trong những điểm đến tại phía Nam hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Cả tỉnh hiện có gần 1.100 cơ sở lưu trú du lịch với gần 50.000 phòng (riêng TP biển Nha Trang có hơn 36.000 phòng), trong đó gần 50% phòng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao tại 85 cơ sở; 130 doanh nghiệp lữ hành (122 doanh nghiệp lữ hành quốc tế). Năm 2019, địa phương này thu hút trên 6,5 lượt khách, tăng 55% so với năm trước, trong đó có gần 3 triệu lượt khách quốc tế.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19, cũng như cả nước, ngành công nghiệp không khói của Khánh Hòa đã lao dốc thê thảm. Thực hiện kích cầu lần đầu, nhất là tháng 7-2020, khách lưu trú du lịch đến địa phương này vọt lên 214.000 lượt, tăng gần 290% so với tháng 6-2020. Nhưng niềm vui đã vội tắt, nhất là khi Đà Nẵng trở thành ổ dịch khủng của cả nước. Theo ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, trong tháng vừa qua, tổng số khách đến Khánh Hòa rớt xuống chỉ còn 28 nghìn lượt, chỉ bằng 19,79% so với cùng kỳ và 13% so với tháng trước đó.

Bình minh trên Vịnh Nha Trang. Ảnh: Minh Ngọc

Thực ra có hàng ngàn câu chuyện gắn với những con số tuột dốc tương tự như Khánh Hòa do bị tác động tiêu cực bởi sự trở lại của COVID-19. Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch cho biết, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy con số du khách hoãn, hủy tour du lịch đã lên cả trăm ngàn gây thiệt hại rất lớn đối với các đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ du lịch.

Đáng chú ý, nhiều trung tâm du lịch lớn của cả nước xác nhận tỉ lệ hủy phòng của khách du lịch đã đặt là hơn 80% do tình hình diễn biến bệnh quá phức tạp…

Tuy nhiên, khi nhìn rộng hơn ra thế giới, Việt Nam vẫn lạc quan với gam màu sáng khi tăng trưởng kinh tế vẫn ở con số dương nhờ sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân đồng lòng thực hiện mục tiêu kép – vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội.

Rút kinh nghiệm từ lần đầu kiểm soát được dịch, lần này, các địa phương rút ngắn hơn thời gian thực hiện kịch bản kích cầu du lịch. Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết hiện vẫn đang tiếp tục gói kích cầu, giảm giá du lịch cho người dân địa phương; tiếp tục thực hiện khảo sát chất lượng dịch vụ một số cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch, các nhà hàng, cửa hàng... phục vụ du khách tốt nhất.

Khánh Hòa chủ động phối hợp tổ chức những chương trình hấp dẫn kích cầu du lịch, giới thiệu điểm đến, kết nối với các doanh nghiệp của Hà Nội, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, tổ chức đón các đoàn famtrip từ các thành phố lớn là nguồn khách nội địa trọng điểm; ký kết liên minh kích cầu du lịch với các tỉnh phía Nam…

Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Đắk Lắk cho biết vẫn đang tiếp tục duy trì thực hiện Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) xây dựng và chọn thực hiện thí điểm. Nhiệm vụ được các tỉnh này quan tâm, đó là tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mới đảm bảo an toàn, đa dạng, chất lượng, hấp dẫn; miễn – giảm giá vé một số điểm đến,… cùng với ẩm thực chuyên biệt khiến du khách “mới đến đã thương, chưa xa đã nhớ”.

Các địa phương cũng đang xây dựng kế hoạch đón khách du lịch quốc tế. “Với thuận lợi về giao thông, du khách từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể đến Phú Yên qua sân bay Tuy Hòa, sau đó tiếp tục hành trình đường bộ đến Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk rồi bay về điểm xuất phát từ sân bay Buôn Ma Thuột. Một chuyến đi với 4 điểm đến thú vị vừa có biển, vừa có rừng”, ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Yên kỳ vọng.

