Xuất khẩu gạo chịu nhiều sức ép

Thứ Năm, 14/06/2007, 14:42
Nguồn nguyên liệu đang thiếu hụt, sốt giá, cước vận chuyển trong nước, quốc tế đồng loạt leo thang, đang là áp lực cho các DN xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đầu năm 2007, hợp đồng xuất khẩu gạo ký được nhiều hơn cùng kỳ năm 2006, giá gạo xuất khẩu (XK) cũng tăng lên.

Nhưng 5 tháng đầu năm 2007, cả nước mới XK được khoảng 1,9 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 516 triệu USD, giảm trên 14% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Cước vận chuyển cao, nhưng vẫn khó thuê tàu

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là cước thuê tàu vận chuyển trong và ngoài nước đều tăng mạnh. Cước hàng đi châu Á là 25-30 USD/tấn (tăng 9-13 USD/tấn); cước đi châu Phi là 110-120 USD/tấn (tăng khoảng 30 USD/tấn).

Giá cước cao, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó thuê được tàu. Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (doanh nghiệp XK gạo hàng đầu ở ĐBSCL), cước vận chuyển tăng bình quân 20-30 USD/tấn so với tháng 2/2007, nhưng việc thuê được tàu thời điểm này để cung ứng hàng nhanh theo hợp đồng không phải dễ, nhất là các tuyến Bắc-Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á…

Trong khi đó, giá cước vận chuyển nội địa từ ĐBSCL lên TP Hồ Chí Minh cũng nhảy vọt. Ông Ngô Việt Hải - Giám đốc Công ty Mekong Cần Thơ cho biết: "Giá cước vận chuyển đang lên theo giá xăng dầu. Nếu như đầu năm 2007, cước vận chuyển gạo từ Cần Thơ lên Sài Gòn chỉ khoảng 50-55 đồng/kg thì nay đã vọt lên 70-75 đồng/kg".

Ở các tuyến trong nước, việc thuê vận chuyển bằng container thay tàu cũng sẽ khó khăn khi cước container được dự báo cũng sẽ tăng. Theo các doanh nghiệp, cước vận chuyển nhảy vọt trong thời gian ngắn rất bất lợi, làm tăng chi phí trong khi hợp đồng đã ký trước với đối tác nước ngoài, hoàn toàn không thể điều chỉnh tăng giá bán gạo…

Hết lúa nguyên liệu, ngưng ký hợp đồng xuất khẩu

Trong khi đó tại ĐBSCL, vựa lúa chính của cả nước đang thời điểm giáp hạt, lúa nguyên liệu vụ đông xuân trong dân không còn mà lúa hè thu sớm thì chưa thu hoạch.

Giá lúa nguyên liệu đang tăng… chóng mặt, giá lúa chất lượng cao đã lên tới 2.950 - 3.100 đồng/kg, lúa Jasmine 3.400 - 3.500 đồng/kg; gạo nguyên liệu xuất khẩu 3.850 - 4.100 đồng/kg. Mức giá này đã tăng khoảng 700-800 đồng/kg so với cùng kỳ.

Ông Lê Minh Trượng - Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu cho cho biết: "Hết nguồn lúa nguyên liệu, chúng tôi đã ngưng mua lúa mấy ngày nay. Nguồn gạo cung ứng xuất khẩu chủ yếu nhờ vào dự trữ". Nguồn gạo xuất khẩu cho các hợp đồng đã ký của Công ty cổ phần Gentraco thời điểm này cũng từ 40.000 tấn trong kho dự trữ.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc công ty này cho biết: Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm hiện nay là 303 USD/tấn, tương đương thời điểm tháng 2/2007; gạo 25% tấm từ 285-286 USD/tấn, tăng 10%.

Trong lúc này chỉ có những thương lái, chủ nhà máy xay xát nhiều vốn, có kho bãi mới còn gạo nguyên liệu xuất khẩu. Doanh nghiệp nào thiếu nguồn đành phải tăng giá mua.

Theo dự báo của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, giá lúa gạo sẽ còn tiếp tục tăng hoặc đứng ở mức cao từ nay đến trung tuần tháng 7 (thời điểm thu hoạch rộ lúa hè thu).

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo cho quý III. Đơn vị nào không đủ kho bãi dự trữ tốt thì phải gồng mình "chịu hạn" đến chính vụ thu hoạch lúa hè thu.

Các doanh nghiệp cho rằng, những tháng cuối năm, việc xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi về giá và thị trường. Nguồn cung gạo toàn cầu năm 2007-2008 thiếu hụt khoảng 4 triệu tấn so với nhu cầu.

Tại châu Á nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước Iran, Iraq, Philippines, Indonesia… vẫn tăng mạnh. Các nước xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Pakistan đều ngưng xuất khẩu gạo.

Nhưng trước tình hình như hiện nay, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đều tạm thời chưa ký các hợp đồng xuất khẩu mới cho cuối quý III và quý IV-2007 để chờ giá cả ổn định và đàm phán điều chỉnh giá bán với nước ngoài cho hợp lý

N.Thơ - K.Phong
.
.
.