Xuất khẩu lao động năm 2005: Hy vọng ở các thị trường mới

Thứ Sáu, 13/05/2005, 10:29

Nói về việc phát triển thị trường mới, lãnh đạo Bộ Lao động thương binh và xã hội cho rằng, thị trường XKLĐ Việt Nam luôn luôn mở với tất cả các nước. Nếu thấy phù hợp, các doanh nghiệp chủ động khai thác, báo cáo và đăng ký kế hoạch tại Cục Quản lý lao động ngoài nước và cơ quan này có trách nhiệm thẩm định từng hợp đồng.

Mới đây, thông tin về việc Canada và Anh đã nhận lao động Việt Nam được đánh giá là các tín hiệu khả quan. Đến nay, các công ty XKLĐ đang đưa lao động sang Canada làm việc với mức lương theo hợp đồng khá cao 1.800 USD/người/tháng, chủ sử dụng lao động lo chi phí ăn ở. Tiếp đó là việc đưa vào khai thác thị trường Anh với nghề dọn phòng khách sạn (3-5 sao), thu nhập 1.300 - 1.500 USD/người/tháng.

Thị trường Nam Phi với công việc vận hành máy sản xuất nhựa. Theo đó, chi phí đặt cọc 2.000 USD/người cho phía đối tác và 500 USD/người cho công ty XKLĐ, hợp đồng hai năm với thu nhập 500 USD/người/tháng (ăn tự túc khoảng 100 USD/người/ tháng, nơi ở do chủ sử dụng lao động lo)... Tuy nhiên, đây là các thị trường tương đối khó tính, yêu cầu chất lượng lao động khá cao.

Hiện tại, đối với lao động hành nghề lái xe ở Canada, phía bạn đã chấp thuận cho người lao động được chuyển đổi bằng lái ở một số tỉnh mà người lao động đến làm việc. Các thị trường mới đa số đều yêu cầu người lao động phải có tay nghề cao và ngoại ngữ khá. Một số doanh nghiệp có tham vọng đưa lao động kỹ thuật cao vào thị trường châu Âu hành nghề bác sĩ, kỹ thuật viên công nghệ thông tin, những ngành kỹ thuật, quản lý... với các điều kiện kèm theo người lao động khá tốt như có thể mang theo chồng vợ, con cái.

Phản hồi thông tin về Cục Quản lý lao động ngoài nước, các doanh nghiệp XKLĐ cho rằng, tại các thị trường mới, số lượng lao động Việt Nam không nhiều, nhưng hợp đồng chặt chẽ hơn, thu nhập người lao động ổn định, điều kiện làm việc thuận lợi. Nếu khai thác nguồn lao động tốt, con số XKLĐ không dừng ở  định mức, chỉ tiêu 70.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc mà còn cao hơn nữa trong năm nay.

Để huy động thêm nguồn, theo quy định, phí tối thiểu thu của người lao động không quá một tháng lương/năm nhưng Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến khích các doanh nghiệp giảm đến mức tối đa. Đối với các quốc gia chỉ chấp thuận lao động của một số nước nhất định thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đứng ra đàm phán và thương thảo hoặc nhờ Đại sứ quán của ta tại các nước hỗ trợ về pháp lý. Từ năm 2005, tất cả các hợp đồng mà doanh nghiệp có sẽ được  thẩm định kỹ ở các chi tiết về thu nhập, điều kiện làm việc, ăn ở và chi tiết công việc. Riêng lao động sang các thị trường mới, 100% phải qua đào tạo ngoại ngữ, định hướng và tay nghề, không đưa lao động chưa có nghiệp vụ đến làm việc.

Vấn đề nan giải nhất hiện nay là lao động bỏ trốn. Dù bắt buộc mỗi lao động ký quỹ bằng sổ tiết kiệm trị giá cao, hoặc giấy tờ nhà đất nhưng chẳng có ý nghĩa gì khi biện pháp kiểm soát, chế tài lao động bỏ trốn quá lỏng lẻo. Bài học lớn đối với chúng ta là thị trường Đài Loan. Đến nay, Đài Loan vẫn chưa mở lại thị trường đối với lao động Việt Nam (làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình và chăm sóc người bệnh tại gia đình) đã làm cho số lao động đi làm việc có thời hạn ở đây giảm rõ rệt. Tỷ lệ lao động Việt Nam đi làm việc ở Đài Loan so với lao động đi làm ở các thị trường khác đang chiếm tỷ lệ 75% trong hai tháng 1 và 2/2005 đã tụt xuống chỉ còn khoảng 30% trong tháng 4. Thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản là bài học lớn về việc kìm chế lao động bỏ trốn của nước ta. Cả ba thị trường này từng hơn một lần có những chế tài khắc nghiệt với việc lao động Việt Nam bỏ trốn mà cao nhất là tạm ngưng không tiếp nhận nữa.

Tiếp theo là Malaysia, sau một thời gian tạm ngưng tiếp nhận, thị trường này đã nhận không giới hạn lao động nước ta và theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thì hiện nay hợp đồng rất nhiều nhưng việc tuyển chọn lao động lại gặp khó khăn. Thực tế, thị trường Malaysia đã được cải thiện về thu nhập và điều kiện làm việc cộng với sự cố gắng của các cơ quan hữu quan hai bên nên số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở đây đang tăng nhanh trở lại. Tỷ lệ tăng từ mức 10% trong hai tháng 1 và 2-2005 lên 30% trong tháng 4 và sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong những tháng tới. Malaysia cũng là nước mà lao động có tỉ lệ bỏ trốn thấp.

Góp vào việc tạo nguồn lao động cũng như giữ uy tín cho lao động Việt Nam, hiện tại, một nghị định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân trong XKLĐ đang được soạn thảo. Dự tính trong tháng 6 sẽ được thông qua để trình Chính phủ xem xét ban hành. Việc xây dựng nghị định này nhằm góp phần hoàn chỉnh hành lang pháp lý, khai thông các thị trường mới nhưng khó tính. Nâng cao chất lượng lao động, tăng cường kỷ luật sẽ giúp cho lao động Việt Nam nhanh chóng khẳng định uy tín và thế mạnh của mình

Tùng Lâm
.
.
.