Trong nỗ lực khôi phục ngành du lịch sau dịch bệnh COVID-19, dựa trên tiêu chí du lịch an toàn, Cần Thơ xây dựng chương trình kích cầu du lịch lần hai bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu điểm đến an toàn; nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung quảng bá, xúc tiến du lịch, đảm bảo phù hợp với tình hình mới. Cần Thơ dự kiến tổ chức chuyến khảo sát (Famtrip), trao đổi kinh nghiệm về xây dựng mô hình du lịch cộng đồng; hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Cần Thơ với một số địa phương, trong đó có Đồng Nai.

Kỳ vọng hiệu quả từ sự liên kết, cách nay chưa lâu, tại một cuộc họp góp ý cho Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh đã “lên tiếng” đề xuất TP Hồ Chí Minh - “đầu tàu” kinh tế của cả nước đưa ra giải pháp liên kết với các tỉnh lân cận, xây dựng các gói sản phẩm du lịch 1 ngày, 2 ngày, thu hút khách đến nhiều điểm tham quan nổi tiếng của địa phương này.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Võ Thị Ngọc Thúy, hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng, chủ lực; tập trung nâng chất các sự kiện và biến sự kiện trở thành sản phẩm quảng bá và thu hút du khách quốc tế đến thành phố, Sở đã đưa ra chiến lược phát triển du lịch với 9 mục tiêu chính cần đạt như: Tỉ lệ khách quay thành phố đạt 50% (năm 2019 - đạt 35%), xếp hàng toàn cầu lọt Top 20 (năm 2019, đã lọt vào Top 42) và xếp hạng châu Á Top 5 (năm 2019 Top 13)…

Hiện thành phố đang tập trung xây dựng sản phẩm văn hoá lịch sử, y tế, mua sắm, ẩm thực, đường thủy và du lịch sinh thái – nông nghiệp; xây dựng hệ thống du lịch thông minh gắn với xây dựng đô thị thông minh; tăng cường phối hợp triển khai chương trình kích cầu du lịch vào thành phố; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với nhiều địa phương…

Thực hiện kịch bản kích cầu lần hai trong bối cảnh ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục đề xuất các nội dung thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch thành phố với 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2020. Cùng với việc tham gia góp ý các chương trình hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Đông Nam Bộ (giai đoạn 2020 – 2021), Sở du lịch thành phố cho biết sẽ chủ trì và phối hợp triển khai chương trình liên kết phát triển du lịch thành phố với 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc, Hà Nội và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định, các doanh nghiệp du lịch cần kết nối với nhau thành nhóm chung của liên minh để thiết kế các tour phù hợp và thống nhất gói sản phẩm, xây dựng mức giá phù hợp ở thời điểm này từ đưa đón đến lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác. Hiệp hội du lịch các địa phương thực hiện vai trò đầu mối kết nối các thành viên, công khai thông tin các gói sản phẩm du lịch cụ thể tại sân bay, nhà ga, bến xe… để du khách lựa chọn; liên kết tour với các tỉnh để tăng điểm đến làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và tăng thời gian lưu trú cho du khách.

Liên quan đến kế hoạch kích cầu du lịch lần hai, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cho rằng ngành Du lịch hiện chỉ có thể tập trung vực dậy thị trường nội địa, chưa thể trông chờ vào khách quốc tế. Những diễn tiến dịch bệnh thời gian qua khiến mọi động thái mở cửa thị trường buộc phải thực hiện rất thận trọng, với mục tiêu an toàn phải đặt lên hàng đầu. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi cho rằng không nên trông chờ việc mở cửa nhanh chóng, vội vàng tăng doanh thu để vực dậy kinh tế. Mở cửa bầu trời một cách thận trọng nên được xem như là bước đà, bước thí điểm để cả hàng không và du lịch thực tập, chuẩn bị kỹ hơn cho bước mở tiếp theo, sâu hơn vào thị trường du lịch quốc tế.
Thái Bình – Hữu Toàn
.
.
.