Xuất khẩu cá tra tiếp tục căng thẳng trong năm 2011

Thứ Tư, 12/01/2011, 17:24
Dự báo sản lượng cá tra 2011 chỉ đạt khoảng 900.000 tấn, như thế sẽ thiếu hụt lượng lớn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Mức độ khan hiếm sẽ kéo dài cho đến vụ thu hoạch tới vào tháng 5/2011.

Năm 2010, giá trị xuất khẩu cá tra ước đạt 1,39 tỷ USD, không đạt kế hoạch đề ra. Theo các chuyên gia ngành thủy sản, yếu tố chính khiến xuất khẩu cá tra không đạt ngưỡng 1,5 tỷ USD là giá xuất khẩu chưa cao và chất lượng cá tra xuất khẩu không ổn định.

Cụ thể, theo ghi nhận từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), giá trung bình cá tra xuất khẩu 11 tháng của năm 2010 đạt 2,14 USD/kg, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2010 là năm cá tra Việt Nam tiếp tục gặp nhiều rào cản từ các thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng đến uy tín cá tra. Chẳng hạn như Mỹ công bố thuế chống bán phá giá cá tra 130%, Ukraina đã cảnh báo cá nhập khẩu từ vài nước, trong đó có Việt Nam, Braxil tuyên bố có biện pháp kiểm soát an toàn, nghị sỹ Châu Âu chỉ trích cá tra…

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng nhất là khâu nguyên liệu. Dự báo sản lượng cá tra 2011 chỉ đạt khoảng 900.000 tấn, như thế sẽ thiếu hụt lượng lớn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Mức độ khan hiếm sẽ kéo dài cho đến vụ thu hoạch tới vào tháng 5/2011. Nguyên nhân là, tuy giá cá hiện nay đang ở ngưỡng cao, 22.000 - 23.000 đồng/kg nhưng người dân chưa mạnh dạn nuôi lại. Họ lo lắng về sự bấp bênh, lên xuống thất thường giá cả. Họ nghĩ rằng đây là giá ảo do thiếu nguyên liệu, có thể rớt xuống vào thời điểm thu hoạch.

Nuôi cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, nêu ra những khó khăn cho nghề nuôi cá tra để giải thích sự “dè dặt” của người nuôi. Như giá thức ăn tăng cao khiến nhiều người nuôi thua lỗ bỏ ao. Một khó khăn khác là cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đang khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng do mức lãi suất quá cao.

Một trong những giải pháp được Vasep và các doanh nghiệp chế biến cá tra thống nhất đưa ra để đẩy mạnh thị trường xuất khẩu trong năm 2011 là tăng giá xuất khẩu trung bình thông qua quản lý giá sàn xuất khẩu.

Theo đó, Vasep và 20 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu đã thống nhất giá xuất khẩu cá tra tối thiểu cho các thị trường trong tháng 1/2011 là 3 USD/kg (đối với cá tra phi lê). Việc thống nhất giá sàn nhằm đẩy cao giá thu mua nguyên liệu đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi và loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng.

Bên cạnh giải pháp trên, Vasep cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần ổn định sản lượng nguyên liệu, bảo đảm cung - cầu; tăng cường quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại.

Vasep cũng đề nghị các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của các thị trường về mức đóng tuyết tối đa cũng như quy định mức đóng tuyết tối đa của Việt Nam là 20%. Ngoài ra, việc đóng tuyết cần được xem xét cả ở khía cạnh bảo quản lẫn gian lận thương mại. Một số thị trường như Mỹ không chấp nhận sản phẩm tính cả đóng tuyết, do đó việc nhiều công ty thương mại mặc dù không có khả năng xuất khẩu vào Mỹ (do lệnh áp thuế chống bán phá giá hiện nay) vẫn chào bán cá tra có đóng tuyết 10%, 20% khiến họ xem đây là hành vi gian lận thương mại.

Hiện cả nước có khoảng 100 nhà máy chế biến cá tra, nhưng có tới hơn 200 doanh nghiệp thương mại tham gia thị trường xuất khẩu, trong khi các quy định hiện nay chưa đủ hiệu lực để kiểm soát việc các doanh nghiệp này gây hỗn loạn trên thị trường; do đó rất cần thống nhất về biện pháp xử lý đối với những công ty này

Thanh Tùng
.
.
.