Xử nghiêm tội phạm tham nhũng

Thứ Bảy, 15/02/2014, 14:53
Theo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vừa ban hành (có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2013) thay thế cho các hướng dẫn trước đây thì những người phạm tội tham nhũng sẽ không được hưởng án treo.

Tính đến năm 2013, tỉ lệ án treo đối với án liên quan đến tham nhũng là 30,8% (năm 2010 là 36,5%, năm 2011 là 37,1% và năm 2012 là 30,2%), cao hơn các loại án khác (bình quân chỉ 21%). Từ con số trên, nhiều câu hỏi được đặt ra là tham nhũng thuộc nhóm tội nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm nhưng báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy nhiều tòa án xử rất nhẹ.

Tổng kết xét xử hàng năm của TAND tối cao cũng cho thấy, có tòa án tỉnh trong 2 năm rưỡi xử 9 bị cáo tham nhũng thì có 8 bị cáo được hưởng án treo, lại có tòa trong 2 năm rưỡi xử 10 bị cáo tham nhũng nhưng tuyên cả 10 bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Chính từ điều này khiến dư luận cho rằng, Tòa án xử nghiêm với dân nhưng lại ưu ái cán bộ và việc xử nhẹ tội phạm tham nhũng đang làm giảm lòng tin của người dân vào quyết tâm phòng chống tham nhũng.

Cụ thể, mới đây, trong phiên xử vụ Đào Phước Thành (57 tuổi, nguyên nhân viên Chi nhánh Công ty TNHH TM&DV Cát Tường) lãnh 4 tù về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Liên quan trong vụ án, nguyên hai cán bộ hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn, khu vực 3, TP Hồ Chí Minh gồm Nguyễn Văn Hạnh (48 tuổi) và Trần Thanh Lâm (59 tuổi), đều được hưởng án treo. Theo đó, Hạnh lãnh 30 tháng tù treo, Lâm 2 năm tù treo cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo trong vụ sai phạm tại Bảo hiểm xã hội huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

Nội dung vụ án thể hiện, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Cảng Sài Gòn khu vực 3, Nguyễn Văn Hạnh và Trần Thanh Lâm đã thỏa thuận với Đào Phước Thành cho thông quan container hàng của Công ty Cát Tường  nhập về từ Mỹ mà không tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa. Nhưng Lâm vẫn ghi kết quả kiểm tra, đóng dấu công chức vào tờ khai hải quan và đưa cho Hạnh ký tên, đóng dấu. Sau đó, cả hai chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến bộ phận kiểm tra đóng dấu làm thủ tục thông quan. Hành vi của cả hai bị phát hiện khi container hàng vận chuyển ra bên ngoài đã bị Đội Kiểm soát khu vực phía Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiểm tra, bắt giữ.

Qua kiểm tra container hàng, có 17 mặt hàng, trong đó có đến 2.100 thùng (30 chai/thùng) sữa Ensure dạng nước đóng chai, 1.680 sữa Ensure dạng bột, 35 thùng (24 chai/thùng) sữa Glucerma…, tổng giá trị hàng hóa lên tới 4,4 tỷ đồng. Theo kết luận điều tra, hành vi làm trái công vụ của Nguyễn Văn Hạnh, Trần Thanh Lâm đã gây thất thu tiền thuế Nhà nước số tiền lên tới 355 triệu đồng.

Tương tự, trước đó, trong phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, gây thiệt hại gần 6 tỷ đồng tiền Nhà nước nhưng nhiều bị cáo nguyên là cán bộ của cơ quan này được tòa chiếu cố cho hưởng án treo. Theo nội dung vụ án, từ tháng 9/2008, Bùi Quốc Vinh (nguyên chuyên viên chế độ chính sách), Nguyễn Thị Hoa (nguyên Phó Giám đốc) và Đỗ Phương Anh (nguyên nhân viên kế toán kiêm thủ quỹ) được Ban Giám đốc BHXH huyện Nhà Bè giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết trợ cấp BHXH một lần.

Lợi dụng chức vụ và quyền hạn được giao, Hoa cùng hai thuộc cấp của mình câu kết với một số nhân viên khác và Nguyễn Anh Tuấn (đối tượng bên ngoài) làm giả tài liệu, lập khống hồ sơ thanh toán tiền trợ cấp BHXH chiếm đoạt tổng cộng 5,96 tỷ đồng tiền BHXH. Số tiền này, Vinh, Hoa và Anh mỗi bị cáo chiếm hưởng 1,9 tỷ đồng, số tiền còn lại các bị cáo chia cho những đối tượng tham gia khác.

Với hành vi phạm tội như trên, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Bùi Quốc Vinh 20 năm tù, Nguyễn Thị Hoa 15 năm tù, Đỗ Phương Anh 14 năm tù và Nguyễn Anh Tuấn 12 năm tù về các tội “Tham ô tài sản, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Liên quan, Trần Thạch Hồng (nguyên Giám đốc BHXH huyện Nhà Bè) 3 năm tù cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và Hoàng Đức Thuật (nguyên nhân viên Bảo hiểm xã hội) 2 năm tù cho hưởng án về tội “Tham ô tài sản”.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh): Xét về việc vận dụng pháp luật để cho tội phạm tham nhũng được hưởng án treo là đúng vì tính bất cập của Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Theo điều luật quy định của điều này thì khi “xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ…” mà hầu hết các bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng phần lớn là người có chức vụ, quyền hạn và “có nhiều tình tiết giảm nhẹ”, tức họ có ưu thế về các tình tiết “nhân thân tốt” và “nhiều tình tiết giảm nhẹ”… Nhưng nếu như cho họ được hưởng án treo thì chưa đáp ứng được công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm liên quan đến tham nhũng.

Bên cạnh đó, việc cho tội phạm liên quan đến tham nhũng được hưởng án treo là chưa đáp ứng đúng với tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cụ thể là Khoản 4, Điều 11: “Mỗi quốc gia thành viên sẽ đảm bảo rằng các tòa án hay cơ quan có thẩm quyền của họ nhận thức được tính nghiêm trọng của hành vi phạm tội được công ước này điều chỉnh, cân nhắc việc cho phép tạm tha sớm hay phóng thích người bị kết án về tội này”.

Cũng theo luật sư Trạch, theo tinh thần của nghị quyết lần này đã khắc phục được những bất cập của Bộ luật Hình sự về chế định án treo (Điều 60) và hạn chế việc lạm dụng quy định của án treo đối với tội tham nhũng, giúp cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng đạt được hiệu quả cao và đáp ứng được về mặt lý luận trong khoa học hình sự về việc ban hành pháp luật

A.Huy
.
.
.