Xuất khẩu gạo: Cần đổi mới công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường

Chủ Nhật, 15/09/2013, 21:29
Sản lượng và giá gạo xuất khẩu (XK) thấp; Chất lượng gạo XK chưa được đánh giá cao trên thị trường; Gạo Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu; Nhiều thương nhân XK gạo chưa định hướng đầu tư lâu dài cho hoạt động XK… Đó là những vấn đề mà ngành XK gạo hiện đang đối mặt. Liên tiếp trong 2 ngày 10 và 12/9, tại TP Hồ Chí Minh những vấn đề khó khăn trên đã được đưa ra bàn luận và tìm cách giải quyết tại hội thảo “Nâng cao giá trị gạo XK Việt Nam” và “Triển khai quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 8 XK gạo thấp hơn dự kiến gần 130 ngàn tấn. Việc giao hàng đi Trung Quốc (một trong những thị trường chính) cũng bị giảm sút đáng kể. Tính đến cuối tháng 8, XK gạo đạt số lượng 4,678 triệu tấn, trị giá FOB 2,005 tỷ USD, giá bình quân FOB 428,62 USD/tấn.

Nhận định về tình hình thị trường trong thời gian tới, VFA cho rằng XK gạo Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó. Đó là việc Thái Lan đẩy lượng hàng tồn kho, hạ giá bán ra bằng mọi cách. Giá gạo Thái Lan giảm mạnh sẽ tác động đến giá gạo toàn cầu, nhất là khu vực châu Á. Ngoài ra, Ấn Độ với thời tiết thuận lợi, dự kiến bội thu và XK vượt kỷ lục cũng sẽ tác động vào xu hướng giảm giá của thị trường. Giá gạo XK của Thái Lan và Ấn Độ giảm mạnh tạo áp lực rất lớn cho gạo XK của Việt Nam. Còn đối với các nước nhập khẩu (NK), cho đến lúc này Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, nhưng hiện nay Trung Quốc đang đến vụ thu hoạch nên hạn chế NK chính ngạch, chỉ NK tiểu ngạch. Với tình hình như trên, XK gạo Việt Nam đang bị chậm lại, thị trường đang trong tiến trình sụt giảm tiếp trong quý 4-2013.

Còn giá thu mua lúa gạo trong nước, trong nửa đầu tháng 8/2013 giá tăng do gia hạn thực hiện kế hoạch mua tạm trữ, nhưng khi kết thúc mua tạm trữ vào ngày 15/8 thì giá giảm trở lại do XK chậm, thiếu nhu cầu.

Theo đánh giá của ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công thương: Nếu như năm 2006, lượng gạo XK chỉ đạt gần 4,69 triệu tấn, trị giá 1,195 tỷ USD thì năm 2010 lượng gạo XK đã đạt mức 6,754 tấn, trị giá gần 3 tỷ USD và năm 2012, XK đạt kỷ lục về lượng hơn 8,1 triệu tấn, trị giá gần 3 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vị trí của một trong những nước XK gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đó, ngành sản xuất, XK gạo của Việt Nam hiện đang bộc lộ nhiều bất cập: Chất lượng gạo XK chưa được đánh giá cao trên thị trường; chưa xây dựng được thương hiệu gạo; Giá gạo XK không ổn định; Nhiều thương nhân XK gạo không thực sự định hướng đầu tư lâu dài cho hoạt động kinh doanh XK; Thiếu chiến lược kinh doanh, chiến lược xây dựng, củng cố và mở rộng thị trường; Chưa gắn kết khâu sản xuất với chế biến XK.

Với thực trạng trên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra giải pháp để nâng cao giá trị hạt gạo XK, là phải định hướng phát triển sản xuất theo hướng căn cứ vào nhu cầu của thị trường chứ không phải làm ra những gì chúng ta có; Tập trung triển khai công tác xây dựng thương hiệu gạo để gạo Việt Nam có cơ sở khẳng định vị trí, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đồng thời đẩy mạnh đổi mới công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường phù hợp.

Theo ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch VFA, thì các thương nhân cần duy trì mức tồn kho hợp lý để đáp ứng nhu cầu XK cuối năm. Đề nghị Bộ NN&PTNT định hướng sản xuất các loại lúa chất lượng cao, nhất là lúa thơm để nâng cao giá trị sản phẩm, phù hợp yêu cầu thị trường, hạn chế cạnh tranh trên thị trường gạo cấp thấp. Đồng thời cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, có chính sách tăng cường các biện pháp hỗ trợ thị trường để nâng giá lúa gạo trong nước, tạo điều kiện giữ mặt bằng giá XK phù hợp với giá thế giới. Hỗ trợ trực tiếp cho nông dân về tín dụng, lãi suất và kiểm soát giá, chất lượng “đầu vào” (vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất) để giảm giá thành. Vì thực tế hiện nay, tiêu thụ lúa gạo gặp khó khăn do cung cấp thừa, khó đảm bảo mức lãi hợp lý cho nông dân nếu không có cơ chế hỗ trợ bổ sung.

Nhằm lập lại trật tự XK gạo, thúc đẩy phát triển đội ngũ thương nhân XK gạo đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh với gạo thế giới, theo Bộ Công thương, trước mắt Bộ sẽ xác định và cấp phép cho khoảng 100 đầu mối XK gạo. Trong 2 năm liên tiếp nếu DN nào không XK được bình quân 20.000 tấn sẽ bị thu hồi giấy phép và phải chờ 1 năm sau mới được cấp lại giấy phép

Thúy Hà
.
.
.