Xuất khẩu phôi thép để "cầm hơi"

Thứ Tư, 28/05/2008, 14:23
"Khi cả ngành Thép trong nước gần như tê liệt vì thép thành phẩm không tiêu thụ được, các nhà máy phôi thép nếu không dừng sản xuất thì chỉ còn cách tìm cách bán ra nước ngoài để tự cứu vãn tình thế", một người đứng đầu DN sản xuất phôi thép nói.

Sau những biến động do giá thép tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt nhập khẩu phôi thép với giá thấp đáng kể so với cùng thời điểm tại thị trường trong nước. Nhưng chỉ ít lâu sau đó, thép xây dựng ứ đọng không tiêu thụ được dẫn đến giảm nhu cầu sử dụng phôi, các nhà sản xuất, kinh doanh phôi muốn bán hàng chỉ còn cách xuất khẩu ra nước ngoài chấp nhận lỗ ở mức từ 30 -  40 USD/T.

Tìm lối ra

Tại Hải Phòng, nơi được cho là trung tâm ngành công nghiệp luyện, cán thép của cả nước với hàng chục nhà máy quy mô lớn hiện đang phải tự mình "giải mã" câu đố khó: Xuất khẩu hay giữ thép để... chờ thời?

Theo ông Lê Ngọc Hoàn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Đình Vũ cho biết, theo kế hoạch, năm nay Công ty sẽ tiêu thụ khoảng 270.000T phôi. Tuy nhiên, đến hết tháng 5/2008, dù rất cố gắng, áp dụng nhiều giải pháp kích cầu nhưng cũng chỉ bán được 60.000T. Cứ đà này kéo dài, chắc chắn sẽ không hoàn thành được kế hoạch đề ra.

Theo đó, doanh thu giảm, khả năng thua lỗ như đang hiển hiện ở trước mặt. Mà như thế là phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như tiền lương, công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, duy trì sản xuất. Không còn cách khác, Công ty cổ phần Thép Đình Vũ đã lựa chọn cách "thà chịu lỗ còn hơn chết hẳn": Xuất khẩu phôi thép ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Tuấn Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long - Vinashin - đơn vị có cả một cụm công nghiệp thép liên hoàn với 5 nhà máy từ luyện phôi, cán thép xây dựng, thép tấm cán nóng cũng tỏ ra rất bức xúc nói: "Biết bán phôi ra nước ngoài với giá thấp hơn giá đã nhập là việc cực chẳng đã. Song, khi cả ngành Thép trong nước gần như tê liệt vì thép thành phẩm không tiêu thụ được, các nhà máy phôi thép nếu không dừng sản xuất thì chỉ còn cách tìm cách bán ra nước ngoài để tự cứu vãn tình thế, cứu lấy cuộc sống hàng ngàn công nhân khối thép của Tổng Công ty".

Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tìm được cách xoay xở hợp tình, hợp cảnh. Trái lại, có khá nhiều đơn vị sản xuất phôi thép khác trên địa bàn Hải Phòng đã phải vay nợ tư nhân nhiều tỷ đồng với lãi suất cao để trả lương cho công nhân. Có nhà máy phải vay "nóng" từ 6 - 8 tỷ đủ để trả tiền điện, nước hoặc giải quyết những hậu quả kèm theo, khi không thể tiêu thụ tại chỗ phôi thép làm ra.

Phải hỗ trợ để bình ổn thị trường

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng ứ đọng tiêu thụ thép xây dựng trong nước là do tác động khách quan từ chính sách thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát.

Một loạt các dự án hạ tầng được xếp vào danh sách giãn, hoãn hoặc dừng tiến độ đầu tư nên các ngân hàng bắt đầu "khép cửa" đối với các dự án này (nguồn chính tiêu thụ thép).

Các nhà máy cán thép không bán được hàng nên cũng đã tiết giảm nhu cầu tiêu thụ phôi thép, năng suất luyện phôi theo đó cũng giảm dần. Đây cũng chính là lý do khiến các doanh nghiệp ngành Thép không còn là khách hàng "VIP" của Ngân hàng Thương mại.

Cùng với đó, lãi suất huy động, lãi suất cho vay liên tục điều chỉnh theo kiểu "leo thang". Các doanh nghiệp ngành Thép đang trong tình trạng điêu đứng.

Trong khi đó, Hiệp hội Thép Việt Nam đã khuyến cáo rằng, nếu không dừng lại việc xuất khẩu phôi thép, chắc chắn sẽ dẫn đến khả năng thiếu hụt phôi trầm trọng để cung cấp cho các nhà máy cán thép. Khi đó, lại sẽ có một "làn sóng" ồ ạt nhập khẩu phôi thép. Khi đó, giá nhập sẽ cao hơn rất nhiều so với giá mà chúng ta xuất đi như hiện nay.

Chính là các doanh nghiệp thép, hết thiệt đơn rồi lại thiệt kép. Nghiêm trọng hơn, hệ lụy sẽ còn tác động chung đến thị trường thép xây dựng trong nước. Và có thể sẽ lại xảy ra một cơn "sốt" nữa tương tự như hồi đầu năm.

Tuy nhiên, đây cũng là điều mà hầu hết các doanh nghiệp xuất phôi thép đều ý thức được. Vấn đề chính là muốn giữ phôi thép bình ổn thị trường thì Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ cho các nhà sản xuất.

Chí ít là bảo lãnh vay vốn ngân hàng với lãi suất không quá "cắt cổ" để các nhà máy vừa giữ được nguồn phôi đến khi cần thiết, vừa có điều kiện duy trì sản xuất, giữ chân khách hàng

Lê Minh Triết
.
.
.