Xúc tiến thương mại Quốc tế: Điều cần biết cho doanh nghiệp

Thứ Bảy, 01/12/2007, 09:31
Sáng 30/11, tại TP HCM, Hội Lương thực thực phẩm TP HCM phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức Hội thảo "Kinh nghiệm xúc tiến thương mại quốc tế hiệu quả cho doanh nghiệp ngành thực phẩm". Tại hội thảo, 3 thị trường xuất khẩu đã được nhiều doanh nghiệp tìm hiểu đó là EU, Malaysia và Nhật Bản…

Với thị trường EU, theo nhận định của nhiều chuyên gia thì đây là thị trường "sang trọng" và "khó tính". Theo thạc sĩ Nguyễn Cảnh Cường - Tổ trưởng Tổ tổng hợp, Vụ châu Âu: Dự báo xuất khẩu vào EU năm 2007 tăng khoảng 20% so với năm 2006.

Trong đó, thủy sản tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng cao, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt ngưỡng 1,5 tỷ USD (tăng 49%).

Tuy nhiên, nhóm hàng thực phẩm, kể cả nông sản và thủy sản, đang gặp phải những rào cản kỹ thuật khá cao. Riêng nhóm hàng có nguồn gốc động vật như: Thịt lợn, thịt bò, thịt gà thì chưa thể xuất khẩu vào EU được vì hiện nay Việt Nam không có cơ quan quản lý thú y nông nghiệp được tổ chức này công nhận.

Việt Nam cũng chưa đăng ký xuất khẩu nhóm mặt hàng này vào thị trường đầy tiềm năng này. Còn với thị trường Malaysia, được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Phạm Thị Thanh Hà -  đại diện Công ty Expomal International và Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia tại Việt Nam lưu ý, các doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường lương thực, thực phẩm Malaysia, cần chú ý những đặc điểm về thói quen ăn uống, đặc trưng văn hóa của Malaysia.

Đó là, người Malaysia cuối tuần thường thích ra ngoài ăn và thích ăn những món lạ với mức giá không quá cao. Các quán ăn Việt Nam tại đây thường rất đông khách và thực phẩm Halal được rất nhiều người ưa chuộng (cả những người không phải là người Hồi giáo) và tại đây có rất nhiều công ty nhập khẩu hàng không chỉ bán trong nước, mà còn tiếp tục xuất khẩu đi nước khác.

Các đối tác Malaysia mong muốn các công ty Việt Nam giới thiệu những thông tin về công ty, sản phẩm một cách rõ ràng. Làm việc đúng hẹn, có website, name card khi làm việc và thường xuyên cập nhật thông tin mới cho đối tác.

Nổi tiếng khó tính với đối tác, có thể nói đó là thị trường Nhật Bản. Những mặt hàng xuất khẩu mà thị trường này đang và sẽ có nhu cầu lớn gồm: Thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ thịt lợn, rau quả tươi và hoa tươi. Tuy nhiên, thị trường này tiếp cận được không phải đơn giản.

Ông Nguyễn Bảo, Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho rằng: "Các doanh nghiệp Nhật Bản rất coi trọng chữ "tín" trong quan hệ bạn hàng và thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết trong hợp đồng đã ký kết. Các doanh nghiệp Nhật Bản thường có quá trình tìm hiểu kỹ càng về các đối tác tiềm năng trước khi có quyết định làm ăn lâu dài, đôi khi chỉ là những hợp đồng với số lượng không lớn. Điều đó lý giải tại sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam có kết quả kinh doanh rất tốt ở thị trường Mỹ, EU nhưng lại chưa có kết quả tốt ở thị trường Nhật Bản".

Ông Bảo cũng chỉ ra những rào cản ở thị trường này, rào cản lớn nhất là các yêu cầu về kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản. Kể từ ngày 29/5/2006, Nhật Bản đã thực hiện Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm sửa đổi đối với tất cả các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản, thắt chặt các quy định và bổ sung một số dư lượng hóa chất không được phép có trong thực phẩm và tiếp tục nâng mức hạn chế dư lượng hóa chất cho phép.

Tôm và mực xuất khẩu của Việt Nam đã bị kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm 100% toàn bô å lô hàng xuất khẩu vào Nhật Bản do có dư lượng chất Cloramphenicol trong thủy sản.

Người tiêu dùng Nhật Bản có thẩm mỹ cao, chú ý đến từng chi tiết, tính tiện dụng dịch vụ hậu mãi của sản phẩm… tại thị trường này, hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng giá cả rất cao so với giá nhập khẩu.

Vì vậy, một yêu cầu đối với nhà sản xuất là đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu của người tiêu dùng và chào hàng với giá cả hợp lý. Để thiết lập và duy trì mối quan hệ lâu dài với các công ty Nhật Bản, sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau là yếu tố quyết định thành công.

Việc cung cấp những thông tin cần thiết cho đối tác, bao gồm giới thiệu về công ty, catalogue giới thiệu sản phẩm, mẫu hàng, bảng giá… cho đối tác Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú ý

T.Hà - M. Tâm
.
.
.